Căn bệnh "cha chung không ai khóc"

ANTD.VN - Ông có bận việc gì không, ra ngoài làm cốc cà phê cho tỉnh táo.

- Cũng không có việc gì gấp lắm, nhưng chờ tôi quay lại phòng làm việc tắt điện đã.

- Cứ để đấy, tắt làm gì, có đáng là bao, với lại để đèn mọi người nhìn vào tưởng mình vẫn đang làm việc, đỡ dị nghị.

- Ai lại thế, tốn tiền điện.

- Cứ lo bò trắng răng, ông có phải bỏ tiền ra trả không mà xót? Không thấy mấy “sếp” nhà mình à, đi họp, đi kiểm tra địa phương cả ngày, nhưng phòng làm việc vẫn để đèn sáng trưng, máy lạnh thì đi qua cửa đóng kín mà hơi luồn qua khe mát rượi. Có hôm, sếp về rồi còn để điện qua đêm, người ngoài nhìn vào không những không chê trách, lại thấy cảm phục những công chức mẫn cán làm thêm ngoài giờ ấy chứ. 

- Thảo nào, đến nhiều “công chức mẫn cán” mà năng suất, chất lượng công việc thì vẫn đì đẹt, chi phí đầu vào cao mà đầu ra không được bao nhiêu. 

- Ơ hay, lẩm cẩm quá, cái đó ảnh hưởng đến bát cơm nhà ông à? Có ai đè ông ra trừ lương vì ra khỏi phòng mà không tắt điện đâu.

- Trước mắt thì không ảnh hưởng, nhưng vài năm nữa, vài chục năm nữa thì trắng mắt ra. Ai cũng tưởng việc lãng phí một tờ giấy, một watt điện không đáng là bao, nhưng cộng cả triệu người lại thì thành một con số khổng lồ. Đáng sợ hơn là cái tâm lý “cha chung không ai khóc”, có những người dửng dưng coi tài sản công là của chung, không đến lượt mình bảo quản, hay việc chung là trách nhiệm chung, không liên quan đến mình, không làm cũng ảnh hưởng gì đến bát cơm nhà mình, nên thấy mà như không thấy. Không chữa được bệnh này, thì mãi mãi không khá được lên đâu ông ạ.