Nhậu phố

ANTD.VN - Người Bắc bây giờ dùng từ nhậu tương đối phổ biến, mặc dù từ này nghe đồn là lưu lạc từ tận phương Nam xa xôi, cập tới xứ Bắc thì được tiếp thu một cách hoan hỉ và áp dụng phổ biến. 

Nhậu phố ảnh 1Nhậu ở phố có sang đến mấy thì cũng khó có được hương vị đượm nồng như nhậu ở quê

Từ nhậu kỳ lắm, vừa chứa chấp sự dân dã, ồn ào lại vừa tao nhã thân tình. Kiểu như em kính bác đến nhà em uống chén rượu, cầm ly bia thì nghe nó tràn trề khách sáo, nhưng nhắn nhau một câu, bác chiều rảnh sang nhậu nhà em, nghe nó có chừng gần gũi đẩy lùi khoảng cách hẳn. 

Tôi dùng từ nhậu phố chỉ có một ham muốn duy nhất để phân biệt với nhậu quê. Ở phố, tôi cũng từng vác miệng đi khắp các quán từ lìu tìu thô kệch vỉa hè đến lịch lãm tầng cao… nhưng ở đâu cũng thế, đồ ăn ngon đến bao nhiêu cũng không bằng cái chất nhậu quê. Nơi mà không khí đã là một chất nhậu vô cùng độc đáo. 

Đó có thể là bờ đê một tối tròn trăng. Nơi con nước đập vào nền đất ì oàm. Nơi có tiếng gió rít hờn trên những hàng đưng, hàng sú mặn mòi vị mặn, hôi nồng vị rơm. Nhậu với cái không khí ấy thì vào quá chừng. Nhậu mà không say, chỉ thấy mặn thêm cái tình quê, yêu thêm cái sự yên bình của chốn dân dã. 

Không khí đã thế, đồ nhậu cũng thật là thơm nồng, tươi đến giãy giụa. Cá mới bắt ở dưới sông lên, chim mới vừa bẫy được, vịt nhà nuôi bằng cám bã vừa tuổi lên mâm… Đồ tươi ngon, không gian thanh sạch yên bình, nhậu quê vẫn là tràn trề sung sướng. 

Nói về nhậu phố, mỗi phố lại có một phong cách nhậu khác nhau. Ở đây chỉ đề cập đến nhậu phố ở Hà Nội với nhậu phố ở TP.HCM, hai đô thị lớn ở nước ta. 

Nhậu phố ảnh 2Tác giả Hồ Viết Thịnh

Quán nhậu ở Hà Nội chẳng hiểu sao lại ồn ào hơn những quán nhậu ở đất phương Nam. Tôi đã từng đem cái băn khoăn ấy vào tận Sài Gòn và rồi tự tìm ra cách giải thích của riêng mình. Nó liên quan đến một vấn đề khá cơ bản, chính là phong cách phục vụ của các quán nhậu ở hai miền. Nếu ở TP.HCM, khách hàng luôn là thượng đế, được phục vụ một cách chu đáo thì ở Hà Nội, điều đó chỉ tìm thấy ở những nhà hàng sang trọng, còn các quán bia vỉa hè, phong cách bình dân hoặc trên bình dân một chút đôi khi là điều xa xỉ. 

Người quê mời nhau nhậu phần lớn là quý nhau, nhớ tới nhau mỗi khi có rượu ngon, mồi lạ. Còn người phố, cuộc nhậu còn xen kẽ những cuộc gặp gỡ làm ăn, ủ mưu kết nối, thành ra nghe trong hơi rượu có mùi kim tiền.

Mỗi bàn nhậu ở Sài Gòn thường có ít nhất một nhân viên túc trực sẵn sàng phục vụ khách. Ở Hà Nội, thường mấy bàn nhậu mới có một người chạy đi chạy lại. 

