Ăn chay ở phố

ANTD.VN - Không hiểu sao có quá đông những người ở phố, đang chỉ loay hoay dữ dội đi kiếm tiền, bỗng chân thành buông mặn dùng chay.

Tự nhiên dân phố đổ đi ăn chay, những món đồ chay nhưng vẫn “động” 

Loanh quanh trên mấy khu phố cũ bây giờ, đã thấy quá nhiều những nhà hàng đề biển “cơm chay”. Hình như dưới những khu đô thị mới Linh Đàm hay Trung Hòa - Nhân Chính còn có nhiều hơn. Thậm chí có quán bán theo kiểu buffet, thực đơn la liệt hàng chục món. Thoạt nhìn cách bày hay màu sắc, hầu như ai nấy cũng đều nghĩ là món mặn. 

Tên thì đương nhiên “mặn” rồi. Phở bò, bún ốc, thịt quay, giò xào, chả lá lốt… thường là những món đầu vị ở các quán bình dân. Còn cao cấp hơn là gà rang muối, là lẩu nấm có đủ hải sản tôm to cá béo. Ông chủ tuy trường chay nhưng da căng mỡ màng đỏ au khẳng định, tất cả đều được chế biến từ rau củ quả. Còn tại sao nó giống như thịt của những loài động đậy biết bay biết bơi biết bò thì đấy là bí quyết từ “tuyệt đỉnh công phu”. 

Kinh Đại Tạng của nhà Phật cho rằng, các chúng sinh đầu tiên xuất hiện ở cõi sắc giới này đến từ Quang Âm Thiên đều không cần thực phẩm. Chỉ khi bị vị ngọt của đất cám dỗ, họ mới tự đánh mất hào quang và nặng nề đành ở lại. Tất nhiên, việc họ chủ động đánh mất thần thông hay bị động rơi mất thì kinh không thấy chép, có lẽ muốn tránh nói sâu về cái ma lực quyến rũ của ẩm thực.

Thật ra, nhu cầu ăn uống chỉ đơn giản là một thao tác nạp dinh dưỡng để duy trì tồn tại của mọi sinh vật. Có điều, con người là loài vật chắc được thượng đế ưu ái nhất, nên tự mãn tự tin nghĩ mình là chúa tể. Vì thế cái nhu cầu “đánh chén” tối giản bỗng thăng hoa thành tinh tế cầu kỳ phức tạp. Om, hầm, nướng, xào, quay, rán, hết món làm tái rồi lại làm gỏi. Đến thanh bạch bữa cơm chay cũng rắc rối thành cỗ. Miếng ăn không còn là miếng thịt nữa mà đôi khi chấp chới bay thành miếng vinh miếng nhục. 

Với những đại gia thị dân có chức có tiền có cholesterol trong máu, có nhiều mỡ ở bụng, chay nghĩa là thảo vật được chế biến thành thượng thặng tinh khiết nhưng phải nồng nàn có mùi của gà của cá của lợn. Đại loại, nó phải giống trang trại hoặc biệt thự không rõ nguồn gốc mà họ đang ở, bên ngoài mang vẻ hoang sơ nhưng bên trong thừa mứa dư dật

Loại đi những lý do vì giữ gìn sức khỏe hay phải đối phó với bệnh tật, thì từ xa xưa, ăn chay là một thao tác đạo đức được coi là đặc thù ở những người tu hành. Muốn cho tâm đừng động thì nên chọn thức ăn tĩnh. Thức ăn mà lành thì người sẽ mau hiền, dễ dàng biết chăm chỉ hướng thiện. Để giảm bớt gian nan trong lúc cô đơn đối thoại với im lặng, hầu hết các hành sĩ luôn thanh thoát ăn rau củ quả.

