Dự án BT giao thông tại Hà Nội

Ưu tiên các dự án trọng điểm, cấp bách, tuyệt đối không đầu tư dàn trải

ANTD.VN - Liên quan tới một số dự án BT giao thông ở Hà Nội vừa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, dư luận rất quan tâm về trình tự, thủ tục xem xét các dự án BT, nhất là dự án BT giao thông ở Hà Nội như thế nào, liệu có đảm bảo tính công khai, minh bạch? 

Tập trung nguồn lực, không phải “làn sóng ồ ạt”

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội, từ năm 2013, TP Hà Nội đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ các dự án BT trên địa bàn. Để tiếp tục triển khai các dự án này, thành phố đã đặt ra các tiêu chí cụ thể để lựa chọn các dự án cấp bách để ưu tiên làm trước.

Trong các năm tiếp theo, căn cứ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn 2050 và các quy hoạch liên quan đã được duyệt, thành phố đã xem xét cho triển khai một số dự án; tập trung ưu tiên các dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm; nhóm công trình bức xúc dân sinh, bảo vệ môi trường, chống ùn tắc giao thông và xây dựng hệ thống hạ tầng khung...

Trong số các dự án này, do có sự chuẩn bị từ trước, một số đã hội đủ điều kiện để làm ngay, tức là đảm bảo phù hợp với quy hoạch và cân đối được quỹ đất đối ứng. Thực tế, thành phố đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương thực hiện các dự án này từ giai đoạn 2009-2010.

“Với một vài dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chỉ định và thành phố đã chọn nhà đầu tư từ nhiều năm trước thì Hà Nội không thay đổi nữa, còn lại đa số vẫn phải tổ chức đấu thầu chứ không phải ngày trước Chính phủ đã đồng ý cho chỉ định thì nay cứ vậy tiến hành”, ông Lương Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết.

Khẳng định hiện nay không có cái gọi là “làn sóng ồ ạt” đầu tư các dự án BT tại Hà Nội, Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, từ hơn 100 dự án đề xuất, sau khi rà soát, Sở KH-ĐT đã trình thành phố 35 dự án BT cần ưu tiên đầu tư, trong đó có 16 dự án đã nằm trong danh mục được HĐND TP Hà Nội phê duyệt; 19 công trình dân sinh bức xúc, chống ùn tắc giao thông và xây dựng hạ tầng khung... đã báo cáo Chính phủ.

Ngoài 35 công trình nêu trên, giả sử quận, huyện nào phát sinh yêu cầu công trình cấp bách, thực sự cần thiết (có thể bố trí được quỹ đất đối ứng) thì có thể đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét. “Tinh thần là thành phố đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, cấp bách chứ không có chuyện làm ồ ạt hay đầu tư dàn trải” - đại diện Sở                 KH-ĐT Hà Nội nói.

“Đề bài” rõ ràng, công khai, thẩm định thận trọng

Nhấn mạnh trình tự, thủ tục xem xét các dự án BT tại Hà Nội là chặt chẽ, thận trọng, Sở KH-ĐT cho biết, đầu tiên, các dự án BT phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật; phù hợp với các quy hoạch, định hướng phát triển hiện hành. Đặc biệt, quá trình đề xuất, xem xét, thẩm định các dự án phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Trình tự xem xét một dự án BT tại Hà Nội bắt đầu từ hồ sơ đề xuất với 2 nguồn vào. Một là do Nhà nước lập để công bố, kêu gọi đầu tư và một do nhà đầu tư đề xuất. Sau khi đề xuất đầu tư được duyệt thì hồ sơ sẽ được cơ quan Nhà nước công bố rộng rãi trên mạng để cho tất cả các nhà đầu tư đều có thể tiếp cận được. “Tất cả các thông tin cơ bản về dự án đều phải được công khai để nhà đầu tư nắm được, đó là bắt buộc” - Sở KH-ĐT Hà Nội nêu rõ.

Tiếp đó, nếu dự án do nhà đầu tư đề xuất, sẽ giao nhà đầu tư lập báo cáo khả thi. Sau khi báo cáo này hoàn thành, cơ quan Nhà nước lại công bố lần nữa để lựa chọn nhà đầu tư. Ông Lương Hoài Nam nói: “Không phải cứ nhà đầu tư đề xuất là được chọn. Nhà đầu tư đó chỉ được ưu tiên 5% điểm trong tổng điểm lựa chọn nhà đầu tư sau này. Giả sử nhà đầu tư đó không được chọn thì thành phố cũng không hoàn trả lại chi phí mà họ đã bỏ ra trong quá trình trước đó”.

Cần lưu ý là báo cáo khả thi này phải được các sở, ngành thành phố thẩm định và để khách quan, thành phố còn mời đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra một lần nữa về tổng mức đầu tư. “Tổng mức đầu tư tạm tính ban đầu cũng chỉ là “đường bao” rộng nhất để lập kế hoạch, còn sau đó sẽ có thiết kế kỹ thuật; phê duyệt dự toán, lúc đó sẽ chi tiết hơn. Bao giờ con số được duyệt sau cùng cũng thấp hơn tạm tính ban đầu. Cuối cùng, sau khi dự án được quyết toán thì mới là con số chốt lại. Nói đơn cử 1 dự án tổng mức đầu tư ban đầu 2.000 tỷ đồng thì lúc phê duyệt dự toán còn 1.900 và khi quyết toán rút xuống còn 1.800...” - ông Lương Hoài Nam chia sẻ.

Sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư, khâu tiếp theo sẽ là ký kết hợp đồng BT. Đơn vị chủ trì ký kết sẽ phải kiểm tra lại năng lực của nhà đầu tư một lần nữa. Nếu thấy đủ điều kiện thì mới dự thảo hợp đồng và dự thảo này sẽ được các sở, ngành thẩm định xem xét chặt chẽ, đầy đủ hay chưa rồi mới được ký. Còn về triển khai dự án, sau khi báo cáo khả thi được duyệt, cần lập thiết kế kỹ thuật dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được duyệt dự toán, ký hợp đồng..., dự án bắt đầu vào khâu giải phóng mặt bằng trước khi triển khai thi công trên thực địa...

Ở giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, quỹ đất đối ứng phải được Sở Quy hoạch Kiến trúc cung cấp thông tin quy hoạch (dựa trên quy hoạch phân khu đô thị hoặc quy hoạch chi tiết nếu có) làm cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) sơ bộ xác định giá trị quỹ đất thanh toán. UBND TP đã chỉ đạo Sở TN-MT thực hiện xác định giá trị quỹ đất trên cơ sở so sánh giá của 4 loại hình chuyển dịch quyền sử dụng đất tại khu vực để lựa chọn phương án có giá trị cao nhất. Khi đã có số tiền sử dụng đất, Sở TN-MT sẽ gửi sang Sở KH-ĐT để cân đối trong dự án BT.

“Một vài dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chỉ định và thành phố đã chọn nhà đầu tư từ nhiều năm trước thì Hà Nội không thay đổi nữa, còn lại đa số vẫn phải tổ chức đấu thầu chứ không phải ngày trước Chính phủ đã đồng ý cho chỉ định thì nay cứ vậy tiến hành”.

Ông Lương Hoài Nam (Trưởng phòng Quản lý Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội)