3 kịch bản Trung Quốc “xử” Global Hawk của Mỹ trên Biển Đông

ANTĐ - Trong thời gian qua, việc Mỹ điều chiến hạm, máy bay tuần tra và cả siêu UAV RQ-4 Global Hawk đến trinh sát khu vực Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo trên Biển Đông khiến tình hình khu vực ngày càng nóng lên.

3 kịch bản Trung Quốc “xử” Global Hawk của Mỹ trên Biển Đông ảnh 1

Mỹ đã điều những phương tiện trinh sát tốt nhất đến Biển Đông

Mỹ liên tiếp điều Global Hawk, P-8A, LCS đến Biển Đông

Hiện cộng đồng quốc tế đang phản đối quyết liệt hành động của Trung Quốc hút cát, đào đắp mở rộng các rạn san hô, bãi đá ngầm trên Biển Đông, nhằm biến chúng thành các đảo nhân tạo, trái với luật lệ quốc tế, đồng thời có khá nhiều nước ủng hộ việc Mỹ cử máy bay và tàu chiến đến tuần tra trên Biển Đông.

Những tuyên bố của Mỹ về việc ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông đã được hiện thực hóa bằng việc điều các phương tiện trinh sát tối tân đến tuần tiễu trên Biển Đông.

Hồi giữa tháng này, trong khi đang tuần tra trên Biển Đông, tàu tác chiến ven bờ LCS-3 USS Fort Worth của Mỹ, mang theo máy bay không người lái MQ-8B Fire Scout và trực thăng MH-60 Seahawk đã bị tàu hộ vệ tên lửa Diêm Thành (số hiệu 546-Type 054A) của Trung Quốc bám theo sau.

Khi phát hiện tàu Diêm Thành đang bám đuổi, USS Fort Worth đã ra tín hiệu nhắc nhở tàu Trung Quốc rằng tàu của Mỹ đang hoạt động tại vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, chiếc tàu Trung Quốc cứ lẵng nhẵng bám đuôi tàu Mỹ cho đến khi chiếc LCS-3 hoàn tất chuyến tuần tra.

Ngày 21-5 đã diễn ra sự cố rất nghiêm trọng khi một máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8 Poseidon của không quân hải quân Mỹ đã phớt lờ sự cảnh cáo của Hải quân Trung Quốc, bay qua rạn san hô Chữ Thập, thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm giữ và bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

Máy bay trinh sát chiến lược không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ

Chiếc P-8 Poseidon bay trinh sát và chụp ảnh, quay camera trên hòn đảo nơi Trung Quốc thi công sân bay và các công trình phi pháp khác ở độ cao 4.572m. Theo tin của phóng viên CNN được mời tham gia chuyến tuần tra, Hải quân Trung Quốc đã 8 lần cảnh cáo, yêu cầu tổ lái Mỹ rời khỏi khu vực.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russel cũng tuyên bố: “Máy bay quân sự Mỹ có thể bay qua vùng biển quốc tế, kể cả trong trường hợp bị thách thức và đe dọa, bởi mỗi quốc gia có quyền tiếp cận không giới hạn không phận và hải phận quốc tế”.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng đã phát biểu tại Jakarta hôm 21-5, cáo buộc Trung Quốc “đang làm suy yếu tình hình tự do ổn định và gây căng thẳng" trong khu vực, đe dọa dẫn đến xung đột.

Tuy nhiên, hiện nay các máy bay giám sát P-8A và tàu hải quân Mỹ tuần tra ở Biển Đông chưa tiến vào hoạt động trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo, nhưng các quan chức Washington khẳng định, điều này sẽ là bước tiếp theo.

