Vạch trần những thủ đoạn cất giấu hàng lậu, vô hiệu hóa cả thiết bị an ninh

ANTD.VN - Hàng hóa có giá càng cao thì thủ đoạn cất giấu, vận chuyển của các đối tượng buôn lậu càng tinh vi và xảo quyệt. Thủ đoạn vận chuyển hàng lậu đã được đối tượng buôn lậu thực hiện rất bài bản và nâng lên tầm “nghệ thuật”. 

Ngà voi được cất giấu trong bụng cá hồi

Hiện nay, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng những thủ đoạn như gia cố, chế tạo thêm nơi giấu hàng bí mật trên các phương tiện vận chuyển là ca nô 2 đáy, hầm chứa dầu, mui xe hai ngăn, lốp xe... hoặc xếp hàng hợp pháp, hàng nặng, hàng bẩn thỉu, nặng mùi để lẫn với hàng lậu. Mới nhất, ngày   16-5, một đoàn xe tải vận chuyển hàng trăm tấn đường nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia về quận Bình Tân (TP.HCM) được cất giấu trong thùng xe tải. Để qua mặt lực lượng chức năng, chủ hàng đã ngụy trang những chiếc xe tải này thành xe chở rác thải. 

Đủ cách qua mặt cơ quan chức năng

Trước đó, ngày 4-5, trên chuyến bay từ châu Phi về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất có một phụ nữ nhập cảnh với nhiều dấu hiệu khả nghi. Trước những dấu hiệu nghi vấn, lực lượng Hải quan sân bay đã yêu cầu nữ hành khách thực hiện quy định kiểm tra hành lý. Ban đầu, máy soi xác định trong những vali hành lý của nữ khách này chỉ là cá hồi và sữa hộp.

Tuy nhiên, qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện bên trong chứa cả một “kho hàng” gồm vòng đeo tay, đồ trang sức nghi vấn làm bằng ngà voi châu Phi và 200 gram vảy tê tê. Tổng trọng lượng số hàng này khoảng 4kg, có giá trị trên thị trường khoảng 250 triệu đồng.

Thông tin với phóng viên, đại diện Hải quan Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất cũng cho hay, đây không phải là vụ  vận chuyển hàng lậu đầu tiên được phát hiện, thu giữ. Trước đó, 5kg sừng tê giác cũng được nhét, trộn lẫn trong nhiều vật dụng, sản phẩm khác nhau để qua mặt lực lượng làm nhiệm vụ tại sân bay và máy soi chiếu.

Nếu so sánh về số lượng thì vụ việc trên cũng chưa thấm vào đâu so với vụ 4 tấn ngà voi mà Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM và các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện, thu giữ tại cảng Cát Lái, TP.HCM. Số lượng ngà voi này được cất giấu bên trong các hộp gỗ xoan đào đổ lẫn cùng thạch cao. Ít ngày sau, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 594kg ngà voi và 270kg vẩy tê tê được giấu tinh vi trong các hộp gỗ đóng kín. 

Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm

Khi buôn lậu những mặt hàng có giá trị cao, các đối tượng thường chọn đường hàng không để vận chuyển, rút ngắn được quãng thời gian vận chuyển, hạn chế tối đa rủi ro bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện. 

Ngoài đường hàng không, một phương thức vận chuyển khác được các đối tượng lựa chọn là đường hàng hải. Tuy nhiên, đường hàng hải chỉ được lựa chọn khi số lượng hàng hóa cực lớn. Dù vận chuyển bằng phương thức nào thì cũng đều có một điểm chung là, thủ đoạn cất giấu hàng rất tinh vi. Ngoài việc hóa trang, độn lẫn cùng các loại hàng hóa khác, nhiều đối tượng còn sử dụng cả hóa chất để làm “mờ” camera của máy soi.

Ông Vũ Việt Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I dẫn chứng trong 3 vụ phát hiện, bắt giữ ngà voi nhập lậu ở cảng Cái Lái cho thấy, các đối tượng đều sử dụng chiêu thức nhét ngà voi vào trong các khúc gỗ rỗng rồi đổ thạch cao, trộn mùn cưa để ngụy trang. Những mặt hàng có nhiều chi tiết sẽ được chúng tháo rời để giấu vào nhiều nơi khác nhau. Việc chia nhỏ hàng hóa sẽ giúp cho các đối tượng dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng, nếu như cơ quan này không kiểm tra kỹ. 

Tinh vi hơn chính là việc sử dụng hóa chất để bọc hàng hóa. Khi đưa qua máy soi, số hóa chất này sẽ giúp tạo nên hình ảnh đồng nhất với thạch cao, cao lanh. Những lô hàng này rất khó phát hiện bằng mắt thường. Thậm chí, khi đưa vào máy soi, hệ thống “mắt thần” của máy cũng chỉ lờ mờ chụp được hình ảnh nghi vấn, chứ rất khó nhận diện được chính xác hàng hóa. 

Cũng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đối với những sản phẩm có giá trị lớn, nếu không phải là những đối tượng có “máu mặt” hoặc được tổ chức kín kẽ bằng các đường dây buôn lậu thì hiếm người nào có thể buôn lậu được mặt hàng này. Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Lương Bắc, Chi cục phó Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Nội Bài cho biết: “Để chặn đứng những vụ buôn lậu như trên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành chức năng ngay từ cửa khẩu, các khâu kiểm tra hàng hóa lên tàu, máy bay. Chế tài xử lý đối với những vụ việc này cũng cần phải được siết chặt”. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế đấu tranh chống tội phạm buôn lậu cho thấy, ở những vụ buôn lậu lớn, đối tượng phạm tội trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thường không chịu khai báo, khai báo sai, quanh co, cầm chừng, đổ lỗi cho những đối tượng đã bỏ trốn hoặc những đối tượng người nước ngoài, hay vừa khai báo vừa thăm dò.

Ngược lại, do bị khống chế, mua chuộc, nhiều đối tượng buôn lậu khi bị bắt giữ lại nhận tội một mình, không khai báo đồng bọn, tin tưởng ở tổ chức, đường dây sẽ “chạy” tội cho mình, sẽ đối xử tốt với gia đình, người thân. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra, truy xét đến cùng các đối tượng vi phạm.