"Phá sản" dự án tiêm kích FGFA với Nga, Ấn Độ nhòm ngó F-35 của Mỹ

ANTD.VN - Theo trang Businsess Standard, Ấn Độ đã đề nghị hoãn vô thời hạn dự án phát triển chung máy bay thế hệ 5 (FGFA) với Nga do những bất đồng về chi phí và tính năng không đáp ứng đúng nhu cầu của New Delhi.
Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval được cho là đã thông báo quyết định này với Nga trong một hội nghị giữa 2 nước vào cuối tháng 2.
Ấn Độ muốn Nga tự phát triển dự án này một mình và Ấn Độ sẽ gia nhập trong thời gian sau đó, hoặc mua những tiêm kích này sau khi nó đã được biên chế trong không quân Nga.
New Delhi và Moscow đã thảo luận về dự án phát triển tiêm kích thế hệ 5 từ năm 2007. Đến năm 2010, mẫu tiêm kích có tên gọi PAK-FA của Nga xuất hiện với 9 nguyên mẫu đã bay thử từ đó cho tới nay.
Nga cho rằng, PAK-FA đáp ứng đủ nhu cầu của không quân nước này nhưng Ấn Độ lại muốn một mẫu máy bay tốt và phù hợp hơn vào điều kiện của mình.
Chính vì điều này mà Nga và Ấn Độ đã cùng nhau thương lượng về thỏa thuận trị giá 8,63 tỉ USD nhằm tạo ra mẫu máy bay FGFA mới dựa theo PAK-FA.
Tổng cộng, Ấn Độ yêu cầu 50 sự cải thiện khác nhau đối với PAK-FA, bao gồm việc trang bị radar quan sát 360 độ và động cơ mạnh mẽ hơn nữa.
Các nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết, dự án này có nảy sinh nhiều bất đồng giữa Nga và Ấn Độ bao gồm chi phi chia sẻ giữa 2 nước và vấn đề cấp bản quyền các công nghệ hàng không Nga.
Một vài giới chức Ấn Độ cũng cho rằng, tiêm kích do Nga phát triển chưa đủ khả năng tàng hình như một chiến đấu cơ thế hệ 5.
Tuy nhiên, lập luận này cũng vấp phải nhiều sự phản đối với lí do khả năng tàng hình tuyệt đối là không cần thiết.
Nhiều quan chức Ấn Độ lấy ví dụ về tiêm kích F-22 của Mỹ với khả năng tành hình ưu việt nhưng điều này lại khiến chi phí bảo dưỡng và duy trì hoạt động quá cao.
Chính vì điều này mà Mỹ đã thay đổi hướng phát triển của loại tiêm kích thế hệ 5 tiếp theo là F-35 theo hướng giảm bớt sự tập trung vào khả năng tàng hình mà thay vào đó trang bị cho nó khả năng chiến đấu tốt hơn nhờ cảm biến hiện đại, hệ thống điện tử hàng không ưu việt và vũ khí tầm xa.
Một tiêm kích với hệ thống cảm biến hiện đại sẽ có khả năng biết khi nào nó có thể bị phát hiện bởi radar của đối phương để chủ động thay đổi đường bay.
Với sự đóng băng của chương trình FGFA với Nga, cơ hội cho Mỹ bán tiêm kích F-35 cho Ấn Độ đang gần hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, Ấn Độ đã công khai khen ngợi tiêm kích F-35 của Mỹ mang đến sự tàng hình và đáp ứng đủ yêu cầu đề ra của không quân nước này hơn hẳn máy bay Nga.
Tuy nhiên, vấn đề nhiều khả năng sẽ nằm ở mức giá bán do với gần 9 tỉ USD theo hạn mức của dự án FGFA, Ấn Độ khó có thể đạt được mục tiêu mua hơn 120 máy bay F-35.
Đó là còn chưa kể đến việc nước này muốn được chia sẻ các công nghệ hàng không, đồng thời sản xuất nhiều phần linh kiện tại nội địa, điều Mỹ khó dễ dàng chấp nhận do Ấn Độ không phải là quốc gia theo dự án F-35 ngay từ đầu.