Trẻ có thể loạn thần vì miếng dán chống say tàu xe

ANTD.VN - Vào mùa hè, trẻ em thường được gia đình cho đi chơi xa, vì thế có thể được cha mẹ sử dụng miếng dán chống say tàu xe. Giải pháp này tưởng là đơn giản nhưng có thể dẫn đến loạn thần ở trẻ, các chuyên gia cảnh báo.

Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM mới đây có điều trị cho một bé gái 9 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM có các triệu chứng la hét, kích động, bò lồm cồm khắp nhà. Các bác sỹ kết luận, những triệu chứng lạ đó là do bệnh nhi loạn thần vì dị ứng với chất scopolamine có trong miếng dán chống say tàu xe được sử dụng trong chuyến đi chơi cùng gia đình. Đây không phải là trường hợp đầu tiên, bởi Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự. 

Miếng băng dán chống say tàu xe thường chứa dược chất scopolamine. Khi dán lên da (vùng sau tai), thuốc sẽ có tác dụng toàn thân, thấm dần vào máu với một lượng đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn do say tàu xe. Tuy nhiên, tác dụng phụ của nó còn là liệt đối giao cảm (có tác động đến hệ thần kinh) làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt...

Nhiều người  cho rằng dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh và lâu nên thường sử dụng một lúc 2 - 3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống. Việc làm này rất phản khoa học, bởi người sử dụng tự đưa mình vào tình trạng dùng thuốc quá liều, các tác dụng phụ sẽ nặng hơn, thậm chí nguy kịch vì ngộ độc thuốc. 

Mặc dù Tổ chức Dược thế giới chống chỉ định dùng miếng dán chống say tàu xe có chứa hoạt chất scopolamine cho trẻ em dưới 12 tuổi, nhưng tại Việt Nam, nhiều người dân vẫn quen mua dùng cho cả gia đình vì nghĩ là vô hại. Trên thực tế, tình trạng loạn thần do dùng miếng dán chống say tàu xe thường gặp ở trẻ 5 đến 10 tuổi, triệu chứng là ngủ li bì hoặc bị ảo giác, có nhiều hành động bất thường khá giống với triệu chứng viêm não. 

Bởi vậy, không nên dùng miếng dán chống say xe cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em từ 8 - 15 tuổi có thể dùng nửa miếng dán. Khi đang dán miếng dán chống say xe xuyên da mà cảm thấy có triệu chứng bất thường như nhìn mờ và các triệu chứng đã kể ở trên thì phải ngưng ngay bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da. Nếu thấy tình hình vẫn có vẻ nghiêm trọng, phải đi khám bác sĩ và kể rõ việc dùng thuốc để bác sĩ xử trí. 

Các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất, trẻ em dưới 12 tuổi không nên dùng miếng dán này mà có thể áp dụng một số cách chống say xe như: Trước khi đi xe không nên để trẻ ăn quá no hoặc để bụng quá đói. Khi ngồi xe nên ưu tiên để trẻ ngồi các hàng ghế trước, tránh gió lùa, khuyến khích trẻ nhìn ra xung quanh chứ không tên tập trung vào một điểm. Ngoài ra, phụ huynh có thể áp dụng kinh nghiệm dân gian như cho trẻ ngậm hoặc xoa gừng tươi.