Nếu bạn để rơi một chiếc đũa trong bàn nhậu ở Sài Gòn, nhân viên có thể thay ngay cho bạn một đôi đũa khác. Trong khi đó, ở các quán nhậu Hà Nội,  bạn phải quay ngược, quay xuôi xác định vị trí của nhân viên phục vụ, tập trung lấy đà, lấy hơi và hét thật to đến mức có thể: “Em ơi cho anh xin đôi đũa”. Nên nhớ phải là “cho xin”. Từ “xin” có hàm ý nhờ cậy, vì nếu thể hiện một hàm ý khác, bạn sẽ bị lơ đi một cách nhanh chóng. 

Nhậu ở Sài Gòn, đá lạnh sẽ được nhân viên gắp đổi liên tục kể cả khi nó vẫn đang còn long lanh trong ly. Ở Hà Nội bạn sẽ được giao một xô đá có sẵn cây gắp và được tự phục vụ, đến khi hết đá, dĩ nhiên bạn vẫn phải lặp lại lộ trình như trên: “Em ơi, cho anh xin thêm xô đá”. 

 Tiếng gọi nhân viên với mật độ cao, âm lượng lớn từ khắp mọi phía sẽ lấn át đi cuộc trò chuyện trong những bàn nhậu. Muốn người bên cạnh có thể nghe được trọn vẹn lời mình nói, thực khách thường phải nói to hơn mức bình thường. Đó có lẽ là nguyên nhân tạo nên một trường âm thanh cực lớn và có khi rất hỗn loạn.

Cách người ở Sài Gòn tiếp đón khách phương xa cũng phản ánh sự hiếu khách của họ với những người từ nơi khác đến. So sánh một cách giản đơn thế này, khi bạn là người Bắc vào Nam nhậu và được họ đón tiếp một cách thịnh tình, người đó ra Bắc, bạn muốn đón tiếp bằng một sự thân tình ngược lại, dù  bạn cố gắng đến đâu bạn cũng sẽ có xu hướng thấy chưa bằng cái thân tình của người Nam. Nguyên nhân có lẽ nằm ở sự khách sáo của người Bắc, đôi khi trong mọi sự thân tình vẫn có bóng dáng của sự rào đón, đáp nghĩa thông thường. 

À còn một điều này nữa, sự khoáng đạt trong phong cách nhậu của người Nam với người Bắc còn nằm ở lời ca tiếng hát. Sẽ không khó để bắt gặp giữa một quán nhậu người đàn kẻ hát ở đất phương Nam, nhưng khó tìm thấy điều đó ở một quán nhậu của Hà Nội. Người Hà Nội thường chỉ gửi tiếng hát trong một căn phòng đóng kín có cửa thoát hiểm ở quán karaoke mà thôi. Nếu lỡ bạn có thấy cảnh kẻ đàn người hát ở quán nhậu Hà Nội, dứt khoát trong thành phần mâm nhậu ấy có khách phương Nam. 

Lại đem so nhậu quê với nhậu phố, sự khác biệt còn nằm ở chỗ mục đích các cuộc nhậu. Người quê mời nhau nhậu phần lớn là quý nhau, nhớ tới nhau mỗi khi có rượu ngon, mồi lạ. Còn người phố, cuộc nhậu còn xen kẽ những cuộc gặp gỡ làm ăn, ủ mưu kết nối, thành ra nghe trong hơi rượu có mùi kim tiền. 

Nói một cách tổng thể, nhậu phố đóng góp vào “vị thế” nhậu của người Việt trong bản đồ tiêu thụ rượu bia của thế giới không hề nhỏ. Có dạo người ta thắc mắc thể trạng người Việt Nam vốn không được thiên nhiên ưu đãi lắm, nhưng tại sao sức nhậu lại có thể bền bỉ làm vậy. Nó hằn sâu liên quan đến một thói quen đã thành khẩu ngữ: “Đã không lên thì thôi, đã lên rồi là trăm phần trăm”.

Tin đọc nhiều