Giả đi làm từ thiện để bán tăm giá cao

ANTD.VN - Lợi dụng tờ giấy bán tăm từ thiện giả, hết hạn của các cơ sở từ thiện, các đối tượng đã đi “lòe” được khá nhiều người tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Dù đã bị CAP Tràng Tiền, CAQ Hoàn Kiếm xử phạt hành chính nhiều lần, nhưng chúng vẫn “ngựa quen đường cũ”.

Trước tình hình trên, CAQ Hoàn Kiếm đã có công văn gửi đến  chính quyền địa phương nơi đối tượng vi phạm sinh sống, để phối hợp quản lý, giáo dục. Hiện CAQ Hoàn Kiếm đang chỉ đạo lực lượng CSHS, CSTT cùng Công an các phường quản lý địa bàn khu vực xung quanh không gian phố đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm tăng cường tuần tra, chủ động phát hiện, ngăn chặn không để vi phạm tái diễn.

Bán tăm “từ thiện” chặt chém

Ngày 17-2, trên một số mạng xã hội xuất hiện thông tin một bà cụ ra tay nghĩa hiệp “giải cứu” nam thanh niên bị nhóm đối tượng bán tăm ép phải trả tiền cho một gói tăm với giá khá cao. Căn nguyên của câu chuyện xuất phát từ việc nhóm đối tượng này giả danh người đi quyên góp ủng hộ trẻ em nghèo và người khuyết tật để bán tăm giá cao cho người dân. Khi chèo kéo được nam thanh niên này mua tăm, chúng đã hét giá gói tăm lên tới hàng chục lần so với giá trị thật. Khi lờ mờ hiểu ra sự việc, người thanh niên kiên quyết không mua đã bị chúng quây lại, ép phải trả tiền. Sự việc chỉ dừng lại khi có sự can thiệp của người dân chứng kiến và CAP Tràng Tiền, Hoàn Kiếm.

Thông tin với phóng viên Báo ANTĐ, Trung tá Hà Quyết Thắng, Trưởng CAP Tràng Tiền xác tín có sự việc trên xảy ra trên khu vực hồ Hoàn Kiếm thuộc địa bàn đơn vị phụ trách. Tuy nhiên, đồng chí Trưởng CAP Tràng Tiền bác bỏ thông tin số tiền các đối tượng ép người mua là 500 đến 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, Trung tá Hà Quyết Thắng cũng khẳng định, không có chuyện ổ nhóm này có tới 10 đối tượng như các mạng xã hội nêu.

Lực lượng CSTT CAP Tràng Tiền thường xuyên tuần tra khép kín thời gian, địa bàn đảm bảo ANTT khu vực hồ Hoàn Kiếm

Chúng chỉ có từ 2 đến 3 đối tượng nữ, tụ tập nhau đeo túi, tay cầm tăm chào mời bán cho người dân, du khách mua tăm. Đây là các đối tượng tự nhận đi bán tăm từ thiện cho người nghèo, người khuyết tật. Tuy nhiên, khi cơ quan công an kiểm tra giấy tờ, những đối tượng này thường không xuất trình được giấy giới thiệu, hoặc có nhưng giấy hết hạn và cấp cho không đúng đối tượng.

Theo hồ sơ của CAP Tràng Tiền, đối tượng bị người dân và CAP khống chế, đưa về đơn vị xử lý vi phạm về hành vi gây rối trật tự công cộng trên là Lê Thị Lan Anh (SN 1996, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). CAP Tràng Tiền đã lập hồ sơ xử phạt 200 nghìn đồng đối với Lê Thị Lan Anh theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