Thảo vật bổ dưỡng vừa vừa, thường không làm tâm trí phát sinh dục vọng, lẳng lặng cao siêu “tự nhiên nhi nhiên” nở hoa trổ lá. Bởi vậy, ở rất nhiều giới luật của các tôn giáo lớn, giới răn ăn chay được gìn giữ lắm. Đại sư Trần Huyền Trang (khoảng 602-664) với pháp danh Tam Tạng đời nhà Đường bên Tàu là một ví dụ lỗi lạc. Ngay cả khi được tiểu thuyết hóa vào “Tây du ký”, thì những hành xử phi thường của ông cũng đều căn cứ ở đời thực. Đại sư từ lúc lọt lòng cho đến khi viên thành chính quả, tuyệt đối không ăn đồ có tanh có mỡ.

Không phải ngẫu nhiên mà vô số yêu quái cả nam lẫn nữ thích theo “mốt” ăn đồ chay luôn tìm cách “chén” ông. Dung nhan của đại sư lúc nào cũng lấp lánh rực rỡ màu xanh dịu dàng của cây cỏ thiên nhiên. Nó làm cho những phàm phu kiểu như đồ đệ Trư Bát Giới, bỏ xe hơi, bỏ nhà lầu, bỏ vợ xinh mà theo ông tâm phục khẩu phục. Trư Ngộ Năng tuy đã xuất gia nhưng luôn nôn nao thèm mặn.

Họ Trư sâu sắc biết rằng, tâm đang “động” mà phải nuốt thức ăn “tĩnh” là việc tuyệt khó. Vậy mà không hiểu sao hôm nay, có quá đông những người ở phố, không phải đi kiếm Kinh chỉ loay hoay dữ dội đi kiếm tiền, không hề là tu sĩ (tất nhiên biết tu rượu) bỗng chân thành buông mặn dùng chay.

Những đại gia thị dân có chức có tiền, có cholesterol trong máu, có nhiều mỡ ở bụng sẽ ăn chay như thế nào. Bọn họ khắc khổ hiểu, chay là phải chân thực, miễn cưỡng lắm mới có thêm đôi chút chân dài. Với họ, chay nghĩa là thảo vật được chế biến thành thượng thặng tinh khiết nhưng phải nồng nàn có mùi của gà của cá của lợn. Đại loại, nó phải giống trang trại hoặc biệt thự không rõ nguồn gốc mà họ đang ở, bên ngoài mang vẻ hoang sơ nhưng bên trong thừa mứa dư dật.

Hạnh phúc của chay tịnh là vừa ngồi Yoga ở penthouse triệu đô, vừa ngắm mặt nước hồ Tây, hồ Trúc Bạch (hồ Thành Công cũng được). Nếu cầu kỳ “chay” nữa là khi “trúng quả” sẽ mua thêm nhà nghỉ ở Sóc Sơn, để vừa luyện khí công vừa thanh thản nhìn nông dân đang thơ mộng cày cấy. Bọn họ ăn chay để thêm sức mà ăn chơi. Họ hy vọng, nếu ngồi thiền được thẳng thì các cuộc nhậu triền miên sẽ đỡ đau lưng.

Những thao tác cao cả thanh sạch của dưỡng sinh tôn giáo, nhằm tận hiến cho đời giữ tâm đừng đục, thì bọn họ thông minh khéo léo chế chúng thành những phép dung tục vệ sinh để giữ xác phàm. Họ cảm thấy chơi gôn là chưa đủ, nuốt tôm hùm ở “rì dọt” năm sao là chưa đủ, họ tham lam muốn ăn hết cả phần của thanh bạch. 

Trong hoàn cảnh các đô thị lớn ngày nay đang đậm dần nhiều ô nhiễm, thì ăn chay quả là một phương pháp nuôi dưỡng cuộc sống tối ưu. Kinh “Tạp A- hàm” có chép lời Đức Phật dặn:  “Như bàn tay lành lặn để trong bát thuốc độc, thì không bao giờ bị nhiễm độc”. Không kể chuyện tò mò ăn cho vui, ăn chay vốn dĩ cốt tu tâm lành để bền bỉ dưỡng tính thiện, chứ không hề là cách tháu cáy bồi bổ rồi sẵn sàng vất vả lê la đi ăn bẩn.

Tin đọc nhiều