Mặt của nhà vô địch

ANTĐ - Trong mọi cuộc thi đấu, kể cả dịu dàng nhỏ nhoi như chọn hoa hậu phường hay hung hăng hoành tráng đấm “bốc” cỡ quận, thì một điều luôn làm đám thị dân phố ngong ngóng, đó là được chiêm ngưỡng khuôn mặt của nhà vô địch. Bóng đá đỉnh cao cũng thế thôi. 

       Bóng đá giống như những con phố rêu phong nghìn năm tuổi vẫn tươi tắn lãng mạn            Ảnh: Mai Kỳ

Cho đến hôm nay (4-7), vòng chung kết EURO 2016 đã gần như xác định xong hai cặp bán kết. May mắn cũ kỹ Bồ Đào Nha gặp kiêu hùng tươi mới xứ Wales. Và sau một cuộc “đấu súng” nghẹt thở tới viên đạn cuối cùng thì Đức sẽ gặp hoặc Pháp hoặc Iceland. Một khi “tứ đại vương gia” đã lộ diện thì chẳng cần phải giỏi Dịch, giỏi Bốc Phệ, giỏi thuật toán, các “fan” cuồng nhiệt ở mọi ngóc ngách của Hà Nội cũng ang áng được gần đúng, là ai sẽ đăng quang.

Bởi từ bãi bia vỉa hè cho đến quán cà phê máy lạnh, cái dư luận “con vua sẽ lại làm vua” vẫn day dứt thống trị. Cứ nhìn các tỉ lệ mở kèo của những nhà cái khét tiếng hợp pháp như William Hill ở Anh thì biết. Rồi rộng ra, giải quần vợt lâu đời đầy danh tiếng Wimbledon đang chơi ở London, cho dù Djokovic vừa bị “nốc ao” nhưng ngôi vị “Queen” và “King” cũng khó mà thoát được khỏi tay của những Serena và những Murray.

Đại loại nó giống như truyền thống nghề ở những phố quanh quẩn quận Hoàn Kiếm, muốn mua thùng tôn thì phải ra Hàng Thiếc, muốn sắm nữ trang thì phải lên Hàng Bạc. Nếu Đức hay Pháp mà đăng quang, thì mặt của nhà tân vô địch cũng hao hao như mặt tiền của nhiều nhà trong khu phố cũ, sâu xa quá ít đổi thay.

Thế nhưng bóng đá là trò chơi mang tính dân chủ đệ nhất, nó có những cái lý đáng yêu của riêng nó. Bởi giống như lịch sử đời sống của một thành phố, giữa vô số trập trùng thăng trầm, đôi lúc bỗng lóe sáng những bất ngờ hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà không ít người hâm mộ đã giản dị mơ một giấc mơ “I have a dream”, đó là trận chung kết giữa xứ Wales và Iceland.

Giấc mộng đẹp đẽ này hoàn toàn không phải xuất phát từ nỗi niềm khát khao thiên vị kẻ yếu, lại càng không phải là hệ lụy từ chuyện thời thượng đang thời sự Brexit. Chuyện vương quốc Anh “out” khỏi EU thì bất ngờ ở đâu đâu chứ riêng với đa phần những người “phớt Ăng Lê” thì là quá hiển nhiên.

Cả thế giới văn minh thích đi bên phải, riêng dân UK đã quen đi bên trái. Họ có hẳn một truyền thống tự hào “bảo thủ” (đây còn là tên chính danh của đảng cầm quyền), vì tin tưởng sâu sắc rằng khi một cái cũ đã đạt tới tầm hoàn thiện thì chẳng việc quái gì mà phải vội vã cách tân hay đổi mới.

Lối đá của xứ Wales và Iceland đâu có lạ, nhất là với những bại tướng dưới tay họ kiểu như huênh hoang Bỉ hay cẩn thận Áo, cứ pressing chuyền dài rồi chạy. Nó giống hệt như những con phố đã rêu phong nghìn năm tuổi nhưng vẫn sâu lắng một sinh lực tươi tắn lãng mạn. 

Thực ra, xứ Wales hay Iceland vô địch cũng không phải là quá hoang đường. Lịch sử của vòng chung kết EURO đã có tiền lệ. Cuộc phiêu lưu của những chú lính chì Đan Mạch vào năm 1992 là minh chứng. Thêm một ví dụ kinh hoàng nữa, năm 2014 những người Hy Lạp đã cho cả châu Âu sửng sốt, đỉnh Olympia vẫn là nơi cư ngụ của các vị thần.

Nói chung, việc những quốc gia nhỏ kiêu hãnh chứng tỏ được bản sắc lớn của mình, thì đó chính là một sự tiến bộ của nền văn minh dân chủ châu Âu. Đã qua rất lâu rồi cái thời mấy ông kễnh Đức, Ý, Tây Ban Nha… khệnh khạng thay nhau làm vua. Còn gì chán hơn là trái bóng tròn cứ ngăn nắp lăn theo một hướng. Bởi đấy thực sự là một bi kịch khi cái danh không còn cái thực.

Tự xửa xưa, đại triết gia Khổng Tử đã nghiêm mặt dặn dò: “Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Một nhà  Nho gàn của phố Nhà Chung đã nôm na dịch, ở cái cuộc đời đều đặn này nên liên miên phải mới, Hà Nội mỗi ngày một chuyện. Một chân lý không lớn nhưng không phải bất cứ ai cũng hiểu.

Trên tờ Văn nghệ Trẻ số 26, thần đồng thi sĩ Trần Đăng Khoa (hình như ông này không yêu bóng đá lắm), có kể: “Tôi nhớ có lần đi trao đổi về văn học ở nước ngoài, tôi đi cùng một nhà phê bình, tác giả của rất nhiều cuốn sách. Bạn hỏi: Trong kháng chiến chống Pháp, ở nước các anh, nhà thơ nào là nổi tiếng nhất. Ông phê bình kể tên một nhà thơ. Thế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ai nổi tiếng nhất. Vẫn cứ là nhà thơ đó. Vậy trong thời kỳ hòa bình này thì là ai. Ông phê bình vẫn khẳng định là nhà thơ đó thôi. Ông bạn trợn mắt ngạc nhiên: “Thế ra nền văn học của các anh không phát triển à?”.

Bóng đá là một môn thể thao liên tục phát triển và đầy năng động. Sự động đậy của nó, khách quan mà nói, còn nhiều hơn văn chương. Có lẽ vì thế, đội tuyển xứ Wales năm nay nhỡ có vô địch thì cũng là điều tuyệt xứng đáng. Nó chứng minh rằng, khuôn mặt của nhà vô địch bao giờ cũng nên lạ lẫm, tươi tắn tràn trề một sinh lực bất ngờ thăng hoa. Hy vọng từ nay trở đi, những vòng chung kết bóng đá ở châu Âu sẽ hao hao giống những cuộc thi hoa hậu ở ta, cứ mỗi một lần thi đều chọn ra được một nhan diện tân kỳ từ một vô danh người đẹp.