Những mạch ngầm thế hệ

ANTD.VN - Cách nhau bao nhiêu tuổi thì còn được coi là người cùng thế hệ? Câu hỏi này không dễ trả lời. Bản thân chữ thế hệ cũng bao hàm nhiều nghĩa. 

Những mạch ngầm thế hệ ảnh 1Người lớn tuổi ở phố trải qua những tháng năm gian khó mà thế hệ sau thường ít biết. Ảnh: Việt Hoàng

Thế hệ ông bà, bố mẹ, chú bác mình khác với thế hệ anh chị và các em mình. Đó là những thế hệ được mặc định theo vai vế trong họ hàng. Ngoài xã hội khác hẳn. Phụ huynh của bạn mình có thể còn ít tuổi hơn mình và mình có thể cũng ít tuổi hơn con cái vài ông bạn già. Gọi là bạn vong niên nhưng thực ra cách nhau vài thế hệ.

Thông thường hơn, bạn bè cùng thế hệ có thể hơn kém nhau chục tuổi. Ở thành phố, tuổi tác thường được kín đáo giấu đi đằng sau cách xưng hô. Biết mười mươi người đối thoại có thể hơn kém mình hàng chục tuổi nhưng dân phố lịch lãm vẫn thường giao tiếp chỉ bằng hai đại từ nhân xưng anh và tôi. Đó hình như là cách xưng hô đầy đủ lịch sự nhất. Và cũng là nét văn minh ứng xử rất đáng để phổ biến rộng rãi.

Thế nhưng người Việt, nhất là ở các vùng nông thôn không dễ làm quen với cách xưng hô như thế. Đại khái có ông khách đến chơi với bố mình thì phần lớn các ông con ngang bằng hoặc hơn tuổi khách cũng đều lễ phép gọi chú xưng cháu. Ở thành phố đôi khi đến chơi với ông bạn già có thằng con cũng là bạn mình thì ông ấy lịch sự hỏi ngay: “Hôm nay ông đến chơi với tôi hay là đến chơi với thằng X…?”. Lịch sự đấy nhưng cũng đầy kẻ cả. Và khách trả lời: “Hôm nay em đến chơi với thằng X…” cũng là một cách lịch sự mà không quá nhún nhường.

Ở thành phố nhất là trong những thời khắc có biến động về chính trị hoặc chuyển giao thập niên thường hay được người ta lấy làm cái mốc để nói về thế hệ. Cách nói này không chỉ ở chỗ dân dã mà còn đi vào hẳn trong những văn bản hành chính Nhà nước. Người ta sẽ gọi là thế hệ sau 45(1945), thế hệ sau 75(1975), hoặc là ngắn gọn hơn 4X, 5X, 6X, 7X…

Chế độ chính sách dành cho các cụ hưu trí cũng được chia ra thế hệ lão thành là người hoạt động trước 1940, trước 1945 được hưởng ít hơn. Sau 1945 ít nữa… Thế cho nên có những cụ cán bộ lão thành còn ít tuổi hơn cả những người hoạt động sau 1945. Đơn giản vì cụ ấy đi theo cách mạng từ khi mới tròn 12 tuổi. Đến ngày cách mạng thành công mới đủ 15 cho nên ít tuổi hơn ông tuổi 40 mới theo cách mạng vào năm 1945 cũng là dễ hiểu.

Ở thành phố hiếm khi người ta nói trước mặt nhau những câu đại loại như “Thằng ấy thuộc diện con cháu” hoặc “Con ấy thuộc hạng đàn em”. Thế nhưng ẩn đằng sau cái không nói ấy là cả một bộ quy tắc ứng xử bất thành văn nhưng rất hiếm người không thuộc nằm lòng. Trong câu chuyện ồn ào nơi quán xá lỡ có anh nào tán phét những chuyện khác thế hệ lập tức lòi đuôi ra ngay.

