Vi phạm bản quyền phim "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng" xử lý ra sao?

ANTD.VN -Hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền đang có xu hướng gia tăng và diễn biến theo chiều hướng thách thức các đơn vị nắm quyền. Vi phạm bản quyền đối với một số bộ phim “hot” thời gian qua như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” là ví dụ điển hình cho tình trạng này.

“Nóng” hiện tượng ăn theo “người phán xử”, “Sống chung…”

Theo Luật sư Phạm Duy Khương - Đoàn Luật sư Hà Nội, 2 bộ phim trên đang thu hút đông người theo dõi và ngày càng “nóng”. “Nóng” không chỉ đơn thuần do những tình tiết của bộ phim mà còn “nóng” bởi các hiện tượng “ăn theo” từ những bộ phim này.

Một trong vấn nạn của việc “ăn theo” là xâm phạm bản quyền của đơn vị nắm tác quyền của bộ phim bất chấp nhận được nhiều lời cảnh báo. Mặc dù VTV đã tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật để báo cáo về tình trạng vi phạm bản quyền với  những bộ phim này nhưng việc vi phạm bản quyền lại như nấm mọc sau mưa và rất khó có thể xử lý được triệt để.

Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng được đăng tải tràn lan trên nhiều website

xem phim trực tuyến

Việc vi phạm trở nên đặc biệt phổ biến đối với những đoạn phim hài ngắn kết hợp hai bộ phim “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”. Những bộ phim này bằng cách nào đó được tải về và đăng lại bởi các website không thuộc sở hữu của VTV và không mua bản quyền sử dụng sản phẩm của VTV, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích kinh tế của VTV.

Các hành vi vi phạm phổ biến như xoá, chèn logo, thay đổi lời thoại, nhạc nền, trong đó có bao gồm việc quảng cáo cho sản phẩm dịch vụ nhất định khác, nghĩa là có mục đích kinh doanh. Vi phạm diễn ra trên khoảng 10 website, 7 ứng dụng OTT (Over - The- Top), tràn lan trên facebook và youtube.

Cũng theo Luật sư Phạm Duy Khương, qua những vụ vi phạm bản quyền trên có thể thấy mối nguy hại của ứng dụng OTT. Trong nhiều thách thức đối với bên nắm tác quyền thì ứng dụng OTT cung cấp nội dung xuyên biên giới cho thấy sự đe doạ của mình với sự tồn tại của các nhà phát triển nội dung trả tiền bản quyền, trong đó có các nhà đài. Trong khi đó, ứng dụng này có thể được phát triển bởi nhiều cá nhân độc lập hoặc một tổ chức khó xác định.

Có xử lý vi phạm bản quyền được không?

Trả lời câu hỏi trên, Luật sư Phạm Duy Khương nhận định, đối với trường hợp khó xử lý thì vấn đề mấu chốt nằm ở máy chủ của bên xâm phạm bản quyền thường đặt ở nước ngoài. Với trường hợp này, để xử lý được không hề đơn giản bởi cần phải xác định những yếu tố cơ bản như nước đặt máy chủ có hệ thống luật sở hữu trí tuệ đủ mạnh để xử lý hay không? Nếu không thì chắc chắn không xử lý được. Ngược lại, nếu có hệ thống sở hữu trí tuệ đủ mạnh thì một vấn đề khác lại đặt ra là đơn vị nắm quyền có sẵn sàng đầu tư kinh phí để theo đuổi vụ việc hay không? 

Luật sư Phạm Duy Khương - Đoàn Luật sư Hà Nội

Còn với trường hợp máy chủ được đặt ở Việt Nam, nếu xác định được thông tin của bên vi phạm thì bên có quyền có thể yêu cầu Thanh tra Sở VH, TT&DL (hoặc cấp Bộ) tiến hành xử lý thay vì đơn giản chỉ dừng lại ở mức gửi thư cảnh báo, dùng biện pháp kỹ thuật để báo cáo. Người vi phạm thực sự chỉ nhận thức được nếu họ bị áp chế tài đủ mạnh. Nếu không, mọi việc sẽ được tiếp tục dưới một hình thức khác tinh vi hơn.

Ngoài ra, nếu đơn vị nắm tác quyền hai bộ phim của VTV đang gây chú ý dư luận là “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” xác minh được thiệt hại thì có thể khởi kiện ra toà để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, quá trình rất tốn thời gian để theo đuổi nhưng chưa biết kết quả ra sao bởi những hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành.

Liên quan đến ứng dụng OTT hay các trang web chứa nội dung xâm phạm bản quyền, chủ các ứng dụng thường chọn mục tiêu hay thị trường là những nước có nền thực thi về sở hữu trí tuệ yếu kém, nhận thức chung về bản quyền yếu, quyết tâm chống vi phạm bản quyền của chủ sở hữu quyền chưa quyết liệt.

“Thực tế cho thấy, nếu vấn đề chỉ dừng lại ở cảnh báo, nhắc nhở hành vi vi phạm bản quyền thì tính răn đe không cao, dù những người vi phạm là những người “không có tóc” nhưng nếu có cơ sở để tìm được thì phải xử lý điểm, làm tới cùng, có như vậy mới đủ sức răn đe. Nếu không, Việt Nam mãi sẽ là điểm chết của ngành công nghiệp sáng tạo” – Luật sư Phạm Duy Khương bày tỏ quan điểm.