Trạm thu phí đặt nhầm chỗ nhưng kiên quyết không di dời

ANTD.VN - Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được mở để thu phí hoàn vốn cho tuyến đường tránh Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc. Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần đề nghị di chuyển trạm này về đúng vị trí nhưng chưa có kết quả.

Vị trí trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài đã và đang gây bức xúc dư luận 

Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài có tổng mức đầu tư hơn 615 tỷ đồng, trong đó vốn của doanh nghiệp là hơn 530 tỷ đồng; vốn hỗ trợ của Nhà nước gần 85 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty Viettracimex 8.

Nhà đầu tư không muốn di dời

Theo hợp đồng BOT được Bộ GTVT ủy quyền cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký với nhà đầu tư, thời gian thu phí là 16 năm, 10 tháng. Trong đó, thời gian thu phí hoàn vốn là 12 năm 10 tháng (bắt đầu từ 1-1-2011), thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp là 4 năm.

Từ khi đi vào hoạt động, trạm thu phí này đã gây bức xúc cho người dân trên địa bàn Hà Nội, bởi dù không lưu thông vào tuyến đường tránh Vĩnh Yên nhưng toàn bộ phương tiện lưu thông trên tuyến đường Bắc Thăng Long (hiện do Hà Nội quản lý, đường được làm bằng kinh phí Nhà nước - PV) qua xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn phải trả phí để hoàn vốn cho tuyến đường tránh Vĩnh Yên trên địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc. 

Do sự vô lý này, năm 2013, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT di dời trạm thu phí về đúng vị trí. Bởi, tuyến đường Bắc Thăng Long là tuyến đường đối ngoại, nối từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố. Hơn nữa, đường Bắc Thăng Long được xây dựng và bảo trì bằng vốn ngân sách Nhà nước, nhưng lại đặt trạm BOT để thu phí hoàn vốn cho 1 tuyến đường tránh khác là rất vô lý. 

Giữa tháng 10-2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai đợt giám sát đặc biệt trong 10 ngày đối với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, kéo dài từ ngày 20 đến 30-10-2016 song kết quả của đợt giám sát này không được  công bố. 

Năm 2013, Bộ GTVT cũng đã 2 lần kiến nghị Chính phủ di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Theo đó, 2 phương án mà Bộ GTVT đưa ra vào năm 2013 là, di dời trạm này gộp vào trạm thu phí trên QL2 thuộc dự án BOT QL2, đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên hoặc Nhà nước bỏ tiền ra mua lại quyền thu phí trạm.

Tháng 3-2013, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với nhà đầu tư, tính toán phương án cụ thể việc xử lý trạm. Tuy nhiên, sau đó, Tổng cục Đường bộ báo cáo lại, nhà đầu tư là Công ty Viettracimex 8 không đồng thuận di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài về QL2. Từ đó đến nay, trạm thu phí này vẫn tồn tại bất chấp bức xúc của người dân lưu thông qua trạm.

Chờ đợi chỉ đạo

Hiện nay, mức phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài từ 10.000 - 80.000 đồng/lượt, tùy từng loại xe. Các chuyên gia giao thông cho rằng, thời gian thu phí hoàn vốn của trạm này quá dài, lên tới 16 năm, 10 tháng trong khi mức tiền để hoàn vốn cho nhà đầu tư lại thấp, chỉ hơn 530 tỷ đồng, trong khi lưu lượng xe qua trạm đông đúc.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ, việc duy trì trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đã là vô lý trong khi thời gian thu phí kéo quá dài so với số vốn nhà đầu tư bỏ ra. “Lưu lượng xe qua trạm này rất đông, các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại”, ông Bùi Danh Liên kiến nghị.

Theo số liệu phóng viên có được, tháng 10-2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT về số liệu thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài trong quý III-2016 (tháng 7, 8, 9 - do nhà đầu tư cung cấp). Theo đó, tháng 7-2016, trạm này thu được hơn 4,9 tỷ đồng, tháng 8 thu về hơn 5,5 tỷ đồng và tháng 9 thu về xấp xỉ 6 tỷ đồng. Tổng quý III-2016 thu về hơn 16,4 tỷ đồng. 

Đáng nói, từ ngày 18 đến 22-1-2016, Đoàn kiểm tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra  tại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài và kết quả cho thấy, hệ thống thu phí một dừng vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục; hệ thống giám sát thu phí không hoạt động, không nhận diện được chủng loại xe, không lưu giữ hình ảnh chụp, dữ liệu video và các thông tin như biển số xe, chủng loại xe, mệnh giá vé; chức năng báo cáo không hoạt động. 

Trao đổi về việc trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn tồn tại một cách vô lý, thách thức dư luận, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã 2 lần kiến nghị Chính phủ phương án xử lý với trạm này nhưng đến nay chưa có quyết định chính thức từ Chính phủ nên chưa có hướng xử lý. 

Về ý kiến cho rằng thời gian thu phí hoàn vốn và tạo lợi nhuận dài, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, do mức phí thu thấp nên vẫn trong phương án tài chính.