Chính phủ cấm nhập, doanh nghiệp Mỹ lách luật sản xuất AK-47

ANTĐ - Nhằm “né” lệnh cấm nhập khẩu vũ khí Nga của chính phủ Mỹ, một doanh nghiệp nước này đã quyết định mở nhà máy sản xuất súng AK-47 của Nga ở trong lãnh thổ Hoa Kỳ.

Mới đây, đứng trước nhu cầu lớn của khách hàng về loại súng trường tấn công AK-47 của Nga, trong khi chính phủ lại cấm nhập khẩu trang, thiết bị quân sự của Nga, công ty Mỹ Russian Weapon Company (RWC) đã quyết định mở nhà máy sản xuất loại súng này ở trong nước.

Bình luận về quyết định của RWC, Tập đoàn Kalashnikov - cái nôi sản xuất loại vũ khí cá nhân nổi danh này của Nga cho rằng, ý định của công ty Mỹ về việc sản xuất súng trường thương hiệu Nga AK-47 tại Hoa Kỳ là “hợp logic”.

Tập đoàn của Nga cho biết rằng, vũ khí do nhà máy Nga sản xuất có truyền thống lâu đời và chiếm "một trong những vị trí hàng đầu tại thị trường Mỹ" và các biện pháp trừng phạt "đã cho thấy sự quan tâm lớn của khách hàng Mỹ về loại súng này."

"Động thái của RWC trong điều kiện hiện tại có vẻ khá hợp lý. Quyết định mở dự án này của RWC một lần nữa khẳng định sự phổ biến của súng trường Kalashnikov huyền thoại" - bộ phận truyền thông của tập đoàn Kalashnikov nêu quan điểm.

Được biết, công ty Mỹ Russian Weapon Company là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu súng Kalashnikov do Nga sản xuất. Công ty vừa tuyên bố ý định sắp tới sẽ khai trương sản xuất súng trường tấn công Kalashnikov tại Hoa Kỳ. Kế hoạch sẽ bắt đầu triển khai trong quý hai của năm 2015.

Lính Mỹ đang luyện tập sử dụng súng AK-47

Hiện nay, AK-47 là một trong những thương hiệu súng nổi tiếng nhất thế giới. Những khẩu AK đầu tiên được công ty vũ khí có 200 năm kinh nghiệm của Nga sản xuất và trở thành loại súng trường tấn công được cấp phép cũng như sao chép lậu nhiều nhất thế giới, từ Trung Quốc cho đến châu Âu, châu Mỹ.

RWC cho biết, họ không được liên lạc dưới bất cứ hình thức nào với Kalashnikov Concern - nhà sản xuất súng AK tại Nga vì lệnh trừng phạt này. "Chúng tôi không được phép nhấc điện thoại lên và gọi cho họ. Chúng tôi buộc phải ngừng kinh doanh với đối tác Nga vì các lệnh trừng phạt", ông Thomas McCrossin, CEO của RWC ngán ngẩm nói.

Mặc dù bị ảnh hưởng của lệnh cấm nhưng hiện nay, RWC vẫn đang dự trữ một lượng AK-47 nhập khẩu để bán, tuy nhiên tình hình lệnh trừng phạt hiện nay chưa có dấu hiệu được gỡ bỏ, do đó họ phải tính toán đến việc tự sản xuất súng để cung cấp cho thị trường.

Súng trường AK-47 của Nga được đông đảo dân chúng Mỹ ưa chuộng

Được biết, cả Nga và Mỹ mặc dù ban hành các lệnh cấm vận nhưng chỉ là trong lĩnh vực nhập khẩu sản phẩm, còn họ đều cho phép các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bị cấm ở trong nước. Ví dụ như Nga thời gian qua cấm nhập nông sản và thực phẩm châu Âu nhưng vẫn cho phép các doanh nghiệp EU đầu tư sản xuất các mặt hàng bị cấm ở trong lãnh thổ Nga.

Thông tin công ty Russian Weapon Company quyết định mở nhà máy sản xuất súng AK-47 ở trong nước có thể khiến nhà sản xuất dòng súng trường huyền thoại M16 của Mỹ mất ngủ, bởi AK-47 được coi là đối thủ truyền kiếp của dòng súng này.

Trong lịch sử quân sự thế giới, AK-47 và các phiên bản của nó, cùng với AR-15 và bản cải tiến M16 luôn luôn tranh nhau ngôi vị số một trong các loại vũ khí cá nhân. Tuy AR-15 (M16) có tốc độ bắn nhanh, tầm bắn xa, độ chính xác cao nhưng uy lực và độ tin cậy kém hoàn toàn so với AK.

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, AK-47 đã thắng một cách thuyết phục nhờ tính đơn giản và hiệu quả, đặc biệt là sự phù hợp tuyệt đối của AK-47 với chiến thuật đánh gần, đánh đêm của Việt Nam. Kỹ năng điểm xạ hai viên một lần (bắn tắc cú) được Quân đội nhân dân Việt Nam trui rèn tới mức điêu luyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Quân đội Mỹ vừa ngưỡng mộ khả năng tác chiến của AK-47, lại vừa sợ hãi uy lực của nó. Đã có rất nhiều lý do đưa ra về việc lính Mỹ yêu thích AK-47, cụ thể, đây là loại súng được thiết kế với cơ cấu cò súng làm chậm phát đập búa để giảm tốc độ bắn, còn cơ cấu cò súng của M16 không thực hiện được điều này.