Từ 1/7/2018: Người dân có quyền yêu cầu chính quyền cung cấp thông tin

ANTD.VN -Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định, từ 1/7/2018, người dân có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin chính sách, trừ những thông tin thuộc bí mật Nhà nước.

Luật Tiếp cận thông tin 2016 cho phép người dân chuyển từ tâm thế “thụ động” sang “chủ động tiếp cận thông tin”. Theo luật này, công dân được tiếp cận bằng hai cách: Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân.

Thông tin nhà nước phải công khai bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật; thông tin hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật, nội dung và kết quả trưng cầu, tiếp thu ý kiến của nhân dân; chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch; thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công…

Người dân có quyền tiếp cận thông tin từ nhiều kênh khác nhau

Cơ quan nhà nước bắt buộc phải đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử để người dân tiết kiệm chi phí khi tiếp cận, bao gồm: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện...

Luật cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Đó là việc cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin ; Cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực ; Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức ; Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

Luật cũng cho phép tiếp cận những thông tin thuộc diện bí mật song có kèm điều kiện. Người dân có thể được nắm thông tin liên quan bí mật kinh doanh nếu chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý. Thông tin liên quan bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình được tiếp cận trong trường hợp người đó, gia đình đó đồng ý.

Cũng từ 1/7/2018, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Luật này quy định đối tượng yêu cầu bồi thường rất cụ thể và mở rộng gồm: Người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại, tổ chức bị thiệt hại, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện đương nhiên; người được ủy quyền.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường cũng được nới rộng từ 2 lên 3 năm. Trong đó quyền yêu cầu khôi phục danh dự thì không có thời hạn, mà bất cứ lúc nào họ yêu cầu đều phải tiến hành.

Trong luật, nguyên tắc bồi thường của Nhà nước cũng được quy định rất rõ: Phải bảo đảm kịp thời, công khai, đúng pháp luật; Bảo đảm sự thương lượng cho quá trình giải quyết bồi thường, bởi bồi thường Nhà nước là loại bồi thường đặc biệt ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự.

Ngoài 2 luật trên, 7 Luật quan trọng khác gồm Luật Quản lý nợ công 2017, Luật Cảnh vệ,  Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Luật Thủy lợi, Luật Đường sắt 2017, Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCNVN ở nước ngoài (sửa đổi) cũng có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.