Dạo quanh Bờ Hồ

ANTD.VN - Theo ý kiến của vài nhà xã hội học đệ tử của Darwin, thì con người là một loài vật rất yêu lao động.

Thậm chí, nhờ lao động mà con người được hoàn thiện. Tuy nhiên, muốn lao động được hiệu quả, tất yếu phải biết cách nghỉ ngơi. Bởi chính nhờ sự thư giãn đó, người ta mới tái tạo được sức lao động.

Người Hà Nội vốn không quá cần cù, lại là người sống chậm, nên một trong những thú nghỉ ngơi của họ là đi dạo quanh hồ. Đi, đương nhiên là thong thả đi bộ.

Còn dạo, là vẩn vơ lững thững bước dang dở vài vòng bờ nào đó của một cái hồ. Khi đi dạo, tất cả những người hoặc có tuổi hoặc còn trẻ đều ngẩn ngơ trôi trong cái chơm chớm heo may của mùa Thu, trong cái phơn phớt mịn bụi mưa của mùa Xuân. Họ thanh thản ngắm phố, rồi tự mủm mỉm cười khi thấy cái băng rôn bay bướm đề "Người Việt Nam du lịch Việt Nam".

Hà Nội có nhiều hồ, nhưng nổi tiếng nhất đến mức thành danh từ riêng “Bờ Hồ” thì chỉ có mấy phố viền quanh hồ Hoàn Kiếm. Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ. Những con phố này luôn sang trọng cũ, bất chấp dung tục đang ồn ào đòi mới hóa.

“Lên Bờ Hồ” là nỗi ngong ngóng của không biết bao nhiêu những cặp yêu nhau đang trong trắng sống xa xa ở mọi phía ngoại ô. Bờ Hồ có kem Tràng Tiền, có liễu rủ cầu Thê Húc xưa thỉnh thoảng còn có rùa nổi. Vì thế, ngày nào cũng độc đáo, mùa nào cũng lạ lùng.

Cư dân và sản vật ở quanh đấy lại càng lạ lùng độc đáo. Quán cà phê chẳng hạn, vừa giống vừa khác tất cả mọi chỗ. Nó trầm lắng phù phiếm, nhang nhác mang vẻ sâu sắc uể oải đặc trưng thị dân. Đúng là quán cà phê có “chất” Bờ Hồ thì thường khinh bạc khiêm nhường lùi sâu khuất vào trong một con phố. Ví như nổi tiếng một thời có "nâu trứng" cà phê Giảng ở đầu Hàng Gai.

Rồi “đen đá” cà phê Nhân ngõ rộng Hàng Hành. Rất hiếm quán hợm hĩnh chờm ra tới sát mép nước. Bờ hồ là chỗ thoáng đãng của hoa của cỏ, của mặn nồng ngơ ngác nụ hôn tuổi trẻ, của bồi hồi sâu lắng suy tư tuổi già. Đặt một ghế đá cũng phải cân nhắc phong thuỷ.

Đi tới sát đền Bà Kiệu, cũng có một quán cà phê đáng kể. Cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước, văn nghệ chập choạng đổi mới, thì cái quán ấy tụ tập kha khá đám văn nghệ sĩ đang chờ thời. Thiếu phụ chủ quán tròn trĩnh yêu văn yêu thơ và hình như có tha thiết vô tư yêu một vài người.

Rồi tất nhiên, phảng phất dăm ba vụ như là đánh ghen, nhưng “chẳng thơm cũng thể hoa nhài”, tuyệt chưa bao giờ thành thảm án. Một tiểu thuyết gia bây giờ vẫn nghèo hớn hở nhớ lại, nhờ ái tình xô xát, không phải đến đấy nữa mà trốn được mấy trang sổ nợ. 

Ngày xưa, đấng trượng phu nào tự nhiên có hiền thê hay người tình bán bia ở quanh Bờ Hồ thì oai khủng khiếp, một sự oai đến nay bất khả giải thích. Cái nhà hàng Thuỷ Tạ giờ đây đóng giả cung đình son phấn loè loẹt đèn xanh đỏ thì thủa xa xăm là điểm bán bia quốc doanh khét tiếng. Nó nổi danh không kém cửa hàng ăn uống có bán bia Phú Gia.

Ngay cả hôm nay, các cô phục vụ rất trẻ, rất xinh, thanh nhã bưng whisky, nhưng phong độ vẫn vô cùng quen thuộc bởi đậm chất truyền thống bia mậu dịch bao cấp. Xoe xoé nói to, mắt phán xét nhìn khách kiểu trịch thượng như bố vợ nhìn chàng rể. Mẹ các cô đã hưu và đương nhiên các cô thay thế. Thật đúng là sư mẫu sinh… sư tử. 

Có phải vậy chăng mà ở thời bao cấp, trong quán bia thỉnh thoảng cũng phát sinh những “câu chuyện tình vô vọng”. Đấy là nguyên chữ của nhà văn Tô Hoài. Hồi ký khét tiếng “Cát bụi chân ai” có kể: “Nguyên Hồng cũng ra mặt để ý cái bà bán bia nạ dòng phì nộn ấy.

Mỗi lần xe bia về, lão xích lô co chân đạp những thùng bia lăn xuống hè, bác gà trống cứng cựa Nguyên Hồng tỏ tình bằng cách lau chau ra ghé vai vác bia vào, kê lên bệ cẩn thận. Rồi hôm khác lão xích lô xe bia về, lót gạch đạp xe lên hè vào sát cửa, làm cho tình địch Nguyên Hồng mất một dịp ra tay giúp đỡ gần gũi.

Nhưng mỗi lần bia về, Sơn Tinh xích lô và Thủy Tinh cầm bút khi nào cũng được bà người đẹp rót cho hai vại bia tươi đầu tiên”. Ở hồi gian nan vất vả tem phiếu ấy, đừng nói địa vị chót vót như ngồi đong bia, chỉ cần là dọn cốc, khi loẹt quẹt dép đến đâu thì đám mày râu dập dềnh dạt ra như bèo gặp chiến hạm.

Và choáng váng thay, nàng hắt lại một nụ cười. Tây Thi là cái đinh gì. Điêu Thuyền là cái đinh gì. Hoa hậu hay người mẫu à, em ơi em còn xa lắm. Tất cả kẻ sĩ quân tử bỗng thăng hoa xu phụ giống hệt nhau, đều a dua cầu tài nịnh nọt cười. Có lẽ vì thế, giống như các siêu mẫu quốc tế, hầu hết các mậu dịch viên bia hơi đều muộn chồng. 

Lác đác của hôm nay, những trung niên của Hà Nội vẫn còn có người nâng niu cái thú nhàn tản lang thang mơ màng nhìn hồ Gươm, nhoi nhói mong ký ức vớt vát quá khứ. Thỉnh thoảng vài quý cô gốc Hàng Ngang, Hàng Đào a dua theo thời thượng mặc quần "soóc" bò hùng hục tập thể dục chạy qua. Các trung niên bàng hoàng nhìn mấy ngân ngấn mỡ bụng của các nàng chợt hoang mang thở dài. 

Chao ôi, những người đẹp Bờ Hồ đã mất hẳn thói quen chầm chậm đi dạo.    

Tin đọc nhiều