Cơ quan điều tra vào cuộc vụ nữ công nhân môi trường đô thị bị hành hung

ANTD.VN - CQĐT CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội đang khẩn trương vào cuộc, điều tra xác minh vụ việc 1 nữ công nhân môi trường đô thị bị hành hung.

“Ngay sau khi tiếp nhận thông tin báo  cáo sự việc, Ban chỉ huy CAQ đã yêu cầu CQĐT lập tức vào cuộc, phối hợp cùng CAP  Lý Thái Tổ xác minh,  điều tra để xử lý nghiêm với tinh thần rõ người, rõ tội, đúng quy định của pháp luật”, Đại tá Hà Mạnh Hùng – Trưởng CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội trao đổi với PV ANTĐ, xung quanh sự việc 1 nữ công nhân môi trường đô thị bị hành hung.

Bước đầu xác định 1 đối tượng chính

Theo tài liệu thu thập, khoảng 19h20 ngày 15-6, tại trước cửa số nhà 7 Nguyễn Hữu Huân, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, khi chị Trần Thị Thanh (SN 1985, nhân viên công ty TNNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco 2) - chi nhánh Hoàn Kiếm) nhắc nhở người dân đổ rác đúng nơi quy định, bất ngờ bị 1 phụ nữ to tiếng, rồi lao vào đánh ngất tại chỗ.

Chị Thanh bước đầu đã ổn định sức khỏe tại bệnh viện

Ngay sau đó, nhân viên của Urenco 2 đã đưa chị Thanh đi cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn, đồng thời trình báo sự việc đến CAP Lý Thái Tổ, đề nghị làm rõ, xử lý vụ việc.

Tiếp nhận thông tin, CAP Lý Thái Tổ đã khẩn trương phối hợp cùng CQĐT CAQ Hoàn Kiếm làm rõ và triệu tập đối tượng hành hung nữ nhân viên môi trường đô thị. Đó là Phạm Thị Bích Diệp (SN 1985, trú ở phố Hàng Muối, phường Lý Thái Tổ).

Theo lời khai của Diệp, vì bị nhắc nhở bán nước mía để vương vãi rác nên cô ta đã bức xúc với chị Thanh. Khi thấy chị Thanh đi đến phố Nguyễn Hữu Huân, Diệp đã gọi người nhà đi tìm nữ công nhân môi trường đô thị để “nói chuyện”. Đến trước cửa nhà số 7 Nguyễn Hữu Huân, trông thấy chị Thanh trên hè phố, Diệp đã lao vào hành hung.

Ngày 17-6, trao đổi với PV ANTĐ, Trung tá Hoàng Xuân Hiếu – Trưởng CAP Lý Thái Tổ và chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự, CAQ Hoàn Kiếm cho  biết, đến thời điểm này, CQĐT bước đầu xác định chỉ có Phạm Thị Bích Diệp có hành vi tấn công chị Thanh.

CQĐT đang tiếp tục xác định, mời những người liên quan đến làm việc. Đặc biệt, chỉ huy CAQ Hoàn Kiếm đã nêu rõ yêu cầu với các lực lượng tham gia tiến hành điều tra, phải khẩn trương, khách quan, làm rõ người, rõ hành vi vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Được biết, trong ngày 16-6, đoàn công tác của UBND phường Lý Thái Tổ đã vào bệnh viện thăm hỏi chị Trần Thị Thanh, động viên nữ công nhân môi trường đô thị yên tâm điều trị, kiểm tra sức khỏe.

Lời kể từ người bị hại  

Sau khi bị hành hung đến bất tỉnh, chị Thanh đi cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn, và hiện tại, sức khỏe của chị đã ổn định nhưng vẫn phải tiếp tục nằm viện theo dõi.

Sáng 17-6, PV ANTĐ có mặt tại khoa Ngoại thần kinh – Bệnh viện Thanh Nhàn. Suốt thời gian qua, bố đẻ của chị và chồng chị thường xuyên túc trực để chăm sóc, còn 2 con nhỏ phải gửi tạm về quê ngoại ở Nam Định.

Chị Thanh đã tỉnh táo, mặt và gáy không còn vết sưng, nhưng vẫn còn đau đầu, thi thoảng buồn nôn, tức thở. Bác sỹ điều trị cho biết, chị Thanh không còn phải truyền dịch như ngày hôm qua nhưng vẫn phải tiêm thuốc 2 ngày/ lần.

Kể lại sự việc xảy ra tối 15-6, chị Thanh cho biết, chị làm công nhân vệ sinh môi trường tại Urenco đến nay đã hơn 7 năm, cũng từng một vài lần có lời ra tiếng vào với người dân vì chuyện đổ rác không đúng nơi quy định, nhưng đây là lần đầu tiên bị hành hung nên rất choáng váng.

“Tối 15-6, khi tôi đang đi thu gom rác qua khu vực số nhà 24 phố Hàng Muối, thấy một phụ nữ để rác bừa bãi quanh gốc cây, tôi nhắc nhở chị ấy cho rác vào túi bóng và để vào thùng rác đối diện bên đường. Chị này buông lời xúc phạm, chửi bới tôi, có ý coi khinh nghề nghiệp của tôi” – chị Thanh nói.

Tưởng thế xong là xong, chị Thanh tiếp tục công việc đi nhắc nhở, thu gom rác. Nhưng vừa đến đoạn phố Hàng Đường thì thấy người phụ nữ lúc nãy cùng một người đàn ông phóng xe máy đến.

