"Chỉ sử dụng vào thời khắc quyết định", nhưng J-20 Trung Quốc liệu có đủ sức đánh bại F-22 Mỹ?

ANTD.VN - J-20 của Trung Quốc là chiếc tiêm kích tàng hình thứ ba trên thế giới sau F-22 và F-35 đã được chấp nhận đưa vào biên chế chiến đấu.

Chengdu J-20 là chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 nhận được rất nhiều kỳ vọng từ giới quân sự Trung Quốc cũng như thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông quốc tế vì nó đã lật đổ ưu thế tuyệt đối của Không lực Hoa Kỳ.

Thậm chí với J-20, Bắc Kinh còn "đi sau về trước" Moskva cùng một loạt quốc gia khác trong cuộc đua chế tạo tiêm kích thế hệ 5.

Phó tổng giám đốc phụ trách khoa học và công nghệ của Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), ông Yang Wei tự tin cho biết, J-20 là máy bay tiêm kích tốt nhất Trung Quốc nên nó sẽ được sử dụng trong những thời khắc quan trọng nhất của cuộc chiến.

Cần nhớ lại rằng khi mới tiếp nhận J-20 vào biên chế, Không quân Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố rằng J-20 mới thực sự là bá chủ bầu trời, sở hữu nhiều công nghệ đi trước thời đại, thậm chí con người còn chưa từng biết tới, dĩ nhiên là tính năng chiến đấu của nó vượt trội so với "Chim ăn thịt" F-22 Raptor, vậy sự tự tin này của giới chức quân sự Đại lục liệu có quá đáng?

Chiến đấu cơ thế hệ 5 Lockheed Martin F-22 Raptor của Không lực Hoa Kỳ

Chiến đấu cơ thế hệ 5 Lockheed Martin F-22 Raptor của Không lực Hoa Kỳ

Trước tiên phải nhìn nhận rằng ưu thế lớn nhất của máy bay tàng hình nằm ở khả năng không chiến tầm xa, có thể tiêu diệt đối phương trước khi kẻ địch kịp nhận biết sự có mặt của mình trong vùng ảnh hưởng, do vậy đây là chỉ tiêu quan trọng nhất khi đặt hai loại tiêm kích tối tân này lên “bàn cân”.

Đối với F-22, thiết kế của nó được xem là lý tưởng nhất, tối ưu hóa đến mức gần như tuyệt đối cho việc tán xạ sóng radar.

Nhà sản xuất Lockheed Martin từng tiết lộ rằng tùy từng góc độ, nhưng diện tích phản xạ radar (RCS) của Raptor chỉ dao động quanh mức 0,0001 m2. Bên cạnh đó, lớp sơn phủ đặc biệt còn có tác dụng triệt tiêu 62% - 70% nguy cơ bị phát hiện, kể cả đối với radar cảnh giới mặt đất hoạt động trên băng tần VHF.

Nhìn sang J-20, nhiều nhận xét cho rằng nó đã học tập thiết kế của F-22, khiến cho việc phát hiện nó trên radar dẫn bắn của một chiếc tiêm kích khác cũng rất khó khăn.

Tuy nhiên người Mỹ đã tự tin phát biểu rằng Trung Quốc đi sau họ rất xa trong khai thác chiến đấu cơ thế hệ 5, chưa thể đảm bảo che phủ tuyệt đối toàn bộ diện tích máy bay trước khí tài trinh sát.

Ngoài ra kích thước tổng thể của J-20 cũng lớn hơn F-22, chi tiết đặc biệt nữa là tiêm kích Trung Quốc vẫn sử dụng cánh mũi, bộ phận này được ví như “tấm phản” cỡ lớn, khiến diện tích phản xạ radar của J-20 bị tăng vọt lên mức có thể bị phát hiện.

Tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 của Trung Quốc

Tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 của Trung Quốc

Sau hình dáng tổng thể, để thấy trước và bắn trước đối phương thì máy bay phải được lắp đặt một loại radar siêu tối tân.

Khí tài này trên F-22 Raptor là radar mảng pha quét chủ động (AESA) AN/APG-77, nó có thể phát hiện ra vật thể bay có RCS 1m2 từ cự ly 240 km.

Đến lô sản xuất thứ 5, chiếc tiêm kích này đã được trang bị biến thể nâng cấp AN/APG-77v1, tầm trinh sát tăng vọt lên tới 400 km, vượt xa bất kỳ đối thủ nào trên thế giới (hiện tại N035 Irbis của Su-35S có tầm trinh sát tương đương nhưng đó là vật thể có RCS 3m2).

Ăng ten mảng pha trên radar của F-22 có khả năng thay đổi tần số trên 1.000 lần mỗi giây, bộ vi xử lý với năng lực thực hiện 10,5 tỷ phép tính/giây, phần mềm gồm tới 1,7 triệu dòng mã, khiến cho khó có đối thủ nào qua mặt được.

Còn J-20, hiện tại Trung Quốc vẫn giữ bí mật về công năng thực sự của radar Type 1475 (KLJ-5), mặc dù gần đây nước này thu được nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ điện tử nhưng so với Mỹ thì vẫn còn khoảng cách rất xa, cho nên chưa có cơ sở nào để tin rằng tính năng của radar trang bị cho J-20 tiệm cận được với chức năng của AN/APG-77v1.

Một yếu tố nữa cũng cần phải xem xét, đó là tiêu chuẩn động cơ của tiêm kích thế hệ 5 phải giúp phi cơ bay hành trình với tốc độ siêu âm khi chưa bật tăng lực, ngoài ra còn phải triệt tiêu được cả tín hiệu hồng ngoại.

Đòi hỏi này, động cơ Pratt & Whitney F119-PW-100 của F-22 đáp ứng rất tốt, ngoài thiết kế đặc biệt che giấu luồng khí nóng xả ra, nó cung cấp lực đẩy khô 116 KN và lên tới trên 156 KN khi bật tăng lực, khiến vận tốc hành trình của F-22 duy trì ở mức độ khó tin là Mach 1,82 (tối đa Mach 2,25).

Trong khi đó động cơ WS-10 (hiện đang thử nghiệm loại WS-15) lắp cho J-20, theo nhận xét của nhiều chuyên gia quân sự thì đây chỉ là động cơ của tiêm kích thế hệ 4, sao chép thiết  kế AL-41F1S của Nga, nó không đạt được tiêu chí yêu cầu nào như những gì mà động cơ F-119 đã làm được.

Thêm nữa, lực đẩy của động cơ WS-10 hiện chỉ là 87 KN (khô) và 140 KN khi đốt nhiên liệu phụ trội, khiến tiêm kích J-20 khó mà đạt được khả năng cơ động cao như F-22.

Tóm lại sau khi phân tích một vài chỉ số chính, nếu xảy ra tình huống đối đầu giữa hai chiếc tiêm kích thế hệ 5 này, F-22 Raptor vẫn là người thấy trước và bắn trước J-20, tiêm kích Trung Quốc còn phải hoàn thiện nhiều mới đủ sức đe dọa vị thế thống trị bầu trời của "Chim ăn thịt".