Đại khái không ở lính ngày nào thì chớ có bàn chuyện kiểm tra nội vụ buổi sáng. Có anh hứng chí lên còn tả người lính thường cài đôi đũa móc chiếc bát sắt vào túi hậu đi xuống nhà ăn mà không hề biết việc ấy đã cấm trong toàn quân từ những ngày mới thành lập quân đội.

Người lớn trong gia đình thường coi con cái của mình là cùng một thế hệ. Điều này là rất sai. Với những gia đình đông con thì đứa lớn hơn đứa út hai chục tuổi là chuyện bình thường.

Hai chục năm ở phố có thể chia ra làm ba thế hệ bởi những biến chuyển xã hội diễn ra nhanh hơn ở nông thôn rất nhiều.Em út nhiều khi phải hướng dẫn anh cả sử dụng điện thoại thông minh chẳng hạn. Hơn nhau chỉ chục tuổi thôi cũng đã khó bình đẳng về nhiều thứ như sở thích, thói quen, khẩu vị và nhất là mối quan tâm.

Ông anh đưa cho đứa em kém chục tuổi những cuốn sách gối đầu giường của thế hệ mình dĩ nhiên nó chẳng thèm đọc. Ngược lại, đứa em mời ông anh lớn tuổi cốc trà sữa, dứt khoát ông ấy sẽ có liên tưởng ngay đến vại nước gạo.

Những mạch ngầm thế hệ ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Thành phố là nơi diễn ra nhiều cuộc hôn nhân chênh lệch thế hệ. Vợ kém chồng mươi mười lăm tuổi là chuyện thường. Chưa kể các đại gia có khi hơn vợ mới cưới đến ba chục xuân. Bản thân những cuộc hôn nhân như vậy tiềm ẩn khá nhiều rủi ro là điều ai cũng biết. Nhưng không dễ tránh.

Một thập kỷ với những thay đổi thần tốc phố phường là khoảng cách rất xa vời về nhận thức của hai thế hệ. Người lớn tuổi ở phố thường kinh qua những tháng năm gian lao mà thế hệ sau chẳng bao giờ biết được. Đại khái như thiếu nữ dưới ba mươi tuổi bây giờ làm sao hiểu được nỗi buồn tem phiếu mà thế hệ trước đó chục năm từng phải sống với nó hàng ngày. Ngược lại, anh chồng ngoài bốn chục cũng không bao giờ cảm thấy sự cần thiết phải trang điểm của cô vợ gần ba mươi. Cô ấy cứ để nguyên như vậy đã đủ đẹp lắm rồi.

Cuộc sống hôn nhân chênh lệch thế hệ bản thân nó đã là mối bất hòa lớn về nhận thức. Kiến thức, tiền bạc thậm chí cả địa vị có thể tự điều chỉnh được nhưng nhận thức về nó lệch lạc là vĩnh viễn không thể thay đổi.

Vợ đam mê kiếm tiền thì đừng bao giờ mong cô ấy chú tâm vào việc dạy dỗ con cái. Chồng say quyền chức cũng đừng mong ông ấy quan tâm đầy đủ đến mình. Tiếc thay, những cặp “đũa lệch” ở phố lại thường xuyên không giống nhau về sở thích và mối quan tâm. Đó là những mạch ngầm thế hệ luôn không cùng chảy về một hướng.

Ngạn ngữ cổ nói về việc chọn vợ gả chồng có câu “Gái hơn hai, trai hơn một” đã là gần với văn minh và chứng tỏ được sự bền vững theo kinh nghiệm ấy là đúng. Thế nhưng lại có tục ngữ đầy tinh thần khuyến cáo chưa bao giờ cũ “Bằng tuổi nằm duỗi mà ăn”.

11-2017

Cuộc sống hôn nhân chênh lệch thế hệ bản thân nó đã là mối bất hoà lớn về nhận thức. Kiến thức, tiền bạc thậm chí cả địa vị có thể tự điều chỉnh được nhưng nhận thức về nó lệch lạc là vĩnh viễn không thể thay đổi 

Tin đọc nhiều