Vụ nhân viên rửa xe ô tô gây tai nạn khiến 5 người bị thương: Ai phải bồi thường?

ANTD.VN -Cách đây ít ngày, một nhân viên của cơ sở rửa xe trên đường Vũ Đức Thuận, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội trong khi điều khiển xe của khách ra khu vực sấy khô đã đạp nhầm chân ga đâm vào khu vực đối diện khiến 5 người bị thương…Điều khiến dư luận quan tâm là, sau những vụ việc này, ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, 5 nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Người điều khiển xe ô tô gây tai nạn đã đến cơ quan công an trình diện.

Đáng buồn, đây không phải là sự việc hiếm gặp. Trước đó, bị cáo Nguyễn Quang Vinh (ngụ ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội), nhân viên một cửa hàng rửa xe đã tự ý lấy xe Camry của khách lái tông chết 3 người trên phố Ái Mộ đã bị tuyên phạt 10 năm tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Bị cáo này là phụ rửa xe cho chủ một cửa hàng rửa xe ô tô tại phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, không có giấy phép lái xe ô tô. Tuy vậy, khi thấy chìa khóa xe của khách đến rửa xe cắm trong ổ, Vinh đã vào trong xe nổ máy, thấy xe báo lỗi nên mang xe đến gara ô tô để sửa. Trên đường đi, do không làm chủ được tốc độ, Vinh đã lấn sang làn đường bên trái, đâm trực diện vào xe máy của người đối diện khiến 3 người thiệt mạng tại chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn tại một điểm rửa xe ở quận Long Biên, Hà Nội cách đây ít ngày

Có thể nói, thời gian qua, các vụ tai nạn ô tô do nhân viên tại các điểm trông giữ xe, rửa xe đã diễn ra  khá phổ biến. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn nhiều chủ xe, chủ điểm trông giữ xe tỏ ra khá mơ hồ về các quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường vì cho rằng người nào điều khiển xe, người đó phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Hoàng Huy Được – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, nếu xảy ra thiệt hại, để xác định nghĩa vụ bồi thường cần làm rõ lỗi thuộc về ai. Đối với các vụ tai nạn, trách nhiệm này trước hết thuộc về người trực tiếp gây tai nạn là nhân viên trông xe hoặc rửa xe. Tuy nhiên, tùy theo thỏa thuận, giao kết giữa nhân viên lái xe, người đã giao xe, chủ sở hữu xe khi chuyển giao xe ôtô mà các chủ thể này cũng có thể phải liên đới bồi thường.

Cụ thể, trường hợp chủ cơ sở rửa, trông giữ xe do quản lý và giám sát người lao động không chặt chẽ, để cho nhân viên không có Giấy phép lái xe tự ý lái xe của khách ra ngoài hoặc giao xe cho nhân viên khi biết rõ người đó không có bằng lái, sau đó gây tai nạn thì họ phải chịu trách nhiệm liên đới.

Cũng theo Luật sư Hoàng Huy Được, khi chủ xe đã đưa xe vào bãi để gửi, rửa xe thì hai bên coi như đã giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản nên chủ bãi xe có trách nhiệm bảo toàn tài sản cho chủ xe. Điều 554 BLDS 2015 quy định, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ...Bên giữ tài sản có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu chủ xe giao xe ôtô cho người mà học biết rõ là không có Giấy phép lái xe, thậm chí còn đang ở tuổi vị thành niên… thì phải chịu trách nhiệm liên đới nếu có hậu quả xảy ra. Còn nếu chủ xe không biết rõ về tình trạng này vẫn giao xe thì vẫn phải chịu trách nhiệm với lỗi vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.

 Điều 264 BLHS 2015 về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định, người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp luật định thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Còn trong trường hợp nhân viên trông giữ xe, rửa xe tự ý lái xe gây tai nạn giao thông thì có thể bị xử lý theo Điều 260 BLHS 2015 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp quy định, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.