Hai phụ nữ bị bắt vì đánh ghen ở Hải Phòng: Ghen tuông cũng cần đúng luật!

ANTD.VN - Ngày 8-5 vừa qua, CAH Tiên Lãng (TP Hải Phòng) đã tạm giữ hình sự 2 phụ nữ để điều tra về hành vi làm nhục người khác khi đánh ghen, quay clip và tung lên mạng xã hội. Sau sự việc này, vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu những người đi đánh ghen có bị phạt tù?

“Đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”

Trước đó, vào chiều tối 1-5, tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, P.T.M (36 tuổi) đã cùng một số người khác đã chặn xe, lột quần áo, đánh đập, chửi bới, cắt tóc và lôi chị B.T.Q (31 tuổi) trên đường làng khiến nạn nhân bị trầy xước, bầm tím nhiều chỗ trên cơ thể, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiên Lãng. Trong quá trình làm nhục, các đối tượng đã quay clip ghi lại hình ảnh rồi tung lên mạng xã hội Facebook.

Do vậy, nạn nhân đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Theo kết quả điều tra ban đầu, nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên là do P.T.M cho rằng B.T.Q có quan hệ tình cảm với chồng mình nên đã cùng một số người khác tổ chức đánh ghen nhằm dằn mặt “tình địch”.

Việc làm nhục, hành hung người khác có thể bị xử lý hình sự

Sự việc trên chỉ là một trong hàng trăm vụ đánh ghen xảy ra trong thời gian gần đây. Đáng buồn là sau những vụ việc này, những nngười phụ nữ vốn là nạn nhân, bị chồng phụ bạc không những không được hả hê, không giữ được hạnh phúc gia đình lại trở thành kẻ phạm tội, bị vướng vào vòng lao lý.

Ở góc độ tâm lý, phân tích về lý do dẫn đến các vụ đánh ghen, PGS.TS Tâm lý Trịnh Hòa Bình cho rằng, với suy nghĩ việc “xử lý” những kẻ đi cướp chồng người khác là hoàn toàn chính đáng nên không ít người phụ nữ đã lập kế hoạch để cho những đối tượng này một “bài học” nhớ đời. Với sự hỗ trợ của công nghệ và mạng xã hội, họ đánh đập, hành hạ người mà họ cho là “tình địch” của mình, quay video và tung lên mạng để tất cả mọi người cùng thấy “bộ mặt thật” của những kẻ “cướp” chồng. Họ làm như thế để thỏa mãn cơn ghen mà không biết rằng hành vi đó vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, tùy theo cách thức thực hiện và tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, người đánh ghen có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm nhục người khác” hoặc tội “cố ý gây thương tích”, thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cùng một lúc cả hai tội danh này.

Về xử lý hành chính, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, người “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300.000 đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể  bị xử lý hình sự. Điều 155 BLHS 2015 về tội làm nhục người khách quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…

Trường hợp hành vi đánh ghen gây thương tích, căn cứ vào kết quả giám định, yêu cầu khởi tố của người bị hại, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134 BLHS 2015 với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Ghen tuông cũng không thể phạm luật

Cũng theo Tiến sỹ Tâm lý Trịnh Hòa Bình, đành rằng “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, mục đích đánh ghen của người phụ nữ nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tuy vậy, việc làm này lại đẩy gia đình đến bờ vực thẳm nhanh hơn vì nó không chỉ làm nhục người thứ ba mà còn ảnh hưởng đến tình cảm của cả hai vợ chồng. Sau khi chứng kiến vợ hành hạ, đánh đập tình địch, nhiều người chồng càng có ác cảm hơn với vợ và thấy khó có thể tiếp tục sống với người phụ nữ có hành vi bạo lực như vậy.

Có nhiều cách để giữ chồng, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nếu phát hiện chồng ngoại tình, thay vì lên kế hoạch trả thù, người vợ hãy lựa chọn cách xử lý khôn ngoan như nói chuyện với người chồng, lắng nghe họ giải thích, từ đó điều chỉnh bản thân  cho phù hợp.

"Trường hợp người chồng kiên quyết rũ bỏ vợ con để chạy theo “tình địch”, người vợ có thể thu thập chứng cứ về việc ngoại tình của chồng và “bồ”, tố cáo đến cơ quan chức năng để được xem xét xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này" - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho biết.

Cụ thể, về xử phạt hành chính, điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định, người nào có hành vi: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;...sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Về xử lý hình sự, người có hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 BLHS 2015. Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng -1 năm.