Vì sao Peru "sợ" chiến đấu cơ Mỹ, tiếp tục mua MiG-29 Nga?

ANTD.VN - Tiếp nối truyền thống sử dụng máy bay Nga, Không quân Peru đã quyết định mua sắm máy bay chiến đấu MiG-29M2 của hãng Mikoyan.

Theo ông Martin Manco, chuyên viên phân tích quân sự của Peru, Không quân nước này dự định mua máy bay chiến đấu MiG-29M2 của Nga - phiên bản nâng cấp đời chót của gia đình MiG-29 nổi tiếng, được xếp vào thế hệ 4++ (hiện chưa tiết lộ thông tin về số lượng).

Ngoài những tính năng ưu việt của bản thân máy bay, vị chuyên gia Peru còn đánh giá cao những lợi thế khi làm việc với Nga so với phương Tây; cùng với những lợi thế của riêng nước này trong lĩnh vực cung cấp máy bay quân sự. Ông đã chỉ ra những lợi ích sau đối với Peru:

Thứ nhất là: Tính năng máy bay tốt, giá rẻ

Mig-29 M/M2 (NATO gọi là "Fulcrum-E) là một bản hiện đại hóa cao nhất của máy bay Mig-29. Nó được trang bị một trong những radar chiến đấu hiện đại nhất của Nga là radar Zhuk-ME, giúp máy bay có khả năng tấn công đa nhiệm khi mang được tất cả các vũ khí đối không, đối đất, đối hạm.

Động cơ RD-33MK trên Mig-29M có sức mạnh tăng 7% (lực đẩy lên tới 9 tấn) so với bản động cơ trước, tuổi thọ động cơ cũng tăng lên 4.000 giờ. Tầm bay của Mig-29M lên tới 2.000 km và có thể lên tới 6.000 km nếu được tiếp liệu trên không.

Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, MiG-29M/M2 có khả năng tấn công mặt đất mạnh gấp 2,5 lần so với phiên bản cũ, còn tiến công trên không gấp 1,5 lần. Tuy nhiên, xét về ý định thiết kế, các phiên bản MiG-29 vẫn mạnh nhất là ở chức năng đánh chặn trên không.

Với những tính năng đó, giá thành khoảng 30 triệu USD một chiếc máy bay là một cái giá quá hời so với số tiền bỏ ra mua các chiến đấu cơ phương Tây có thể đắt gấp 3, 4 lần.

Thứ hai là: Không bị gián đoạn nguồn cung vì yếu tố chính trị

Ông chỉ ra răng, Nga và Peru không hề có xung đột lợi ích; trong khi đó, các liên hệ với ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây luôn tiềm ẩn rủi ro, và ở mức độ lớn bị phụ thuộc vào tình hình chính trị. Ví dụ như mua vũ khí của Mỹ có thể sẽ là vấn đề lớn trong triển vọng dài hạn.

Dàn máy bay MiG-29 Nga trong biên chế không quân Peru

Nếu Peru mua vũ khí Mỹ nhưng sau đó bắt đầu làm điều gì đó không hợp ý Washington, họ sẽ cắt đứt nguồn cung bán động cơ, phụ tùng, vũ khí và chắc chắn là sẽ không nâng cấp cho số máy bay hiện có. Và máy bay của Peru cứ việc nằm lại trên mặt đất.

Ngược lại, đối với Nga, Peru sẽ không lo gặp phải vấn đề gì, Moscow sẽ không bao giờ cắt đứt cung cấp, và hiển nhiên máy bay của nước này sẽ luôn cất cánh khi cần.

Theo ông, việc mua sắm các trang bị kỹ thuật quân sự của một nước không có xung đột lợi ích trực tiếp hoặc lệ thuộc trực tiếp là điểm then chốt quan trọng nhất đối với mọi quốc gia, nhằm yêu đáp ứng cầu bảo vệ đất nước trong các tình huống khẩn cấp cũng như lâu dài.

Thứ ba là: Khả năng sửa chữa và chuyển giao kỹ thuật

Theo lời chuyên gia, một trong những hạng mục quan trong nhất trong hợp đồng là chuyển giao công nghệ. Tuy không sản xuất máy bay những các kỹ sư Peru sẽ có khả năng tự sửa chữa máy bay của mình ở trong nước và điều chỉnh thích ứng một số thành tố và tổ hợp tương ứng với nhu cầu riêng của nước mình.

Việc mua sắm lô MiG-29M2 không chỉ tạo điều kiện cho Peru một lần nữa đưa sức mạnh chiến đấu của Không quân ngang tầm các nước khác trong khu vực như Mexico, Chile, Venezuela hoặc Brazil; mà còn giúp nước này phát triển mạnh về công nghệ hàng không quân sự.

Thứ tư là: Không quân Ai Cập có kinh nghiệm sử dụng máy bay Nga

Không quân Peru đã có đội ngũ đáng kể các máy bay MiG-29 thuộc mẫu biến thể trước, bao gồm cả phiên bản SM. Theo tin công khai Không quân Peru hiện còn sử dụng 19 chiếc MiG-29SMP; trong đó, 8 chiếc đã được nâng cấp, và 11 đang được nâng cấp.

Ngoài ra, Peru còn có 18 chiếc máy bay cường kích Su-25 của Nga. Do đó, các phi công nước này đã có kinh nghiệm sử dụng các máy bay Nga.

Máy bay MiG-29 Peru phóng tên lửa không đối không tầm ngắn R-73

Vào tháng 8 năm 2017, phái đoàn phi công Peru- những người sẵn có kinh nghiệm lái MiG-29 đã sang thăm Moscow, trong đó có hai Trung tướng và một Đại tá.

Người phụ trách nghiệm thu chính của Không quân Peru là Trung tướng Rodolfo García Esquerre đã thân chinh lái thử chiếc MiG-29M2 để biết rõ những điểm ưu việt của mẫu biến thể chiến đấu cơ nâng cấp và ông đã rất hài lòng về tính năng của nó.

Sơ lược về hợp tác hàng không Nga-Peru trong 5 năm trở lại đây

Năm 2012, tập đoàn sản xuất máy bay MiG của Nga đã hoàn thành phần 1 hợp đồng trị giá 106,7 triệu USD (ký với Bộ Quốc phòng Peru năm 2008) để nâng cấp 19 máy bay chiến đấu MiG-29S lên chuẩn MiG-29SMT. Hợp đồng nâng cấp phần 2 được ký kết vào năm 2013.

Cũng trong năm 2008, Peru đã ký hợp đồng mua của Nga một lô lớn các hệ thống chống tăng Kornet-E trị giá 23 triệu USD.

Năm 2011, Nga cung cấp cho Peru 6 trực thăng chiến đấu - vận tải Mi-171Sh và hai máy bay trực thăng tấn công Mi-35P với tổng giá trị hợp đồng, hỗ trợ kỹ thuật lên đến 107,9 triệu USD.

Giai đoạn 2011-2012, Nga nâng cấp bảy máy bay trực thăng Mi-25 theo một hợp đồng 20 triệu USD.

Tháng 12/2013, Peru đã ký kết một thỏa thuận với Rosoboronexport để mua 24 máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-171Sh, có trị giá khoảng 400-500 triệu USD. Các máy bay trực thăng này đã được bàn giao trong năm 2014-2015.

Năm 2016, Nga và Peru đã đạt được thỏa thuận mở một trung tâm bảo trì và sửa chữa máy bay trực thăng tại Peru.