Không ngủ trong thành phố

ANTD.VN - Nếu như Hà Nội và những thành phố lớn trong cả nước không có luật cấm bán hàng qua đêm thì chắc chắn cũng “không ngủ” như nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng, dù có luật cấm thì Hà Nội vẫn có những nơi không ngủ.

Tất bật với mưu sinh, không ít người ở Hà Nội có nhiều đêm không ngủ - Ảnh: LAM THANH

Rất nhiều thành phố lớn trên thế giới được mệnh danh là những thành phố không ngủ. Xa tít bên kia đại dương là New York, Chicago, Las Vegas, gần hơn một chút là châu Âu với Paris,  Amsterdam, Barcelona, Roma… Thật gần là châu Á với Thượng Hải, Hồng Kông, Bangkok, Jakarta… Đó là những thành phố có hoạt động về đêm nhộn nhịp chẳng khác gì ban ngày.

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Hà Nội vắng vẻ ngay từ lúc bảy giờ tối ở những khu phố không phải là Hoàn Kiếm. Phía Bắc có thể lấy đường tàu hỏa làm ranh giới. Về phía Nam bắt đầu từ quãng phố Hai Bà Trưng đổ xuống Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Những con phố ngang bắt đầu từ bờ sông Hồng chạy qua thành phố đến đường tàu hỏa là dừng lại.

Vẻ trầm tư cổ kính với những biệt thự tây và những hàng cây cổ thụ loe hoe ánh đèn điện vàng ủng càng làm cho những con phố này trở nên vắng vẻ hơn. Lúc này, Hà Nội chỉ có chừng ba hoặc bốn khách sạn của Nhà nước. Khách sạn Metropole, Dân Chủ, Hòa Bình dành cho khách nước ngoài. Khách sạn Thủ Đô gần ga Hàng Cỏ dành cho cán bộ công tác lỡ độ đường. Vài khách sạn nhỏ nữa trên đường Nam Bộ gần cửa ga cũng có phòng ốc cho thuê nhưng phần lớn là phòng chung nhiều giường.

Những lo toan cơm áo suốt một ngày làm việc cũng theo vào đến tận giấc ngủ. Người Hà Nội mất ngủ đã thành chuyện thường 

Một vài nhà nghỉ tư nhân cuối đường Bùi Thị Xuân ngày ấy còn mang tên Huyền Trân công chúa. Đó chỉ là những nhà trọ có phần tạm bợ nhếch nhác. Khách sạn nhỏ và nhà trọ ngày ấy có chung một thứ đặc sản giống như trên tàu xe khắp các nẻo đường. Đó là rệp. Người ngủ trọ phải trải tấm nilon trùm ra ngoài thành giường may ra mới có một đêm yên giấc.

Người thành phố bắt đầu đông đúc lên từ sau hòa bình. Người ta chen chúc trong các căn buồng được chia nhỏ từ những ngôi nhà lớn. Nhiều gia đình sống trong cùng một số nhà chẳng có họ hàng quen biết gì trước đó. Gọi là nhà nhưng cũng chẳng hơn nhà trọ bao nhiêu. Hầu hết phải lau sạch sàn trải chiếu nằm ngủ dưới đất.

Chiếc giường chỉ dành cho người già và trẻ nhỏ. Giờ giấc tắt đèn phải theo mệnh lệnh của người chủ gia đình. Lối sống tập thể vì thế mà hình thành ngay từ lứa tuổi nhi đồng. Thế nhưng thật lạ, giấc ngủ thường ngon lành kéo đến đúng giờ và chỉ tỉnh dậy vào lúc chuông đồng hồ báo thức reo vang. 

Những ngày chiến tranh phá hoại miền Bắc, cả thành phố vắng hoe. Cán bộ và bộ đội tỉnh xa công tác về Hà Nội có thể xin ngủ nhờ ở những gia đình mặt phố. Chẳng khó khăn gì khi chỉ phải trải thêm chiếc chiếu dưới sàn nhà. Người đi công tác thường mang theo đủ cả chăn màn cá nhân. Việc cần thiết nhất là phải có một gương mặt đủ độ tin cậy. Rất may thời ấy những gương mặt như thế không đến nỗi hiếm hoi lắm. Và người Hà Nội lúc ấy cũng không có tài sản gì nhiều để sợ mất trộm. Cho nên vẫn đẫy giấc như thường.

Giờ thì Hà Nội có đến hàng nghìn khách sạn không còn phân biệt khách khứa là người nước nào. Đủ tiền thì ngủ ở Metropole, Hilton Opera hoặc Melia, Nikko Hà Nội. Ít tiền hơn có những khách sạn tư nhân tùy ý chọn theo nhu cầu đi lại của mình ở khắp các quận, huyện. Thế nhưng nhu cầu tạm trú tại Hà Nội cũng tăng lên không ngừng. Rất khó tìm được một khách sạn như ý nếu như không đặt trước.

Giờ thì dân phố cũng gần như thoát cảnh nhà cửa chật chội. Trong một gia đình đã có nhiều phòng riêng cho từng công năng, thậm chí từng người. Thế nhưng những người mất ngủ cũng ngày một nhiều. Thành phố đông đúc ồn ào gần như hết đêm ở những đường phố chính. Những con đường ra ngoại ô dành cho đám xe tải chở vật liệu và đất cát xây dựng bắt đầu hoạt động từ lúc 10 giờ đêm cho đến sáng.

Đấy cũng là lúc những người chở thực phẩm rau cỏ kéo nhau lũ lượt đổ vào trong phố. Vài năm nay có phong trào lợp mái tôn trên sân thượng chống nóng. Mùa hè mưa rào, cả thành phố như đựng trong những chiếc thùng rỗng đinh tai. Ấy là còn chưa kể những lo toan cơm áo suốt một ngày làm việc cũng theo vào đến tận giấc ngủ. Người Hà Nội mất ngủ đã thành chuyện thường.

Không mấy người còn kêu ca nữa nhưng thuốc ngủ vẫn là mặt hàng bán chạy nhất ở các hiệu thuốc. Và vô số thuốc men kiểu “rỉ tai” của các cụ tổ hưu dành cho việc chăm sóc giấc ngủ. Vậy mà vẫn nhiều cụ nhờn thuốc lục sục cả đêm. Dường như cái khái niệm “thành phố không ngủ” đã mon men đến rất gần Hà Nội. Chẳng biết nó có liên quan gì đến ngôi làng Macondo mất ngủ trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của văn hào G.G.Marquez hay không?

Tất nhiên vẫn có những bà vợ rất cẩn thận dặn chồng nhắc mình uống thuốc ngủ buổi tối. Nhiều tối ông ấy phải đánh thức vợ dậy để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhà văn Đỗ Phấn

Tin đọc nhiều