Hà Nội: Thí điểm cấp bằng lái xe cho người khuyết tật tại một số trung tâm

ANTD.VN - Hà Nội sẽ kêu gọi các nhà tài trợ và doanh nghiệp đầu tư phương tiện, người lái tại một vài trung tâm đào tạo, sát hạch để thí điểm cấp Giấy phép lái xe cho người khuyết tật.

Các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn Hà Nội đều bày tỏ băn khoăn về việc cấp Giấy phép lái xe (GPLX) cho người khuyết tật theo Thông tư mới của Bộ GTVT. Đại diện các cơ sở đều cho biết, nếu cứ kêu gọi chung chung thì sẽ không đơn vị nào đầu tư phương tiện, con người.

Hà Nội: Thí điểm cấp bằng lái xe cho người khuyết tật tại một số trung tâm ảnh 1Hà Nội sẽ thí điểm đào tạo lái xe cho người khuyết tật tập trung tại 1-2 cơ sở

Lúng túng trong triển khai

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX của TP Hà Nội đạt mức tăng trưởng khá nhanh. Số lượng cấp giấy phép lái xe (cả ô tô và xe máy) năm 2017 dự kiến lên đến 83.336 chiếc, tăng gần 2.000 GPLX so với năm 2016. Các cơ sở đào tạo vẫn đạt từ 80-90% lượng học viên theo quy hoạch.

Ngoài ra, Hà Nội là một trong những địa phương tổ chức các kỳ sát hạch cấp bằng lái xe rất nghiêm túc, tỷ lệ học viên đỗ chỉ đạt 60-65%. Nhìn nhận về công tác đào tạo, sát hạch lái xe của Hà Nội, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương có công tác đào tạo sát hạch lái xe rất chặt chẽ. Các cơ sở đào tạo thực hiện khá nghiêm ngặt quy trình đào tạo”.

Dù vậy, liên quan đến việc triển khai đào tạo, sát hạch lái xe theo Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT với một nội dung mới là cấp bằng lái xe ô tô cho người khuyết tật đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT - BGTV giữa Bộ GTVT và Bộ Y tế, các cơ sở đào tạo trên địa bàn Hà Nội đều khẳng định, quy định này là nhân văn, cần thiết để đảm bảo sự công bằng của mọi công dân. Tuy vậy, cơ sở nào cũng lúng túng với quy định mới này.

Đại tá Lê Văn Bốn, Giám đốc trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương đào tạo, cấp GPLX cho người khuyết tật. Tuy nhiên, cần có những quy định riêng, cụ thể về xe cho người khuyết tật chứ quy định hiện hành rất chung chung, chúng tôi không thể triển khai trong thực tế được. Đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội sớm có chương trình đào tạo riêng, phù hợp với người khuyết tật để các trung tâm có thể triển khai”.

Không bắt buộc đầu tư, đào tạo đại trà

Ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe - Học viện Nông Nghiệp Việt Nam cho biết, đơn vị không có điều kiện để đào tạo, sát hạch lái xe cho người khuyết tật. “Sở GTVT Hà Nội nên tập trung vào một vài trung tâm. Nhà nước và các tổ chức xã hội có thể trợ giúp về điều kiện vật chất cho các trung tâm này để đào tạo lái xe cho người khuyết tật. Còn cứ hô hào chung chung thì tôi nghĩ không nơi nào làm.

Chúng tôi đều là đơn vị hạch toán độc lập, đầu tư cái gì đều phải tính toán kỹ. Hơn nữa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về giáo trình đào tạo, về loại xe đào tạo cho người khuyết tật. Mỗi người khuyết tật lại khác nhau, chúng tôi cũng không biết đầu tư xe như thế nào cho phù hợp”, ông Nguyễn Trung Thành than phiền.

Bên cạnh đó, các trung tâm đào tạo cũng thắc mắc, liệu giáo trình đào tạo cho người khuyết tật học lái xe có khác biệt so với người bình thường hay không? Quy trình sát hạch có khác hay áp dụng quy trình chung? “Phải có quy định cụ thể thì khi có người khuyết tật đến trung tâm đăng ký học chúng tôi mới có thể trả lời thỏa đáng, còn như hiện nay chúng tôi cũng không biết trả lời thế nào”, ông Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Thu Hiền nhìn nhận, không chỉ các cơ sở đào tạo lái xe ở Hà Nội mới có những phản hồi như trên mà hầu hết các địa phương đều nêu khó khăn trong đào tạo, sát hạch lái xe cho người khuyết tật. Về việc các trung tâm không muốn đầu tư phương tiện, con người để đào tạo, sát hạch lái xe cho người khuyết tật, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, sẽ phối hợp với Sở GTVT Hà Nội kêu gọi tài trợ từ các nhà hảo tâm, các tổ chức phi Chính phủ đầu tư phương tiện, con người đủ để thực hiện cấp GPLX cho người khuyết tật thí điểm tại 1-2 cơ sở.