Không đồng tình nới lỏng quy định về sản xuất mũ bảo hiểm

ANTD.VN - Nhiều doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm không đồng tình với một số quy định tại Dự thảo thay thế Nghị định 87/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. 

Mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng vẫn tràn lan dù đã có quy định

Dự thảo nói trên đang được Bộ KH-CN lấy ý kiến của các bộ, ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (MBH). Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất MBH lớn, có uy tín cho rằng, nếu quy định như dự thảo thì thị trường MBH ở Việt Nam sẽ ngày càng khó kiểm soát.

Mới nới hơn cũ

Trong khi Nghị định 87/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh MBH còn chưa phát huy được hết hiệu quả thì Bộ KH-CN đang tiếp tục xây dựng Dự thảo Nghị định để sửa đổi, bổ sung Nghị định này, dự kiến có hiệu lực từ 1-7-2017 tới đây. Đáng chú ý, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất MBH, dự thảo Nghị định bổ sung, thay thế Nghị định 87 lại đưa ra những quy định có tính thụt lùi so với hiện hành. 

Cụ thể, Nghị định 87/NĐ-CP đưa ra những điều kiện khá ngặt nghèo, yêu cầu trang thiết bị của dây chuyền sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để sản xuất MBH có chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, bao gồm: thiết bị ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp); thiết bị dập (tán) đinh tán (dùng để ghép các cụm chi tiết). Đây đều là các phần quan trọng nhất của chiếc MBH.

Tuy nhiên, dự thảo mới lại bổ sung những quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất “linh kiện” MBH. Đó là chấp nhận trường hợp doanh nghiệp chưa đầu tư trang bị thiết bị ép (đúc) để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp), chỉ cần trang bị khuôn mẫu có ký hiệu nhận dạng của doanh nghiệp và thuê doanh nghiệp khác gia công chế tạo lớp hấp thụ xung động.

Ông Hồ Lê Phong, Chủ tịch Câu lạc bộ MBH TP.HCM cho rằng, đây là một bước thụt lùi trong quan niệm kinh doanh có điều kiện về MBH trong tình hình hiện nay. Bởi, thực tế vẫn có một số cơ sở sản xuất MBH kém chất lượng chỉ đi mua linh kiện về để lắp ráp nên không thể kiểm soát được chất lượng, dẫn đến thị trường mũ hỗn loạn và không thể kiểm soát chặt chẽ. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, muốn lành mạnh hóa thị trường MBH, không thể “châm chước” giải quyết theo phương án trên cho một số đơn vị không có đủ năng lực kỹ thuật kiểm soát chất lượng. 

Người tiêu dùng sẽ gánh hậu quả

Chủ nhiệm CLB MBH TP.HCM Hồ Lê Phong cho rằng, việc đưa MBH thành ngành hàng kinh doanh có điều kiện là việc hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc đưa ra những quy định thực thi có hiệu quả, thể hiện sự nghiêm cẩn của chính sách là chuyện cần được các cơ quan quản lý bàn thảo kỹ lưỡng. Nếu chỉ bắt buộc những doanh nghiệp sản xuất MBH chân chính phải chịu nhiều điều kiện ngặt nghèo, trong khi thiếu những biện pháp xử lý các doanh nghiệp sản xuất các loại mũ kém chất lượng thì việc đưa MBH vào ngành hàng kinh doanh có điều kiện sẽ không còn ý nghĩa.

Tại tờ trình góp ý gửi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN, đơn vị soạn thảo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 87/2016/NĐ-CP), các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH cũng kiến nghị đưa vào Nghị định quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất MBH tại địa bàn của mình. 

Ông Trần Thuận Thành, Trưởng chi nhánh MBH Chita tại Hà Nội nhìn nhận, Nghị định 87/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh MBH đã tương đối chặt, nếu thực thi đầy đủ những quy định tại Nghị định này thì thị trường MBH sẽ bớt lộn xộn hơn và không cần phải có thêm một văn bản pháp quy khác thay thế. “Nhiều quy định tại Nghị định 87/NĐ-CP không được thực thi, đến nay cơ quan chủ trì soạn thảo lại đưa ra lý do này, kia để nới lỏng. Như vậy, doanh nghiệp sản xuất MBH chân chính và người tiêu dùng sẽ gánh chịu hậu quả”.