Những tuyên bố của Mỹ về khả năng tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý, cách cáo đảo Trung Quốc đang xây dựng trái phép, đã khiến nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về khả năng gia tăng căng thẳng khi hai bên đối đầu ở vùng biển có các tuyến đường biển quan trọng bậc nhất với thương mại toàn cầu.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhìn máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ ngày 20-5

3 kịch bản Trung Quốc xử UAV Glabal Hawk trên Biển Đông

Chắc chắn Trung Quốc sẽ không dám đưa ra những hành động quyết liệt với các tàu tuần tra và P-8A của Mỹ bởi chúng là các phương tiện có người lái và được trang bị vũ khí, mỗi va chạm sẽ gây ra thiệt hại về sinh mạng con người, tiềm ẩn nguy cơ xung đột bùng phát triển Biển Đông, mà vụ va chạm EP-3E năm 2001 là minh chứng rõ nét nhất.

Trong đối đầu các nước lớn ở thế kỷ 21, lí luận “Tác chiến phi tiếp xúc” xác định đây là hình thái tác chiến có mức độ rủi ro thấp nhất, sự xuất hiện của các phương tiện bay không người lái sẽ giúp hạn chế sự leo thang đối đầu vũ trang giữa các nước với nhau, đặc biệt giữa các cường quốc quân sự.

Bởi vậy, Trung Quốc hẳn sẽ tập trung vào “xử lý” chiếc UAV trinh sát chiến lược của Mỹ bởi những vụ việc có liên quan đến phương tiện không người lái thì tính chất của nó cũng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Xử lý các phương tiện này có thể giúp hạn chế sự leo thang đối đầu vũ trang giữa Washington và Bắc Kinh.

Bắc Kinh có thể sử dụng 3 phương pháp bắn hạ, bắt sống và gây nhiễu toàn bộ hoạt động của chúng.

Gây nhiễu quá trình trinh sát của Global Hawk

Trang tin Washington Free Beacon dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng, ít nhất 1 lần Trung Quốc đã tìm cách chế áp điện tử nhằm vào máy bay trinh sát chiến lược không người lái Global Hawk của Mỹ, khi nó đang giám sát các đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng phi pháp ở Biển Đông.

Tàu hộ vệ tên lửa Diêm Thành (số hiệu 546-Type 054A) của Trung Quốc bám theo  tàu tác chiến ven bờ LCS-3 USS Fort Worth của Mỹ

Chi tiết về việc Trung Quốc gây nghẽn tín hiệu UAV Mỹ là bí mật quân sự. Các quan chức Mỹ chỉ cho biết hoạt động trên diễn ra khi chiếc UAV hoạt động tại khu vực gần quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở quân sự trên Đá Chữ Thập và nhiều điểm chiếm đóng trái phép khác.

Sự hiện diện của Global Hawk tại châu Á đã được ông David Shear, Trợ lý‎ Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh châu Á Thái Bình Dương, xác nhận. Ông nói rằng, việc những chiếc UAV này được triển khai tới Nhật Bản và Guam nằm trong chính sách tăng cường sự hiện diện quân sự Mỹ ở châu Á.

Theo phân tích, sử dụng biện pháp gây nhiễu điện tử để vô hiệu hóa các thiết bị trinh sát của Global Hawk là phương án hoàn hảo nhất, tránh gây thiệt hại về con người và vũ khí trang bị.

Hơn nữa, nếu Trung Quốc đã có đủ khả năng áp chế RQ-4 thì họ cũng sẽ làm im bặt radar của các chiến hạm và máy bay tuần tiễu chống ngầm Mỹ, khiến chúng bay hoặc hành trình thoải mái trên Biển Đông một cách “vô hại” mà không phải đưa ra các biện pháp mang tính cực đoan.

Bắn hạ Global Hawk

Để bắn hạ một chiếc máy bay trinh sát không người lái máy bay là điều rất đơn giản bởi nó có trần bay không cao, tốc độ thấp và đặc biệt là không hề biết “né tránh” hỏa lực của đối phương.

