Quân sự hóa Biển Đông: Trung Quốc leo thang nguy hiểm

ANTĐ - Trung Quốc lại leo lên nấc thang mới trong việc theo đuổi chiến lược quân sự hóa Biển Đông khi triển khai máy bay chiến đấu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm biến đây thành bàn đạp quân sự để khống chế, độc chiếm Biển Đông.

Quân sự hóa Biển Đông: Trung Quốc leo thang nguy hiểm ảnh 1Trung Quốc đã triển khai những máy bay tiêm kích hiện đại do nước này tự chế tạo J-11 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Kênh truyền hình Fox News của Mỹ ngày 23-2 dẫn lời các quan chức tình báo nước này cho biết, Trung Quốc đã triển khai các máy bay tiêm kích hiện đại trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Đây là một động thái làm gia tăng lo ngại cũng như căng thẳng khu vực trong bối cảnh Bắc Kinh đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược quân sự hóa Biển Đông. 

Theo sát những diễn biến trên Biển Đông, tình báo Mỹ đã phát hiện Trung Quốc triển khai gần chục máy bay tiêm kích thế hệ thứ tư Shenyang (Thẩm Dương) J-11 và máy bay tiêm kích-ném bom Xian (Tây An) JH-17 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực năm 1974. Giới chức tình báo Mỹ cho biết thêm, hoạt động này của máy bay chiến đấu Trung Quốc “diễn ra thường xuyên”.

Việc Trung Quốc liên tiếp triển khai các máy bay chiến đấu hiện đại nhất do nước này tự chế tạo tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam gây ra những lo ngại sâu sắc. Mới đây, Trung Quốc cũng đã triển khai 2 khẩu đội tên lửa phòng không hiện đại nhất của nước này HQ-9 (tương đương như S-300 của Nga), gồm 8 ống phóng tên lửa đi kèm radar tới đảo Phú Lâm.

Đáng chú ý, đi cùng với việc triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không hiện đại tới khu vực có thể khống chế vùng rộng lớn trên Biển Đông, Trung Quốc có những động thái nhằm xây dựng những hòn đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông thành những căn cứ quân sự lớn. Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng sau tên lửa phòng không, máy bay, radar… Trung Quốc sẽ triển khai các vũ khí tối tân tiếp theo như tên lửa chống hạm để kiểm soát hoàn toàn các vùng biển rộng lớn.

Theo các chuyên gia quân sự, bước tiếp theo của việc triển khai các trang thiết bị vũ khí hiện đại ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sẽ là các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp, xây dựng phi pháp trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang bố trí một hệ thống radar tần số cao mới trên đá Châu Viên, một trong 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép rồi tiến hành bồi đắp, cải tạo quy mô lớn thành đảo nổi nhân tạo.

Có thể thấy rất rõ ràng mục đích sâu xa từ những hoạt động triển khai, bố trí trang bị vũ khí của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm cũng như các hòn đảo, bãi đá chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Phát biểu ngày 23-2 trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris nhận định, Trung Quốc “đang làm thay đổi môi trường hoạt động” ở Biển Đông bằng việc triển khai các tên lửa phòng không và hệ thống radar tại đây nhằm giành ưu thế quân sự ở vùng biển chiến lược trọng yếu này. 

Đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông nhằm giành ưu thế vượt trội, Trung Quốc leo lên nấc thang mới nguy hiểm, sẵn sàng dùng vũ lực để hiện thực hóa tham vọng đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Liên tiếp những hành động gây gia tăng căng thẳng cũng như ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã bị dư luận thế giới vạch rõ và lên án.

Trước đó hôm 19-2, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước thông tin của một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đồng thời gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) cũng đã có công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm trên của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc.