Ăn ngon ở phố

ANTĐ - Tất nhiên, phố ở đây là những con phố đã cũ kỹ nằm loanh quanh ở Hà Nội từ hồi chỉ có 4 quận. Và như hiển nhiên, những món dễ ăn, ngon lành nhất thường tập trung ở quận Hoàn Kiếm. Vài chuyên gia ẩm thực biết ăn nhưng không biết nấu cho rằng, vùng này là vùng “lõi” của kinh kỳ ngay từ lúc manh nha khi Hà Nội đang là Thăng Long, là Đông Đô, là Kẻ Chợ. 

Phở của Hà Nội đâu có kém gì pizza hay há cảo nổi tiếng thế giới      

                  

Thuyết này hình như có vẻ đúng, vì theo cách hiểu tích cực của văn hóa vỉa phố thì những thị dân “lõi đời” thường là người kinh lịch khôn ngoan, biết cách thẩm thực cầu kỳ thăng hoa thành tinh tế.

Các quán mà ngon ở lâu la phố cũ có nhiều lắm. Nhân đây xin một lưu ý nhỏ, chỉ khoảng đôi mươi năm trước thôi, tuyệt đối ở khu phố cổ, không có một hàng nào hợm hĩnh dám đề biển “quán ngon”. Đã là mỹ nhân thì cần gì đeo thẻ khoe “người đẹp”. Còn bây giờ, nhan nhản trên mạng là những thông tin nửa nông nổi chủ quan, nửa sâu sắc khách quan của đủ loại “ẩm thực gia” về đủ loại quán ngon, cứ “gúc” là cuồn cuộn thấy, nói thêm cũng bằng thừa.

Có điều, do a dua theo phong khí thời đại, người ta thường thích phân ngôi lập thứ. Này là “Tốp 3” phở này. Này là “Tốp  5” bún này. Mà hầu như những người thích xếp hạng, mới chỉ tới cái quán đó ăn chừng một hai lần. Giống như văn chương hoặc võ thuật, cao thủ bắt buộc phải chăm chỉ ôn, phải chuyên cần luyện. Muốn biết là ngon, thì phải ăn ở chính chỗ đấy không dưới trăm lần.

Giờ đây nấu nướng đầy rẫy tiểu xảo “mượn màu son phấn đánh lừa con đen” (Kiều), bột nêm hay mì chính là thứ quá vặt. Mới ăn vài lần đầu, mồm bị lừa là đương nhiên. Có một nam đầu bếp trẻ, tài cỡ khách sạn 5 sao, nhà đã ba đời giữ nghề từng nghiêm túc khẳng định với kẻ viết bài này: “Chả cá ở cái quán vừa mở mà bác nắc nỏm là ướp khéo đấy, họ có bóp thêm vào phô mai con bò cười”. Cứ tự phụ mình là sành mồm, nên có hơi ngớ ra. Rồi tự mủm mỉm cười, ngượng nghịu ngây ngô giống hệt như con bò.

Những món dễ ăn và ngon lành nhất thường tập trung trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Chính vì thế, muốn ăn gì ở phố cho thật khoái khẩu, tốt nhất là nghe theo mấy “cao bồi già” mặn mồm. Nếu chỉ ăn quà sớm thì họa sĩ vẽ bìa lừng danh Văn Sáng xứng đáng là “thương hiệu” tin cậy. Ông Sáng xuất xứ phố Nam Ngư nên chuyện phở gà với ông là “hơi bị muỗi”. Cách đây hơn chục năm, vô tình theo ông bạn đi ăn phở bò mới thấy công phu. Phở Bát Đàn hồi đó chưa ngọt như bây giờ, nhưng nhìn cảnh rồng rắn xếp hàng bỗng thấy thảm, thôi thì qua nhà “huynh đệ” của nó là phở Hòa Hàng Đồng.

Hàng này có tuyệt chiêu giấu nước mắm vào sâu trong nước dùng. Phở Hòa có việc treo biển nghỉ, vậy qua Hàng Vải phở Lâm nhé. Nếu không thì ngược lên phở Vui Hàng Giầy làm thêm tý ngẩu pín. Gần tới, chợt thèm sợi bánh thái to kiểu bao cấp, lại khẽ tặc lưỡi trôi sang phở Cường Hàng Muối. Phố cổ là phố cổ ơi, chỉ loay hoay có vài trăm mét mà ê hề của ngon vật lạ.

Chẳng bù cho những khu đô thị mới xây được tiếng là “oách”. Đi mỏi chân cũng chẳng kiếm đâu ra được một chỗ dễ nuốt. May có vài gánh bún bung chân giò dọc mùng tàm tạm, điểm sáng sót lại từ quà quê hồi Láng còn là làng. Còn đâu, những thứ kinh điển của quà phố như phở, như mì thì hầu như tuyệt tích. Kể cả phở Sướng có về đấy thì cũng khác xa khi nó vẫn là quán xe đẩy hồi ở ngã ba Hàng Bè - Đinh Liệt.

Có hỏi ông chủ quen, giờ đã là một trung niên sồ sề, thì được khe khẽ trả lời: “người ăn dưới này họ khác lắm”. Có lẽ vậy. Bởi một hôm có uống tân gia người bạn vừa về đấy ở, lảo đảo tan muộn bụng đói, đành tạt vào một hàng đề biển “mỳ vằn thắn” kha khá đông khách. Vừa ngồi xuống thì cô bé chạy bàn nồng nhiệt, sành điệu cầm tới cả đĩa tướng húng bạc hà.

Sẵn rượu buột mồm nói hơi to: “Điên à, ai lại ăn mỳ với rau húng”. Chợt cả sảnh ăn như lặng đi, ngơ ngác ngẩng nhìn quanh thì thấy trước mặt mọi khách ăn đều có đĩa húng đã vơi quá nửa. Sợ quá, bèn run rẩy nhón mấy lá cho ngay vào miệng.

Các cụ vẫn nói “khôn dại tại miệng”, khắt khe như thế nên ẩm thực Việt đã đạt tới tầm thế giới. Phở của phố Hà Nội đâu có kém gì pizza Ý hay há cảo Tầu. Còn tại sao nó chưa được phổ cập toàn cầu thì có thể trong đám mênh mông thực khách ấy vẫn vô số người có mồm dại. Thẩm thực vốn là nghệ thuật tinh tế bậc nhất. Đôi khi nhìn cách người ăn, dễ dàng thấy cả nhân cách.

Tin đọc nhiều