Lựa chọn ở hôn nhân

ANTD.VN - Có một thời chưa xa lắm, khi vài đợt gió se se lạnh đầu mùa vừa dịu dàng chạm tới sông Hồng, thì cả Hà Nội háo hức lên đồng trôi vào mùa cưới. 

Ngày nay, cô dâu Việt đã may mắn hơn nhiều trong việc lấy chồng (ảnh minh họa) 

Rất nhiều chàng trai lương thiện đang lưỡng lự nhút nhát yêu, bỗng thăng hoa thành quả quyết, lâng lâng nhắm mắt buông mình tự rơi vào hôn nhân. Bây giờ hình như đã khác hẳn, mùa cưới cuồn cuộn quanh năm, bởi hầu hết các cuộc hôn nhân đều đến từ sự chủ động lựa chọn. Ở những ngày xa xưa nữa thì chưa chắc, nhất là riêng với phụ nữ, cho dù ca dao cũng làm ra vẻ “Đi chợ chớ chọn thịt mông. Lấy chồng chớ lấy dở ông dở thằng”.

Trong thời phong kiến, một sự hôn phối tử tế là phải do người lớn (ông bà, cha mẹ…) mai mối xếp đặt. “Chồng chị là ai. Chị nào có biết. Đợi đến ngày mai. Nhìn qua kẽ liếp”. (Lưu Trọng Lư). Vì thế, đối với thiếu nữ, “mót” được tấm chồng như ý thường là chuyện thiên nan vạn nan.

Ở nghi lễ văn minh phương Đông, do sùng bái truyền thống “trọng nam khinh nữ” nên đám đàn ông đi chọn vợ thường khá ngông cuồng. Thoạt kỳ thủy, chữ “hôn” trong “kết hôn” của Hán tự được viết giống hệt chữ “hôn” trong “hoàng hôn”, bởi tiệc cưới do nhà giai đều tổ chức vào chập choạng chiều muộn. Theo sách “Ngữ lâm thú thoại” thì đây là hệ quả của tập tục cướp vợ trong thời kỳ quá độ, xã hội đang chuyển từ mẫu quyền sang phụ quyền.

Để khẳng định vị thế nghênh ngang mới xác lập của mình, đàn ông thích hung hăng đi cướp. Mà đã là cướp giật thì ai chả chọn lúc tranh tối tranh sáng. Tuy nhiên khổ một nỗi, chính cũng vì nhá nhem nên cái của cướp được đấy phần lớn đều không phải là “hàng thửa”. Đám đàn ông đành bất hạnh sống chung với thứ của nợ ấy cho đến hết phần đời còn lại. 

Có lẽ đây là nguyên nhân chính làm cho tục cướp vợ bị thất truyền ở miền xuôi, chỉ lác đác còn thấy như là một hủ tục ở mạn ngược. Có phải vậy chăng khi mà văn minh tiến triển thì vị trí của phụ nữ ở hôn nhân được nâng cao hơn. Ngoài chữ “hôn” thì đồng nghĩa có thêm chữ “thú” (dùng cho nhà giai) và chữ “giá” (dùng cho nhà gái).

Ở phương Tây, nữ quyền được kha khá tôn trọng, đặc biệt qua những nghi lễ kết hôn Thiên Chúa giáo. Đây là tôn giáo đầu tiên minh bạch quy định hôn nhân một vợ một chồng. Chuyện ly hôn bị tuyệt đối cấm. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì con người không được phép phân ly” (Kinh Thánh).

Bí tích hôn phối là một trong bảy phép bí tích thiêng liêng nhất. Trong hôn lễ trang trọng tại nhà thờ, vì sợ rồi đây chú rể sẽ tỉnh táo tháo chạy, người ta thường bắt cả hai bên đương sự đeo nhẫn cưới vào ngón tay áp út, một biểu tượng tế nhị của sự ràng buộc xiềng xích. Ở mức độ nào đó, hôn nhân chỉ là sự lựa chọn từ Chúa Trời ban phát cho con người.

Nhiều thành tựu của khảo cổ học cho thấy rằng hôn nhân đã có từ rất lâu, lâu không kém gì nếu miễn cưỡng phải so với những… tai họa mà nhân loại thường phải gánh chịu như hỏa hoạn hay tai nạn giao thông, những tai họa không được gọi là thiên tai mà do sự nông nổi bất cẩn của con người. Sử liệu từ thời phong kiến cũng cho thấy lễ nghi cưới hỏi hồi đấy lằng nhằng lắm, đại loại phải có đủ “tam thư lục lễ”. Tam thư là ba lá thư nhà giai gửi sang trình bày chuyện sắp xếp chuẩn bị.

Còn lục lễ thì theo học giả Phan Kế Bính, gồm “nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ, thân nghênh”. Có chữ rằng, lục lễ bất bị trinh nữ bất xuất. Nghĩa là sáu lễ không đủ thì người gái trinh không đi. Sáu lễ ấy đại khái phiên nôm sang ta thành lễ Dạm, lễ Hỏi, lễ Sêu, lễ Cưới… (Việt Nam phong tục-NXB Văn học). Ở thời bây giờ tại các đô thị lớn, tuy chưa đủ sáu lễ nhưng các gia đình nhà gái vẫn nồng nhiệt đẩy cô dâu đi.

Không phải hoang mang về trinh tiết của con mình mà là do thói quen thời thượng thích ăn fast food. Lễ cưới vì thế cũng đầy tốc độ, khách đến vội vã ăn, vội vã mừng, ngấm ngầm chia buồn với nhà giai, chia vui với nhà gái rồi hấp tấp xin phép cáo lui. Duy có bố mẹ cô dâu là tương đối thong thả, đi lại mang vẻ rầu rĩ nhưng sâu xa sảng khoái, thanh thản. Có lẽ hạnh phúc lớn nhất của các bậc phụ huynh là ngày cưới con gái.  

Thế nhưng nói cho cùng, phụ nữ nói chung hay thiếu nữ Việt nói riêng khi “thửa” chồng thường gặp rất nhiều vất vả. Hiển nhiên, để chủ động chọn được chồng thì gia cảnh thiếu nữ ấy cũng phải tương đối dư dật. “Thớt có tanh tao ruồi mới đến”, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng bảo vậy. Thời phong kiến, định hướng kén chồng luôn nhằm vào bọn sĩ tử. “Chẳng tham ruộng cả ao liền. Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ”.

Bởi bây giờ là anh đồ kiết nhưng biết đâu đấy, qua vòng thi Hương thi Hội nhỡ anh ta “trúng quả” đỗ đạt thành ông này ông nọ. Ngày xưa cứ đỗ cử nhân là được bổ làm quan, nên muốn thực hiện dự án thành quan bà thì bắt buộc phải đầu tư chiều sâu. Bởi thế trong làng có anh chàng nào chăm học chưa vợ thì tất tật các loại nhà gái đổ xô đến kén. Bọn họ giúp gạo rồi giúp tiền, đại loại như một thứ xí chỗ. Có điều, đã là chạy dự án thì thời nào cũng rủi ro. Nhiều nhà vô phúc chọn nhầm phải thằng rể dốt, thi trượt lên trượt xuống, công sức đầu tư tan vào mây khói.

Ngày nay, những người đẹp Việt đã may mắn hơn nhiều trong việc “thửa” chồng. Không phải ngẫu nhiên mà các hoa hậu ,diễn viên hay người mẫu, đa phần đều lấy được các đại gia thành đạt.

Tin đọc nhiều