“Người phụ nữ vừa chửi vừa lao vào đánh, tát vào mặt, gáy tôi liên tiếp. Tôi ngất lịm đi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn. Nghe kể lại mới biết khi tôi ngất đi thì người dân quanh đường gọi đồng nghiệp của tôi đến đưa đi cấp cứu” – chị Thanh nhớ lại.

Chồng chị Thanh – anh Nguyễn Quang Đức (SN 1982) cho biết thêm, tối 15-6, anh đang đi làm ở xa thì nhận được tin báo vợ bị đánh phải đưa đi cấp cứu. Anh lập tức đến bệnh viện, sáng hôm sau thì ông ngoại (bố đẻ chị Thanh – PV) cũng lên bệnh viện.

“Hôm qua và sáng nay, nhiều đoàn, cả lãnh đạo ở công ty vợ tôi  đến thăm, cho biết sẽ lo hết viện phí. Đặc biệt khoảng 15h chiều qua (16-6), mẹ của người phụ nữ đánh vợ tôi đã đến thăm, gửi lời xin lỗi tới gia đình tôi” – anh Đức chia sẻ.

Theo hồ sơ bệnh án tại khoa Ngoại Thần kinh – Bệnh viện Thanh Nhàn, chị Thanh nhập viện với chẩn đoán chấn thương đầu. Đến sáng nay, 17-6, bác sĩ Hoàng Ngọc Tân – người trực tiếp điều chị cho chị Trần Thị Thanh ghi chú trong bệnh án: “Bệnh nhân còn đau đầu, không nôn, không liệt, tiếp tục theo dõi”.

Xử lý bằng hình sự nếu nhân viên môi trường bị thiệt hại sức khỏe

Về hành vi của đối tượng hành hung nhân viên môi trường đô thị, trong trường hợp chỉ chị Thanh có thương tích từ 11% trở lên và có đơn yêu cầu xử lý vụ việc thì đối tượng hành hung chị này có thể sẽ bị xử lý bằng hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”, theo Điều 104 BLHS.

Bởi điều luật này quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Và một trong những trường hợp gây tổn hại sức khỏe của người khác mà Điều 104-BLHS xác định dưới 11% nhưng vẫn phải xử lý bằng hình sự là điểm i, khoản 1: “Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm”. Tuy nhiên, để xử bằng lý bằng hình sự trong trường hợp này thì cần phải có yêu cầu của người bị hại.

Còn trong trường hợp sức khỏe của nữ nhân viên môi trường đô thị bị thiệt hại không đáng kể hoặc bị thiệt hại lên đến gần 30% nhưng chị Thanh không yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý bằng hình sự thì cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính đối tượng trong vụ việc theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức phạt từ cảnh cáo đến 3 triệu đồng.

Cụ thể là điểm e, khoản 3, Điều 5 của Nghị định này quy định, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác.

Ngoài ra, những người hành hung chị Thanh còn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung với hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000, đồng thời còn bị buộc khắc phục hậu quả.

(Luật sư Đặng Văn Sơn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Khó chấp nhận hành vi của cô Diệp

Tôi sống ở khu phố này đã nhiều năm, và thường xuyên bắt gặp những hình ảnh mẫn cán, tận tụy của những nhân viên môi trường đô thị như chị Thanh.

Qua sự việc chị Thanh bị hành hung, tôi và nhiều người dân hết sức bất bình, có thể nói là không chấp nhận được hành vi mang tính chất côn đồ, thiếu văn minh của chị Diệp. Đã không có những hành động cụ thể để ủng hộ, giúp đỡ công việc vất vả nhưng hết sức ý nghĩa của những người công nhân vệ sinh môi trường đô thị như chị Thanh, ngược lại, chị Diệp lại có cách hành xử thiếu văn hóa, gây mất hình ảnh nhân văn của người Hà Nội.

Đề nghị ngoài việc giải quyết, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, thời gian tới tại cộng đồng, chính quyền cơ sở và khu dân cư cần có biện pháp giáo dục, tuyên truyền, không để sự việc đáng buồn như trên xảy ra. Quan trọng nữa là để chị Diệp thấy rõ được vi phạm của mình…

(Ông Nguyễn Vinh Sơn – trú tại phố Lò Sũ,  quận Hoàn Kiếm)

Nên cấm vĩnh viễn việc kinh doanh của đối tượng đánh người

Qua nắm bắt thông tin sự việc qua báo chí, tôi hình dung được những cái sai của người đã hành hung nữ công nhân vệ sinh môi trường đô thị.

Thứ nhất là kinh doanh, bày bán trên vỉa hè, hoàn toàn trái quy định, chủ trương của Thành phố. Thứ hai là vứt rác ra nơi công cộng, không đúng vị trí. Thứ ba là có hành vi đánh người. Tôi cho rằng bất kể ai kinh doanh mặt phố đều đã được tuyên truyền, thông báo và ký cam kết không vi phạm trật tự vỉa hè.

Vậy mà người phụ nữ tên Diệp vẫn vi phạm,  thậm chí còn có hành vi côn đồ. Thiết nghĩ, cùng với các biện pháp của cơ quan chức năng, thời gian tới, nên cấm vĩnh viễn việc kinh doanh tận dụng hè phố của người này.

(Ông Nguyễn Hữu Bính – trú ở phố Thọ Lão, phường Đồng Nhân, Hai Bà Trưng)