Những bình luận viên "phủi" ngoài phố

ANTĐ - Trong tất cả các môn thể thao thượng võ mang tính đối kháng, có thể nói bóng đá là loại hình vũ dũng hạng nhất. Nó tuyệt đối không dành cho những “fan” yếu tim. Gần cuối trận giữa Bắc Ireland với Ukraine hôm 16-6 vừa rồi, báo chí đã xót xa chia buồn với một cổ động viên người Bắc Ireland vì vui quá mà vỡ tim. 

Những bình luận viên "phủi" ngoài phố ảnh 1Sau mỗi trận cầu, nghe bình luận viên “phủi” ngoài phố bàn về bóng đá cực kỳ thú vị

Có lẽ luôn đẫm đầy sự bất ngờ, hạnh phúc, nghẹn ngào, hồi hộp, nên bóng đá nghiễm nhiên được coi là môn thể thao vua. Nhưng cũng chính vì “cây cao gió cả”, nên xung quanh sân bóng lúc nào cũng sôi sục thị phi. Thậm chí, đôi lúc người hâm mộ cuồng nhiệt đã không “động khẩu” nữa mà còn sẵn sàng “động thủ”. 

Chuyện cổ động viên Nga và Anh có bốc hỏa “choảng” nhau thì dư luận cũng không quá giật mình. Xem bóng đá mà không được ồn ào bình luận, không được hoa chân múa tay tranh cãi thì độ quyến rũ của nó, đương nhiên hụt đi một nửa. Có phải vậy chăng mà từ rất lâu, truyền thông chuyên về bóng đá luôn ở thế thượng phong. Không kể nhan nhản những kênh truyền hình quốc tế, thì những tờ báo lừng lẫy thành danh tầm thế giới cũng nhiều vô số.

Đơn cử như tờ “L’Équipe” hay “France Football” của Pháp. Rồi hàn lâm như “Kicker” của Đức, “lá cải” như “Marca” của Tây Ban Nha. Hoặc khét tiếng soi mói hậu trường cầu thủ như tờ “Daily Mirror” của Anh chẳng hạn. Trên những trang báo ấy luôn đầy ắp những bài bình bài luận vừa sắc sảo “tàn nhẫn” vừa chua cay dí dỏm, hẳn hoi đạt tới thành tựu của một kiểu văn chương. Nó “độc” đến mức, không ít những trọng tài những huấn luyện viên những cầu thủ nhạy cảm run rẩy không dám mở đọc. Huyền thoại Maradona đã từng phát điên mang súng bắn chim ra bắn vào đám bình luận viên thích khua môi múa lưỡi.

Trên một khía cạnh nào đó, ở ta cũng vậy thôi. Chuyên mục bàn tán về bóng đá luôn là cái “đinh” của hầu hết mọi tờ báo viết, báo hình, nhất là những trang báo điện tử. Sau một trận bóng kinh điển, chẳng cần “câu viu”, số lượng người vào “còm” lên tới cả nghìn. Có điều, bóng đá là một trò chơi, và giống như nhiều trò chơi tinh hoa khác mà con người trong lúc thăng hoa hạnh phúc đã nghĩ ra, nó vừa nhân văn vừa không quá phức tạp.

Nếu phải miễn cưỡng so sánh với hội họa, với kiến trúc hay văn học chẳng hạn thì mọi thao tác nghề ở bóng đá luôn mang vẻ tươi nguyên đơn giản. Thế nhưng trong lúc bên văn học, kiến trúc, hội họa… càng ngày càng thưa vắng những luận giả, bình giả, giải thích giả thì ở bóng đá cứ qua mỗi kỳ EURO hay World Cup, những bình luận gia chuyên nghiệp lại đông một cách kha khá đáng ngờ.

Đã có người cầu kỳ ngu ngơ phân loại các nhà bình luận “football”, đại khái ang áng chia ra làm đôi, loại chuyên nói và loại chuyên viết. Nói “ang áng” là bởi vì giữa hai nhánh này có thỉnh thoảng mông lung trộn lẫn thành một nhánh “thông giao”, vừa có thể linh tinh viết vừa có thể ba hoa nói. Theo chuyện chưởng của Kim Dung thì đây là một loại cao thủ hiếm hoi đã luyện thành công tuyệt chiêu “song thủ hỗ bác”, nôm na có nghĩa là chơi được cả bằng hai tay.

Điển hình ví dụ là thiếu hiệp Trương Anh Ngọc. Trương công tử cực mê catenaccio Ý, một dạo dài có làm bình luận cho giải vô địch bóng đá Ý serie A. Nghe anh tường thuật thật khoái cảm, trầm bổng nồng nhiệt, thiết tha. Lúc có bàn thắng được ghi, anh lạc giọng hô “Vào…” ngân nga kéo dài cả phút, thời lượng xúc cảm ngang bằng với danh ca cải lương Út Trà Ôn khi “xuống xề” đổ câu vọng cổ. Gần đây thấy anh ít hiện hình, quay sang chăm chỉ viết bài cho tờ “Thể thao - Văn hóa”.  

Nói chung, bình luận viên chuyên nói thường được người ta thích hơn những bình luận viên chuyên viết. Có lẽ do họ đều đẹp trai, đều tài cao trẻ tuổi và đều để đầu xịt “gôm” mượt mà. Ví như bình luận viên họ Tạ ở VTV chẳng hạn, những lời có cánh của anh luôn làm khán thính giả vừa nắc nẻ cười, vừa da diết nhớ, vừa phát điên tức.

Thế nhưng nói gì thì nói, đã bình luận thì phải có chính kiến, thậm chí phải cực đoan. Có phải thế chăng mà nhà đài thỉnh thoảng rất hay mời đám văn nghệ sĩ, nhất là những nhà thơ. Cái hay của bình luận bóng đá là không cần phải trái đúng sai, nó chỉ lồng lộng một tình yêu chủ quan vô bờ bến. Nhiều đội thua vẫn được mến, nhiều đội thắng vẫn bị chê. Thế giới phẳng ở đâu thì không biết, nhưng đã vào sân là rừng rực một tinh thần màu cờ sắc áo. Bởi vậy người nghe rất sợ những bình luận viên ba phải, ăn nói loanh quanh ra vẻ uyên bác cẩn thận nước đôi. Không hiểu sao dạo này trên sóng truyền hình trực tiếp, đám bình luận gia này càng ngày càng đông.

Chính vì thế mà nghe bình luận bóng đá thú vị nhất vẫn là được nghe ở ngoài phố. Những bình luận viên “nghiệp dư” ấy có thể là dân ưa cá độ hoặc không bao giờ cá độ. Họ có thể là sinh viên, là công nhân, là lao động ngoại tỉnh, là trí thức thành thị. Họ là già, là trẻ, là trùng trùng điệp điệp nam phụ lão ấu. Ngôn ngữ luận bàn của họ ở quán bia vỉa hè ở quán cà phê máy lạnh vừa “bụi phủi”  vừa hàn lâm, tuyệt vời sôi động, tuyệt vời hóm hỉnh. Bình về thao tác nhận quả bóng vàng của Rô “điệu” (Ronaldo) hay thích giả vờ ngã, họ bảo: “Tiên sư cậu, lần đầu tiên có người đụng mạnh vào cậu mà cậu không ngã”.

Hình như nhờ có họ mà bóng đá mới có EURO.

Tin đọc nhiều