Chuyện xổ số ở Hà Nội xưa

ANTD.VN - Để có thêm nguồn kinh phí xây dựng Thủ đô, cuối năm 1961, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội đã ban hành quyết định cho phép tổ chức phát hành xổ số vui xuân nhân dịp Tết Nguyên đán. 

Chuyện xổ số ở Hà Nội xưa ảnh 1Những tấm vé xổ số từ những năm 1960 thế kỷ trước

Đợt phát hành đạt kết quả tốt nên Ủy ban Hành chính TP Hà Nội cùng với Sở Tài chính lên báo cáo với Bác Hồ cho phép Hà Nội tổ chức phát hành xổ số kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở Nghị định số 31-CP ngày 26-2-1962 của Chính phủ, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội đã bàn và ra Nghị quyết về việc tổ chức phát hành xổ số kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Và Hà Nội là thành phố đầu tiên ở miền Bắc sau năm 1954 phát hành xổ số. 

Tuy nhiên xổ số đã xuất hiện ở Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX. Năm 1883 khi khu vực công giáo phố Nhà Chung xin phép chính quyền phát hành vé số  lấy tiền xây dựng nhà  thờ và 2 đợt phát hành đã thành công. Tiếp đó tại cuộc đấu xảo (hội chợ) đầu tiên ở Hà Nội năm 1902, Ban tổ chức đã phát hành xổ số vui chơi có thưởng. Từ đó trong các đấu xảo  những năm sau, Ban tổ chức đều phát hành xổ số. Số tiền thu được dùng vào mục đích xã hội. Thế nhưng xổ số có tính chất huy động tài chính thì lại xuất hiện khá muộn.

Lý do của sự muộn màng vì người Việt  không quen với kiểu “cờ bạc” này và tại Hà Nội có quá nhiều trò cờ bạc được chính quyền cấp phép đã thu hút những người ham mê đỏ đen. Chỉ sau khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1928 thì xổ số ở Đông Dương mới chính thức ra đời.

Xổ số Đông Dương phát hành tại 3 nước là Việt Nam, Lào và Campuchia. Vì là Thủ đô của Liên bang Đông Dương nên Hà Nội là nơi quay số mở thưởng. Giá 1 tấm vé là 1 đồng Đông Dương với giải thưởng cao nhất là 10.000 đồng. Tuy nhiên một năm mới tổ chức quay số mở thưởng một lần.

Khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945, xổ số bị ngưng lại, tiếp đó lại chiến tranh ở nhiều tỉnh phía Bắc nên năm 1951 chính quyền mới tái phát hành. Đầu tháng 5-1954, quân đội Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ phải ngồi vào bàn đàm phán lập lại hòa bình ở Đông Dương nên đợt phát hành cuối cùng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc là tháng 6-1954. 

Năm 1962, sau khi được Chính phủ cho phép phát hành thường kỳ, Hà Nội bắt đầu tổ chức theo kiểu chuyên nghiệp. Trong nhiều năm liền, một tuần mới quay số mở thưởng một lần. Giải thưởng lớn được trả bằng hiện vật. Thập niên 70, giá một vé là 2 hào và giải Nhất là xe máy Simson, giải Nhì là xe đạp Phượng Hoàng hay Thống Nhất.

Các giải nhỏ thì hội đồng xổ số trả tiền mặt. Xổ số được phát hành theo 2 cách: bán tại các quầy đại lý và được phân về các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, công trường để cán bộ công nhân viên mua ủng hộ một vài vé. Vì thế có đợt người ta còn in cả thơ vào vé “Trước là xây dựng Thủ đô/ Sau là bồi đắp cơ đồ nhà ta” hay “Mua xổ số là ích nước lợi nhà”. 

Nơi quay số mở thưởng là ở câu lạc bộ Đoàn Kết (nay là tòa nhà cuối phố Lý Thái Tổ và Cổ Tân tiếp giáp với phố Tràng Tiền). Thời kỳ đó mỗi khi quay mở thưởng phải có đủ các thành phần tham gia gồm: Công an - Kiểm sát - Tòa án - Tài chính và người mua vé. Trước khi quay người đại diện hội đồng đọc diễn văn, nội dung là ngày hôm nay sẽ quay mở thưởng đợt vé phát hành ngày nào, cơ chế giải thưởng ra sao.

Sau đó đại diện các ngành kiểm tra vòng quay. Vòng quay là vành xe đạp trên vòng tròn gắn các con số từ 0 đến 9. Người quay là học sinh giỏi và ngoan của một số trường học. Các em quần áo chỉnh tề, cổ quàng khăn đỏ. Sau màn chào mọi người theo nghi thức Đội các em về vị trí  chờ lệnh của vị đại diện. Khi quay nếu con số dừng đúng ô vuông phía trước vành xe đạp thì vị đại diện đọc to cho mọi người nghe sau đó thư ký sẽ ghi vào biên bản. Nếu số bị che lấp không rõ ràng thì phải quay lại.

Công việc quay số kết thúc, không ai có ý kiến hay thắc mắc gì thì  các vị đại diện sẽ ký vào biên bản. Lúc đó  một người trong tổ thư ký sẽ ghi kết quả bằng phấn lên tấm bảng treo ở cửa. Kết quả này còn được  in trên Báo Hà Nội mới phát hành vào sáng hôm sau. Nhờ phát hành xổ số, Hà Nội đã xây dựng được các  công trình  công ích, trường học, nhà trẻ.

Quanh xổ số cũng có nhiều tin “thông tấn xã vỉa hè” rằng xe máy  ông này, ông kia đang đi là mua lại vé của người trúng giải Đặc biệt rồi đến lĩnh để tránh bị kiểm tra hành chính. Lại có tin đồn hội đồng xổ số lấy vé trúng thưởng do các đại lý bán không hết trả lại để lĩnh giải rồi chia nhau.   

Trong thập niên 80, ngoài xổ số kiến thiết của ngành Tài chính còn có xổ số do Hội Nhà báo Việt Nam phát hành gọi là xổ số OIJ (Organization of International Journalists) mở và trả thưởng tại phố Lý Đạo Thành. Cũng trong thập niên 80, số đề, một kiểu cờ bạc ăn theo xổ số xuất hiện ở Hà Nội. Khi bộ phim hài Liên Xô “Xổ số thể thao 82” kể về hành trình ly kỳ của một người trúng giải độc đắc được chiếu tại các rạp thì số người chơi xổ số ở Hà Nội tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên đỉnh cao của xổ số truyền thống là thập niên 90 và chơi xổ số trở thành mục đích lớn nhất của nhiều người. 

Bây giờ có nhiều hình thức xổ số, và xổ số truyền thống có giảm so với ngày trước nhưng nhiều người Hà Nội vẫn thích mua vé số truyền thống. Vừa được chơi lại vừa góp phần kiến thiết Thủ đô!