Hình ảnh vệ tinh căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, vòng tròn màu đỏ là máy bay không người lái "Global Hawk"

Thuận lợi nhất là các máy bay chiến đấu sử dụng súng máy trực tiếp ngắm bắn tiêu diệt UAV. Tuy nhiên, do giá thành sử dụng máy bay không người lái rất thấp, giả sử Mỹ sử dụng cả các loại UAV chiến thuật phóng từ chiến hạm, xuất kích liên tục sẽ khiến cho máy bay chiến đấu của Trung Quốc phải hoạt động đến kiệt quệ.

Hiện Trung Quốc chỉ có các máy bay chiến đấu xuất kích từ đất liền nên chúng khó có thể duy trì một biên đội máy bay tiêm kích và máy bay tiếp dầu quần thảo liên  tục trên không để “săn” các UAV này. Bởi vậy, phương án sử dụng máy bay chiến đấu để hạ UAV là không khả thi.

Với tốc độ bay rất chậm và trần bay thấp của máy bay trinh sát không người lái, không cần huy động các máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không tầm trung, mà chỉ cần các loại pháo phòng không tầm gần của chiến hạm và lực lượng bảo vệ bờ biển, thậm chí của tàu cảnh sát biển cũng có thể bắn rơi các loại UAV này.

Nếu sử dụng cả máy bay cảnh báo sớm xác định vị trí mục tiêu, có thể phá hủy những phương tiện bay “thông minh” nhưng cũng rất “ngu dại” này từ rất sớm.

Tuy nhiên, phương án này cũng chưa chắc đã được Trung Quốc áp dụng bởi mỗi chiếc máy bay trinh sát chiến lược không người lái RQ-4 Global Hawk có giá lên tới vài trăm triệu USD, với rất nhiều thiết bị trinh sát tiên tiến nên việc bắn hạ chúng có thể khiến Mỹ cực kỳ tức giận, gây ra những căng thẳng không đáng có.

Ép hạ cánh, bắt sống UAV

Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A Poseidon của Mỹ

Tuy nhiên, cần phải xét đến vấn đề, sau khi bắn rơi Mỹ sẽ đáp trả ra sao? Làm thế nào để kiểm soát được tình hình leo thang? Đây mới là những vấn đề cần phải xem xét trong chiến tranh phi tiếp xúc. Vì thế, phương pháp cướp quyền điều khiển, ép máy bay hạ cánh có thể là một giải pháp hữu hiệu.

Đây là phương án được Trung Quốc ưa thích nhất bởi khi đó họ sẽ bắt được loại UAV trinh sát số 1 thế giới để mổ xẻ và tìm hiểu công nghệ chế tạo máy bay và các thiết bị trinh sát, tác chiến điện tử của nó, giống như vụ Iran bắt sống UAV trinh sát RQ-170 Sentinel của Mỹ ngày 4-12-2011.

Trong tương lai, có thể Trung Quốc sẽ gây nhiễu điện từ để phá tín hiệu điều khiển từ các trung tâm chỉ huy phát trên đường truyền vệ tinh, rồi sau đó can thiệp vào hệ thống chỉ huy-điều khiển tự thân UAV, buộc nó phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam hay khu vực sát bờ biển của nước này.

Nếu Trung Quốc thành công, nguy cơ xung đột nổ ra giữa hai bên là rất nhỏ vì không có thiệt hại về con người. Tuy nhiên, nếu UAV này rơi trên biển thì các lực lượng Mỹ có thể phong tỏa khu vực rơi để bảo vệ nó không rơi vào tay nước này, sau đó tìm biện pháp xử lý.

Trung Quốc bắt sống được Global Hawk, chắc chắn sẽ khiến giữa 2 bên có những căng thẳng về mặt ngoại giao và Mỹ sẽ phải tìm một biện pháp nào đó để trao đổi, bởi Washington không bao giờ muốn Bắc Kinh nắm được công nghệ chế tạo UAV chiến lược cỡ lớn và hệ thống thiết bị trinh sát của mình.