Sức mạnh hủy diệt hệ thống phòng không Nga vừa hoàn thiện

ANTD.VN - Trong chương trình truyền hình “Tin tức trong tuần” vừa phát trên mạng tin tức Rossiya 1 của Nga, người dẫn chương trình Dmitry Kiselev khẳng định rằng, nước này đã triển khai hệ thống phòng không bao phủ khắp cả nước và trở thành quốc gia sở hữu hệ thống phòng không mạnh nhất trên thế giới.

Ông Kiselev nhớ lại rằng, "vào đầu những năm 2000, hệ thống phòng không của Nga được triển khai cục bộ, chỉ những cơ sở kinh tế và quân sự quan trọng mới được các hệ thống này bảo vệ vào thời điểm đó."

Tuy nhiên, biên tập viên Kiselev khẳng định rằng, tình hình đã thay đổi hoàn toàn vào năm 2015.

"Có một mạng lưới radar hoàn thiện được triển khai ở khắp các khu vực miền tây và miền nam nước Nga vào năm 2015", ông nói và cho biết thêm rằng, trong vòng 2 năm sau đó, Nga cũng đã hoàn thành triển khai mạng lưới phòng không bao phủ các khu vực miền bắc và miền đông.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga

Trong vài năm gần đây, hơn 130 hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, không có đối thủ trên thế giới, đã được biên chế cho các lực lượng vũ trang Nga.

Trong số đó có các hệ thống tên lửa/pháo phòng không tầm ngắn đến tần trung Pantsir-S1 và hệ thống phòng không S-400, được trang bị các tên lửa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở cả tầm rất xa, tầm trung và tầm ngắn.

S-400 Triumph là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến nhất của Nga và trên thế giới, được thiết kế để tiêu diệt máy bay, các tên lửa hành trình và đạn đạo. Hệ thống này có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở tốc độ bay 4,8 km/s và ở bán kính đánh chặn tối đa 400km.

Mỗi hệ thống S-400 có thể đồng thời tấn công 36 mục tiêu, với 72 tên lửa sẵn sàng phóng ngay lập tức. S-400 sử dụng 3 loại tên lửa khác nhau, đó là tên lửa tầm cực xa 40N6, tầm xa 48N6 và tầm trung 9M96.

Trong khi đó, Pantsir-S1 là hệ thống hệ thống tên lửa/pháo phòng không có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách 20km, độ cao 15km, tầm quan sát và theo dõi mục tiêu của radar là gần 40km. Hiện nay, Nga đang nâng cấp hệ thống này lên thành phiên bản Pantsir-SM có khả năng tiêu diệt mục tiêu cách xa 40km và tầm quan sát của radar cũng tăng gần gấp đôi, lên 75km.

Tên lửa của hệ thống Pantsir-S1 có chiều dài 3,2m, đường kính 0,17m, trọng lượng 75kg, đầu đạn nặng 20kg, tầm bắn lên đến 20km với tốc độ 1.300 m/giây. Mỗi hệ thống Pantsir-S1 được trang bị 12 tên lửa này. Trong khi pháo 2A38M của Pantsir-S1 có cỡ nòng 30mm, tầm bắn tối đa 4km, tốc độ bắn khoảng 4.500 viên/phút, sơ tốc đầu nòng 960 m/giây.

Hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 của Nga

Từ năm 2012, số lượng binh lính thuộc lực lượng tên lửa phòng không của Nga đã tăng lên gấp đôi, bao gồm cả lực lượng vận hành Hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa. Trong thời gian đó, lực lượng này đã đưa vào biên chế các hệ thống radar cảnh báo hiện đại nhất Voronezh, có thể nhanh chóng lắp ráp ngay tại chỗ.

Radar cảnh báo sớm Voronezh có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 10.000km, độ cao 8.000km và có khả năng theo dõi 500 mục tiêu cùng lúc. Đến nay, Nga đã triển khai 7 hệ thống radar Voronezh trên khắp cả nước.

Ngoài ra, 2 hệ thống nữa dự kiến được đưa vào vận hành trong năm 2017 và 2018. Hệ thống radar này có thể phát hiện các mục tiêu có kích thước bằng quả bóng đá ở khoảng cách hàng nghìn km, nên khó có mục tiêu nào lọt qua được.

Về phòng thủ trên biển, năm 2013, Nga chỉ có 10 hệ thống tên lửa ven biển, nhưng con số này đã tăng lên 29 hệ thống vào năm 2017.

"Chúng được triển khai tại những nơi chúng cần phải được triển khai", ông nói, đồng thời dẫn ra những vị trí đó là quần đảo Kuril, Crimea và Caspia, cũng như Baltiysk, Severomorsk, Vladivostok, Kamchatka, Chukotka và Bắc Cực.

Việc tăng cường hệ thống phòng không của Nga diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang triển khai các bộ phận của lá chắn tên lửa của họ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là hệ thống mà Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho là sẽ gây nên một mối đe dọa nghiêm trọng nhằm vào Nga.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, trước khi kết thúc năm nay, Nga sẽ hoàn thành kế hoạch bảo vệ lãnh thổ bằng các hệ thống tên lửa "cả trên đất liền và trên biển".