Đòn sát thủ của xe tăng không nằm ở tên lửa mà chính là đạn dưới cỡ nòng

ANTD.VN - Khi so sánh xe tăng Mỹ và Phương Tây với xe tăng Nga-Liên Xô, một số người thường lấy dữ kiện xe tăng Nga-Xô có thể bắn tên lửa qua nòng để làm tiêu chí so sánh, cho rằng thế là hơn đối phương. Đây thực chất là điều sai lầm bởi đòn sát thủ của xe tăng thực ra lại là đạn pháo dưới cỡ nòng.

Khi so sánh xe tăng Mỹ và Phương Tây với xe tăng Nga- Liên Xô, một số người thường lấy dữ kiện xe tăng Nga- Liên Xô (cũ) có thể bắn tên lửa qua nòng để làm tiêu chí, và cho rằng thế là hơn đối phương. Tuy nhiên điều này chưa thật chính xác.

Với năng lực của mình, phương Tây hoàn toàn có thể làm điều tương tự, tuy nhiên xuất phát triết lý tác chiến khác nhau của hai khối cường quốc này nên xe tăng Mỹ và phương Tây không có khả năng bắn tên lửa qua nòng.


Thực tế, đòn sát thủ của xe tăng chính là đạn pháo dưới cỡ nòng. Đạn pháo loại này có phần sát thương (lõi đạn) nhỏ hơn cỡ nòng của pháo. Chúng không dùng thuốc nổ để phá mục tiêu, mà dùng sức xuyên phá của động năng cực lớn mà đạn pháo sản sinh trong quá trình va chạm để công phá mục tiêu.

Do đạn có kích cỡ nhỏ, khối lượng nhỏ vì thế vận tốc đầu nòng tăng lên, vì thế có khả năng xuyên giáp và xác suất diệt mục tiêu di động lớn hơn đạn pháo đủ cỡ. Lõi đạn pháo thường làm bằng carbite wolfram với phụ gia niken đi kèm, sau này người ta còn dùng cả uranium nghèo làm lõi đạn, điển hình như loại đạn M829 nổi tiếng của Mỹ.  


Ngày nay, đạn pháo dưới cỡ có thiết kế khí động học tốt hơn, chiều dài thường gấp từ 6 đến 10 lần đường kính, với dạng đạn hình mũi tên, phần đuôi được lắp đặt các cánh gió để ổn định hướng. Mặt khác với việc lõi sử dụng uran nghèo nó sẽ sản sinh ra nhiệt độ cực lớn khi va chạm với mục lên tới 3.000 độ C, nhiệt độ đó đủ để nóng chảy lớp giáp thép của xe tăng đối phương.


Sơ tốc đầu nòng của đạn pháo dưới cỡ nòng cao hơn gấn năm đến bảy lần so với tên lửa bắn qua nòng pháo. Xe tăng có thể vừa di chuyển vừa bắn đạn pháo mà vẫn bảo đảm hiệu quả diệt mục tiêu so với việc phải đứng yên hoặc di chuyển chậm khi bắn tên lửa qua nòng pháo để bảo đảm độ chính xác. 

Phương Tây cho rằng với đạn pháo dưới cỡ nòng để tiêu diệt tăng đối phương là đủ, không cần phải phát triển tên lửa bắn qua nòng pháo. Vì thế họ tập trung cho việc phát triển các loại đạn pháo dưới cỡ nòng thay vì phát triển tên lửa bắn qua nòng.

Tên lửa bắn qua nòng pháo có ưu điểm là tầm bắn xa, vì có điều khiển nên xác xuất tiêu diệt mục tiêu khá cao. Tên lửa chống tăng phóng qua nòng pháo chính sử dụng các đầu nổ lõm, có khả năng xuyên qua lớp giáp bảo vệ chắc chắn của xe tăng đối phương. Tên lửa AT-11 của Nga có khả năng xuyên qua lớp thép dày 750mm. Tuy vậy việc sản xuất tên lửa bắn qua nòng lại tốn kém. 

Triết lý chiến đấu của phương Tây là hiệp đồng tác chiến, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa không quân, thông tin liên lạc, hải quân và lục quân. Thường thì trước khi lục quân tiến vào chiến trường thì tên lửa hành trình và không quân tấn công dọn đường, sau đó xe tăng và bộ binh tiến vào dưới sự yểm trợ của các chiến đấu cơ cường kích.

Trong khi đó, triết lý chiến đấu của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay lại thiên về khả năng tác chiến độc lập, mỗi khí tài hay mỗi đơn vị đều được huấn luyện tốt cho nhiệm vụ có thể tác chiến độc lập khi cần thiết. Khí tài chiến đấu của họ thường được thiết kế cho khả năng công thủ toàn diện. Điều này ta có thể nhận thấy trong những vũ khí của họ.

Xe tăng của Nga có khả năng chiến đấu độc lập và đa dạng hơn về vũ khí tấn công. Tuy khả năng công thủ khá tốt nhưng nhược điểm của điều này là khả năng mang theo đạn dược ít. Tên lửa chống tăng cồng kềnh hơn đạn pháo thông thường nên xe thường chỉ mang được khoảng hơn kém 5 tên lửa trên mỗi xe tăng.

Bên cạnh hiệu quả tiêu diệt xe tăng, xe chiến đấu, các tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo thường có sơ tốc thấp, dễ bị các hệ thống phòng thủ chủ động, thụ động của xe tăng đối phương ngăn chặn, vô hiệu hóa.