Lật tẩy âm mưu gây rối, kích động bạo loạn (Bài 5):

Phải xử lý nghiêm minh những kẻ chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng Công an và nhân dân

ANTD.VN - Sau bài viết: “Nhận diện và xử lý nghiêm các đối tượng giả danh Công an gây rối an ninh trật tự”, Báo ANTĐ đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc lên án gay gắt và đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm động cơ của những kẻ giả danh Công an.

Chia sẻ với PV Báo ANTĐ, bà Bùi Cẩm Thạch (trú ở khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội) bức xúc: qua theo dõi thông tin trên báo chí, tôi được biết những ngày vừa qua, tại một số địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện một số đối tượng giả danh Công an trà trộn vào nơi tụ tập đông người, gây ra các hành động kích động, cố ý dàn dựng, tổ chức các hành động khiêu khích, để quay phim, chụp ảnh nhằm vu khống, kích động người dân trong và ngoài nước, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng Công an và nhân dân.

Các đối tượng có hành vi giả danh Công an bị lật tẩy

Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm và thâm độc nhằm làm mất uy tín của lực lượng thực thi pháp luật. Do vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải hết sức cảnh giác với thủ đoạn mới này. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nắm rõ cách nhận biết đối tượng giả danh Công an. Nếu thấy dấu hiệu khả nghi, cần yêu cầu các đối tượng này xuất trình giấy tờ, và nếu họ không thực hiện cần báo ngay cơ quan chức năng trên địa bàn.

Bà Bùi Cẩm Thạch nhìn nhận thêm một vấn đề khác, đó là một số đối tượng thực hiện hành vi trên do bị xúi giục, mua chuộc. Do đó, ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng này, cơ quan chức năng cần làm rõ, vạch mặt những kẻ chủ mưu đứng sau giật dây và trừng trị nghiêm khắc để làm gương. Bên cạnh đó, để giải quyết triệt để hiện tượng giả danh Công an để gây rối hay thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, các ban ngành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm những đối tượng mua bán, sử dụng các loại trang phục giả, nhái của lực lượng Công an, Quân đội.

Trao đổi về hiện tượng đối tượng xấu giả danh Công an, chị Đào Thị Bích Hà (SN 1984, trú ở quận Hà Đông, Hà Nội) đánh giá, bản chất của đối tượng là lợi dụng lòng tin của người dân nhằm hạ thấp uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an.

Bức xúc về những vụ việc đối tượng giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hay xúi giục, kích động người dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chị Hà bày tỏ: đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần được xử lý nghiêm. Bởi lẽ, đối với người dân, lực lượng CAND luôn là chỗ dựa niềm tin, những người bảo vệ người dân, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm.

“Mỗi khi ra đường vào đêm tối, có bóng dáng của lực lượng Công an đi tuần tra chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều. Thậm chí, khi có sự vụ liên quan đến ANTT, chúng tôi đều tìm đến các chiến sỹ Công an để nhờ giúp đỡ, giải quyết. Có lẽ, chính vì sự tin tưởng của người dân đối với lực lượng CAND nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để làm việc xấu”, chị Hà nêu quan điểm, và mong muốn cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng này để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, tránh để người dân bị lợi dụng, lừa đảo. Đồng thời qua đó cũng giúp người dân tin tưởng hơn nữa về lực lượng CAND.

“Hết sức nguy hiểm và tráo trở”, đó là suy nghĩ của ông Nguyễn Hữu Bính (trú ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trước hiện tượng đối tượng xấu giả danh lực lượng Công an, Quân đội, để thực hiện ý đồ bất minh. Theo dõi chặt chẽ những sự việc diễn ra ở một số địa phương thời gian gần đây, ông Nguyễn Hữu Bính phân tích ngắn gọn: “Dù là kẻ chủ mưu hay bị giật dây, nhưng ý đồ và hành vi của các đối tượng giả danh Công an là hết sức nguy hiểm. Việc thực hiện hành này của đối tượng chắc chắn không đơn lẻ. Chúng phải có đồng bọn, và tùy theo diễn biến tại thời điểm có mặt, chúng sẽ tìm mọi cách thực hiện ý đồ nhằm làm xấu hình ảnh lực lượng CAND, những người bảo vệ sự bình yên của nhân dân, xã hội”.

Ông Nguyễn Hữu Bính cũng nêu một ví dụ khác minh chứng cho dã tâm của những kẻ cơ hội, chống đối, là vừa tìm mọi cách gây phức tạp về ANTT, vừa xuyên tạc, vu khống lực lượng chức năng. Đó là trường hợp đối tượng Nguyễn Minh Kha (18 tuổi, trú tại Hải Tân 3, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Liên quan đến vụ gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản và chống người thi hành công vụ xảy ra tại huyện Tuy Phong vào ngày 10 và 11-6, Cơ quan CSĐT CAH Tuy Phong đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 10 đối tượng.

CQĐT đã thực hiện bắt tạm giam 9 đối tượng, riêng Nguyễn Minh Kha đã bỏ trốn khỏi địa phương. Đáng chú ý, đối tượng Kha và người nhà đã trả lời phỏng vấn của đài RFA, vu cáo bị Công an đánh bị thương nặng và đang cấp cứu. Thực tế ngày 16-6, Kha chụp X quang tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Bình Thuận xác định không có tình trạng tổn thương như thông tin mà đối tượng đã trả lời trong clip của đài RFA và đăng tải trên mạng Internet.

“Mọi người dân cần hết sức tỉnh táo và có thái độ quyết liệt đối với trò giả danh Công an. Bởi một khi đối tượng xấu đã dám giả danh, dám nhắm đến lực lượng thực thi pháp luật để bôi nhọ, để thực hiện hành vi phạm tội, thì sẽ không điều gì chúng không dám làm”, ông Bính nhìn nhận.