 Siết chặt quản lý, xử nghiêm vi phạm

Trung tá Hà Quyết Thắng cũng khẳng định, đây không phải là lần đầu tiên tình trạng giả bán tăm từ thiện với giá “cắt cổ” xuất hiện. Trước đó, ngày 20-10-2016, trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, tổ công tác của CAP Tràng Tiền đã đưa 4 đối tượng giả bán tăm từ thiện về trụ sở để xử lý. Qua xác minh, các đối tượng là Phạm Thị Trang (SN 1993, ở Bảo Lộc, Lâm Đồng); Hoàng Anh (SN 1986, ở Hà Đông, Hà Nội); Hoàng Hồng (SN 1991, ở Hà Đông, Hà Nội) và Nguyễn Thị Lý (SN 1993, ở Mỹ Đức, Hà Nội). Các đối tượng trên đã lợi dụng giả bán tăm từ thiện để trục lợi từ du khách, người dân. CAP Tràng Tiền đã ra quyết định xử phạt hành chính, đồng thời gửi thông báo về địa phương để răn đe, phòng ngừa yêu cầu đối tượng cam kết không tái phạm.

Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội CSHS CAQ Hoàn Kiếm cho biết: Chưa đầy một tháng sau khi CAP Tràng Tiền xử lý ổ nhóm giả bán tăm từ thiện, ngày 16-11-2016, CAQ Hoàn Kiếm phối hợp với Đội trinh sát địa bàn, Phòng CSHS CATP Hà Nội, kiểm tra và đưa 4 đối tượng giả bán tăm từ thiện tại khu vực hồ Hoàn Kiếm về trụ sở để xử lý.

Các ca tuần tra đều cập nhật thông tin nhanh chóng đến chỉ huy đơn vị, chủ động trong việc quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra mất ANTT trên địa bàn, không gian đi bộ

Trong số các đối tượng trên vẫn có những gương mặt “thân quen” như Nguyễn Thị Lý, Lê Thị Lan Anh. Các đối tượng khai nhận giả giấy giới thiệu ủng hộ trẻ em nghèo, người khuyết tật để chào mời khách đi bộ mua tăm với giá cao. Thông thường, chúng sẽ mời người mua ủng hộ từ 5.000 đến 50 nghìn đồng/gói tăm. Trong trường hợp gặp khách “sộp”, số tiền chúng “moi” từ người mua sẽ cao hơn nhiều.

Chỉ huy Đội CSHS CAQ Hoàn Kiếm khẳng định: Qua kiểm tra, xác minh, những đối tượng trên đều không thuộc bất kỳ một cơ quan, tổ chức từ thiện nào. CAQ Hoàn Kiếm cũng như Phòng CSHS đã lập biên bản xử phạt, răn đe đối với các đối tượng vi phạm, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương nơi các đối tượng sinh sống để phối hợp quản lý, giáo dục.

Nói về công tác đảm bảo ANTT xung quanh khu vực phố đi bộ, hồ Hoàn Kiếm, đại diện CAQ Hoàn Kiếm cũng cho hay, nhiều kế hoạch phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội đảm bảo ANTT tại khu vực này đã được đơn vị triển khai. Các biện pháp thực hiện kết hợp nhuần nhuyễn giữa tuần tra công khai và mật phục ở các điểm, chốt có khả năng xảy ra trộm cắp, móc túi, lừa đảo.

 Bên cạnh đó, ngoài sự vào cuộc của CAQ, Công an các phường, còn có sự hỗ trợ của các phòng, đơn vị nghiệp vụ của CATP Hà Nội với khung giờ và tuyến, địa bàn khép kín. “Từ khi triển khai không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, trên địa bàn chỉ xảy ra 5 vụ trộm cắp tài sản, và  các vụ này đều được lực lượng Công an điều tra, làm rõ.

Chúng tôi hiện vẫn bố trí lực lượng cùng với các đơn vị nghiệp vụ đảm bảo tuyệt đối ANTT tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ cũng như trên địa bàn; tất cả những đối tượng vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Người dân, du khách cũng cần nâng cao cảnh giác, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để “vòi” tiền, lừa đảo dưới các hình thức mua tăm, mua hàng từ thiện trôi nổi, ngang đường”-Trung tá Tống Đăng Công khuyến cáo.