Hàng xóm láng giềng

ANTD.VN - Hàng xóm láng giềng ở Hà Nội hẳn nhiên có nhiều cái đặc biệt và khác biệt so với nơi khác. Thôi không nói đến chuyện xửa xưa, khi mà Hà Nội còn là Thăng Long, là Kinh Kỳ, là Kẻ Chợ với 36 phố phường hàng nào thức nấy. Hãy nói đến thời chưa xa, khi mà chúng ta đã biết, vẫn còn nhớ được. 

Không gian nhà tập thể một thời vốn chan hòa, đùm bọc lẫn nhau  (Ảnh: Trần Đức Hạnh)

Chừng hơn hai thập kỷ trước, khi ấy Hà Nội xe cộ còn ít, ô tô cực hiếm, xe máy lưa thưa, và hè phố chưa phải mất công lực lượng công quyền chật vật giành đi chiếm lại. Nhà mặt phố lúc nào cũng tiện lợi, nhưng thuở ấy chưa hẳn đã là giàu sang. Nhà nước giữ vai trò phân phối chủ đạo, nên có mở cửa hàng cửa hiệu thì cũng chỉ buôn bán lặt vặt đồng quà tấm bánh, mấy đồ hàng xén giá dăm đồng, vài hào. 

Hàng phố Hà Nội, lúc ấy hình thành một cơ chế hàng-đổi-hàng rất tiện lợi.

Bà bán trứng vịt lộn, giá dăm hào. Nhưng khách ăn của bà thì có thể là bà bán rau, bà bán hàng khô, bà bán gạo, bà bán dưa cà mắm muối. Thì cứ ghi sổ đấy, khi nào bà bán trứng vịt lộn đi chợ, thì lại lấy rau, lấy măng khô mộc nhĩ, lấy gạo, lấy dưa cà trừ nợ. Hoặc ngược lại, khi túng mà bìa tem phiếu không còn miếng nào, thì cũng có thể đi vay tạm, không phải ngại ngần xấu hổ gì.

Hà Nội lúc ấy, những nhà gia thế đã truyền đến đời thứ hai. Những Nam Ký, Nguyễn Du, Bắc Hải, Vạn Lợi… đã không còn ở cái thế cự phú, tiêu tiền như nước nữa. Nhưng giấy rách còn giữ lấy lề, con cháu đời sau vẫn giữ nguyên nền nếp, cư xử với xóm giềng vừa thân mật, vừa rộng rãi. Tuyệt nhiên hiếm thấy cái cảnh nhà to xây lấn sang nhà bé, mái hiên nhà nọ đè vách tường nhà kia bao giờ.

Tôi nhớ lúc ấy còn nhỏ, thường gặp bà nội của bạn trong phố là quả phụ một nhà tư sản rất lớn. Mỗi khi bà ra phố, luôn ăn vận rất cẩn thận, có phần kỹ lưỡng. Người hàng phố gặp bà, đều chào hỏi thân tình, lại dặn trẻ con phải khoanh tay cúi đầu lễ phép. Sau này, bà già yếu hẳn, chỉ còn ngồi một chỗ trên chiếc ghế dựa, vẫn ngày ngày bảo con cháu mặc áo dài, đeo dây chuyền ngọc trai, chải tóc khỏi rối, phòng khi có khách đến thăm.

Quá nhiều thứ chung, không tránh khỏi những va chạm. Nhưng dần dà, một nếp sống biết tôn trọng cái chung, biết vì tập thể, chan hòa, đùm bọc đã được hình thành.

Mỗi khi có lễ Tết, hay giỗ trọng, thì đại diện từng hộ gia đình trong khối phố luôn có mặt đông đủ. Dịp vui thì chúc mừng, việc buồn thì chia sẻ. Bởi thế sau này, trong đáp từ đã trở thành khuôn mẫu, thường có câu: “Xin cảm ơn họ hàng gần xa, bà con khối phố….”.

Sẽ không đứa trẻ nào sống qua thời gian ấy quên được tình cảm xóm giềng.

Rất cụ thể thôi, như là nồi bánh chưng cả phố luộc chung.

Như là bát cơm vay tạm khi hết gạo của bà cơm gánh.

Như là khi bố mẹ đều phải đi công tác, đành gửi con dăm hôm ở nhà hàng xóm. Như là lọ dầu cao đưa qua ban công, như bát canh ngon mẹ bảo bưng sang biếu bà cụ hàng xóm, như cốc cà phê bà chủ quán đầu phố vẫy vào dặn mang về mời ông nội. Và cả thứ tình cảm giữa chính những đứa trẻ hàng phố với nhau, bao nhiêu là thân thiết. Một dạng hàng xóm khác nữa, lúc bấy giờ, là hàng xóm ở các khu tập thể.

Đến tận bây giờ, khu tập thể vẫn là một tên gọi riêng, định danh định tính hẳn hoi. Người Hà Nội mượn từ “chung cư” của miền Nam, để riêng chỉ hình thức nhà cao tầng dân dụng xây mới, cao hàng chục tầng, có cầu thang máy xịn, phòng ốc nội thất sáng choang, và cửa các căn hộ thì lúc nào cũng đóng kín.

Còn nhà tập thể, thì có lối sống tập thể. Những người hàng xóm ở tập thể lúc ấy hầu như đều là cán bộ được phân nhà, cơ bản là có điều kiện sống giống nhau. Mọi người sống dựa vào tem phiếu, việc “đi làm nhà nước” đảm bảo số tem phiếu cho nhu cầu cơ bản của mỗi gia đình. Vậy là sáng sáng, người ta đạp xe ra khỏi nhà, đèo con đến nhà trẻ, rồi chiều trở về. 

Buổi tối, cuộc sống ở các khu tập thể mới thực sự sôi động. Nhà nhà nấu nướng, giặt giũ phơi phóng, trò chuyện râm ran ở các chiếu nghỉ. Trừ không gian sinh hoạt nhỏ hẹp riêng tư trong từng căn hộ, thì hầu như mọi thứ đều chung. Chung không gian vui chơi thư giãn, chung bể nước giặt-rửa, chung vườn hoa nho nhỏ trước sân, và chung cả nhà vệ sinh. Quá nhiều thứ chung, không tránh khỏi những va chạm.

Nhưng dần dà, một nếp sống biết tôn trọng cái chung, biết vì tập thể, chan hòa, đùm bọc đã được hình thành. Nếp sống Tập Thể, cho đến bây giờ vẫn là một niềm nhớ tiếc của những người từng sống qua, dù đã có điều kiện hơn và chuyển đi nơi khác từ lâu.

Một lần, người viết đã có cuộc phỏng vấn trong căn chung cư mới tinh, hiện đại và sang trọng ở phía Tây Thủ đô. Nhân vật đã ngoài 70 tuổi, cả đời sống ở đình Hàng Bạc. Sau khi trả lại không gian bảo tồn cho thành phố, ông và gia đình chuyển đến tòa chung cư mới. Ông chậm rãi tâm sự về nỗi nhớ tiếc phố phường, kể lại bao nhiêu kỷ niệm về những người hàng xóm, về những kỷ niệm.

Ông lắng xuống khi nói về nơi ở mới, với những người láng giềng hàng năm trời chưa biết hết mặt. Rồi ông bước ra ban công, nhìn về hướng nhà cũ chỉ cách chừng 10 cây số mà bao lâu chưa về thăm lại được. Trong đôi mắt mờ đục của một nhân chứng không còn nhiều thời gian để kể lại, tôi thấy được cả những phần đã mất của chính mình. 

Nhà báo Phạm Gia Hiền

Tin đọc nhiều