Dân phòng một thời

ANTD.VN - Đầu thập niên 60 thế kỷ XX, đơn vị cuối cùng trong hệ thống hành chính khu vực nội đô của Hà Nội gọi là khối. Khối tương ứng với  cấp xã ở các huyện ngoại thành song  không có chức danh chủ tịch khối mà gọi là trưởng khối. Vài ba bốn phố hợp thành một khối và đặt bằng số, ví dụ khối 1 khu Hoàn Kiếm, khối 60 khu Đống Đa...

Dân phòng một thời ảnh 1Đồn Công an khu Hoàn Kiếm, nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm lung linh giữa đêm Hà Nội

Thời kỳ này đất nước bị chia cắt thành 2 miền nên khối nào cũng thành lập đội dân phòng. Dân phòng được phát triển từ mô hình đội du kích xã thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhưng vì miền Bắc đã hòa bình nên nhiệm vụ của dân phòng là bảo vệ an ninh trật tự, tham gia cứu hỏa và làm các công việc khác trên địa bàn khối. Tháng 3-1975, Quốc hội thông qua quyết định đổi đơn vị khối ở các thành phố thành tiểu khu, lấy tên phố đặt tên cho cấp hành chính này và gọi là trưởng tiểu khu.

Khoảng năm 1981, để thống nhất tên gọi trên cả nước, Quốc hội  thông qua quyết định  đổi tiểu khu thành phường, trưởng tiểu khu  thành chủ tịch phường. Có người bảo phường giống miền Nam, tuy nhiên không phải như vậy, tên phường có từ lâu. Thời Trần chia Thăng Long thành 61 phường, thời Lê chia lại thành 36 phường. Chữ phường xưa chỉ những người cùng buôn bán hay sản xuất một mặt hàng thủ công.

Dù tên gọi thay đổi nhưng đội dân phòng vẫn giữ nguyên. Tham gia  dân phòng có đàn ông, đàn bà, người đi làm Nhà nước, lao động tự do, tóm lại đủ các thành phần nhưng nòng cốt là lớp trung niên vì thanh niên 18 tuổi  phải nhập ngũ. Nhiệm vụ dân phòng thời bao cấp khá nhiều dù họ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Thỉnh thoảng các đội viên  đi tuần, họ cầm  gậy tre hay gỗ, đi từ phố này sang phố kia. Họ kịp thời can thiệp nếu xảy ra đánh nhau, họ bắt những người bị nghi ngờ đang rình mò ăn trộm hay trai gái quan hệ bất chính trong ngõ tối. Tuần một vòng rồi  họ quay về trụ sở uống nước chè, nói chuyện phiếm đến khoảng 11 giờ đêm thì giải tán.

Thời bao cấp, một đồn công an phụ trách rất nhiều khối nên một khối chỉ có một công an khu vực vì thế tối tối đội trưởng hay các đội phó phải thay nhau trực ở trụ sở khối làm công việc ghi  khách tạm trú, tạm vắng. Công việc  này được quan tâm đặc biệt trong suốt thời kỳ chiến tranh. Tinh thần cảnh giác với các hoạt động gián điệp của kẻ thù vô cùng cao.  Nhà nào có khách  ngủ lại qua đêm đều phải ra trụ sở khai báo  tên tuổi, quê quán, quan hệ với chủ nhà và thời gian tạm trú. Không khai báo, đêm công an khu vực và dân phòng kiểm tra thấy có người lạ sẽ mời ra trụ sở làm việc. 

Vào những ngày lễ lớn như Quốc tế Lao động 1-5 hay Quốc khánh 2-9 thành phố có duyệt binh, diễu binh hay bắn pháo hoa thì dân phòng vô cùng bận rộn; họ phải  tuần tra, trực ở trụ sở. Những ngày này, hầu như nhà nào cũng có khách ở quê ra nên mấy cuốn sổ ghi tạm trú cũng không đủ. Không chỉ phải khai báo tạm trú, chủ nhà đi đâu vài ngày cũng phải báo để công an khu vực và chính quyền biết. Vì quản lý chặt chẽ như vậy nên  an ninh trật tự thời bao cấp rất tốt.

Thời bao cấp, cuộc sống rất khó khăn nên xen lẫn trong các nhà xây vẫn có nhà lá. Những năm Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội, nhiều phố trúng bom, nhà tan, gạch nát phải dựng nhà tre lợp giấy dầu. Lại đun củi, đun than vì thế nguy cơ hỏa hoạn rất cao. Dù ý thức được “giặc phá không bằng nhà cháy” hay “thủy, hỏa, đạo tặc” song điều kiện kinh tế  thiếu thốn nên  khu vực nội thành chỉ có mấy đội chữa cháy, đội thì đóng ở phố Giảng Võ, đội thì ở Giáp Bát mà mỗi đội cũng chỉ có vài xe. Hồi đó ngành giáo dục  đưa vào sách tập đọc thơ ca ngợi xe cứu hỏa:

Mình đỏ như lửa

Bụng chứa nước đầy

Tôi chạy như bay

Hét vang đường phố

Nhà nào có lửa

Tôi chạy đến ngay

Ai gọi cứu hỏa 

Có ngay! Có ngay!

Thời đó không có điện thoại, ở đâu xảy ra cháy thì cách duy nhất là đạp xe đạp đến báo nên cần phải có lực lượng chữa cháy tại chỗ. Và nhiệm vụ này do dân phòng các khối đảm nhiệm. Ở trụ sở khối nào cũng có thuyền sắt đựng nước. Khi xảy ra hỏa hoạn, dân phòng đổ nước vào thuyền, người  khỏe sẽ  dùng gầu sắt vẩy nước vào đám cháy. Lại có máy bơm bằng tay đặt trong thùng nước, hai người cầm hai càng kéo lên hạ xuống nước sẽ phụt ra vòi. Đơn sơ nhưng rất tác dụng. Tất cả các dụng cụ này đều sơn màu đỏ như màu xe cứu hỏa. Thỉnh thoảng công an ở khu (nay là quận) về hướng dẫn dân phòng tập chữa cháy. Chỗ tập là bãi trống hay các con phố vắng. Họ đốt các lốp cao su rồi hướng dẫn dùng bao tải ướt dập vào để lửa tắt mà người không bị bỏng. Bài chữa cháy trên cao thì cho dựng giàn giáo bằng tre, đốt lốp cao su  sau đó dùng máy bơm tay. 

Và một năm, khu công an lại tổ chức thi  chữa cháy giữa các khối. Không có đồng  phục, ai có quần áo gì thì mặc quần áo đó nhưng đội viên nào cũng cố kiếm thắt lưng bộ đội thắt vào cho có vẻ chính quy và nam  nữ đều đội mũ cối. Chả bồi dưỡng gì nhưng tinh thần tập luyện của đội rất hăng say. Những tối dân phòng tập luyện để đi thi bà con hàng  phố ra xem  tập rất đông, vừa là động viên nhưng cũng là dịp tự ý thức phải cẩn thận hơn với giặc lửa.  

Ngày nay các phường trong thành phố vẫn duy trì lực lượng dân phòng - họ chính là cánh tay nối dài của công an các phường trong công việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.