Con đường xưa em đi…

ANTD.VN - Bây giờ hầu như chẳng còn mấy ai đi bộ trên phố nhưng vẫn có Luật Giao thông đường bộ. Và dù cho bộ luật ấy luôn được bổ sung hoàn thiện vài năm một lần thì cũng rất hiếm người quan tâm đến nó khi tham gia giao thông. Nhất là người đi bộ.

Lòng đường dành cho xe cộ nhưng nhiều người vẫn liều mình băng qua một cách vô luật lệ

Không nói chuyện bài hát “Con đường xưa em đi” của nhạc sĩ Châu Kỳ vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dỡ bỏ lệnh cấm. Bởi vì dù cấm hay không cũng chẳng ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông đô thị. Ở đây chỉ bàn chuyện những con đường và cách đi đứng của người Hà Nội trong vài thập kỷ vừa rồi. Cũ đấy mà cũng mới đấy. 

Chẳng vội bàn đến chuyện vỉa hè cho người đi bộ bây giờ bị tổn thất khá nhiều do buôn bán, sinh hoạt bừa phứa của những gia đình mặt phố. Đầu tiên hãy nói đến ý thức của người đi bộ trước đã. Người Hà Nội đã từng xây dựng được một tác phong bộ hành khá thong dong lịch lãm từ thời Pháp thuộc. Những tiểu thư khuê các thướt tha trong tà áo dài lụa trắng đã từng là hình ảnh tiêu biểu của thiếu nữ Hà Nội một thời gian rất dài.

Trang phục như thế có muốn đi đứng băm bổ cũng không được. Những đàn ông công chức áo bỏ trong quần hoặc cũ hơn chút nữa là những nho sinh khăn xếp áo the chĩnh chện chiếc ô cầm tay nép mình nhã nhặn đi trên vỉa hè. Chẳng phải vô tình mà họ có tác phong ấy đâu. Hình như có liên quan đến câu nói nổi tiếng của Khổng Tử “Người quân tử men tường mà đi”. Cho đến tận những ngày chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra trên miền Bắc hình ảnh ấy mới phần nào hao khuyết.

Trang phục gọn gàng một màu phòng không và bước đi gấp ruổi cho phù hợp với tình hình chiến sự đã làm thay đổi hoàn toàn một phong thái bộ hành đô thị. Thứ mất đi ấy vĩnh viễn không thể quay lại mảnh đất này. Giờ mà thấy ai đó ngáo ngơ chậm rãi đi trên vỉa hè như thế thường hay bị gán cho tục ngữ hiện đại “Sáng nhặt lá, chiều đá ống bơ”. Hoặc ít nhất thì cũng bị nhìn bằng con mắt rất nghi ngờ là kẻ đang gieo vần tìm tứ cho bài thơ sắp viết.

Đã nói đến đi bộ không thể không nhắc đến con đường. Những con đường nội thành ở 4 khu phố Hà Nội xưa chẳng nhiều nhặn gì. Trẻ con lớp 4 đã có thể nắm vững trong lòng bàn tay. Chúng có một phương tiện hậu thuẫn giải đáp được hầu hết những thắc mắc khi đi đường. Đó là tàu điện. Cả 6 tuyến xe điện chạy đến các vùng ngoại ô thể nào cũng phải về bến chính là Bờ Hồ. Tha hồ lạc lên Yên Phụ, Cầu Giấy, chợ Bưởi hay Hà Đông, chợ Mơ, Ngã Tư Vọng thì cũng về được Bờ Hồ Hoàn Kiếm hoặc dừng ở những ga quen thuộc trong phố.

Những con đường trong phố còn thoáng rộng vỉa hè cho đến giữa thập kỷ 60. Vài phố vắng như Quang Trung, Hai Bà Trưng… lác đác có mấy hàng nước chè. Những con phố chính tuyệt đối không có bất cứ thứ gì được bày ra trước cửa. Thật ngạc nhiên cũng chẳng thấy cảnh sát phải nhắc nhở ai về việc ấy.

Người ở phố coi nó là việc đương nhiên phải chấp hành. Vi phạm nhiều lắm cũng chỉ dừng ở mức kê chiếc ghế có tựa vào sát cửa nhà mình để phơi chiếc ruột chăn bông khi hết mùa đông. Thế nhưng cảnh sát vẫn luôn để ý đến lũ trẻ con mượn xe đạp người lớn phóng bạt mạng lên vỉa hè. Họ sẽ theo vào đến tận nhà nhắc nhở các bậc phụ huynh một cách nghiêm túc. Và các phụ huynh chứng tỏ nhà mình gia giáo bằng cách rút chiếc roi trên nóc tủ xuống bắt thằng bé quay mặt vào tường. Dĩ nhiên là để chờ anh cảnh sát xin cho con khỏi đòn chứ cũng chẳng mấy khi xuống tay.

Nói một cách không ngoa thì người đi bộ ở phố bây giờ vẫn là thành phần vi phạm luật giao thông nhiều nhất. Điều này được bắt đầu từ khá xa xưa. Không kể những người phải bước chân xuống đường dành cho xe cộ vì lý do bất khả kháng là vỉa hè bị chiếm dụng thì người đi bộ vẫn có tác phong sang đường ở mọi nơi mình muốn. Giống như cái thời Hà Nội chỉ có 50 vạn dân và khoảng hơn trăm xe máy vậy. Đó là số dân của quận Đống Đa bây giờ và số xe máy còn ít hơn một trường phổ thông trung học.

Người ta sang đường vô tổ chức như thế rất lâu rồi và hầu như không ai ý thức được việc mình làm là phạm luật, là tự tìm đến rủi ro cho mình. Những đứa trẻ của thập kỷ 60 thế kỷ trước sang đường như thế và bây giờ trở thành những cụ già trên dưới 70 tuổi vẫn sang đường như thế. Nhưng “Con đường xưa em đi” chẳng còn như thế nữa. Lòng đường dành cho xe cộ rất hiếm khi có khoảng trống đủ cho  một người lách qua. Liều mình bước xuống như chẳng có mà không xảy ra tai nạn mới là chuyện lạ.

Với mật độ phương tiện giao thông cơ giới như ngày nay, tương lai người Hà Nội sẽ đi bộ cũng chẳng còn mấy xa xôi. Đã có những tập dượt cho vài khu phố đi bộ ngày cuối tuần ở quận Hoàn Kiếm. Nhưng đó mới chỉ là phục vụ mục đích đi chơi mà thôi. Chơi chỗ riêng tư như thế cũng chẳng cần khuôn phép đi bộ nào cả. Chỉ cốt sao đừng giẫm lên chân người khác là được. Nhưng người ta không thể đi chơi mãi như thế. Và cũng không thể đi bộ một cách vô luật lệ như thế ở những chỗ khác. Chẳng có cách nào tốt hơn phải tập đi bộ dần là vừa. 

Tập đi bộ cho an toàn hóa ra không chỉ là việc của những đứa trẻ chập chững nữa rồi.

Nhà văn Đỗ Phấn
Nhà văn Đỗ Phấn