Giá ô tô "chạm đáy", khách hàng chẳng chịu "xuống tay"

ANTD.VN - Bất chấp các hãng ô tô liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng sức mua những tháng trở lại đây vẫn suy giảm rõ rệt. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là tâm lý chờ đợi được giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với ô tô nhập khẩu ASEAN.

Nhiều mẫu xe giảm giá nhưng lượng tiêu thụ trong tháng 4 vẫn suy giảm mạnh

Giá đã giảm “chạm đáy”?

Liên tục từ cuối năm 2016, thị trường xe ô tô Việt Nam đã chứng kiến những đợt biến động sâu về giá với mức giảm lên tới cả trăm triệu đồng. Khai màn “cuộc đua” giảm giá là Trường Hải (THACO) với mức giảm đợt cuối năm 2016 lên tới hơn 100 triệu đồng cho thương hiệu Mazda. Sau nhiều tháng kiên trì giảm giá, đến nay theo đại diện Trường Hải, 2 thương hiệu Mazda và Kia “hiện giá đã chạm đáy”.

“Phát súng” khai màn của Trường Hải đã khiến các thương hiệu ô tô khác không thể đứng ngoài cuộc. Ngay cả Toyota vốn chẳng mấy khi lấy việc giảm giá để cạnh tranh thì mới đây các đại lý cũng buộc phải đưa ra các chương trình ưu đãi, dù giá bán niêm yết của hãng này vẫn giữ nguyên. Chẳng hạn mẫu xe bán chạy nhất là Toyota Vios hiện được nhiều đại lý ưu đãi với mức 10% thuế trước bạ, tương đương khoảng 50 - 60 triệu đồng. Tương tự, Toyota Innova cũng đang được các đại lý giảm giá từ 55 - 60 triệu đồng, tùy từng phiên bản kèm theo nhiều ưu đãi, quà tặng.

Tương tự, các mẫu xe Chevrolet tại Việt Nam dù không được giảm giá bán niêm yết, nhưng các đại lý cũng đưa ra các mức ưu đãi lên đến 30 triệu đồng tùy từng mẫu. Riêng mẫu bán tải Colorado được các đại lý phân phối ưu đãi tới 50 - 60 triệu đồng. Hyundai Thành Công mới đây cũng công bố về chương trình ưu đãi giảm giá lên tới 70 triệu đồng cho bản đặc biệt của mẫu SantaFe.

“Khoảng từ tháng 7 trở đi, tâm lý người dân và doanh nghiệp sẽ nghe ngóng, chờ đợi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0% vào đầu năm 2018, đồng thời cũng chưa rõ Nhà nước sẽ quản lý chính sách về thuế như thế nào?”. 

Ông Nguyễn Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Phúc An) 

Riêng bản tiêu chuẩn trang bị động cơ dung tích 2.2 và 2.5 lít cũng giảm đến 50 triệu đồng. Tương tự, mẫu sedan hạng C - Elantra cũng được hãng này giảm từ 40 - 50 triệu đồng Honda cũng áp dụng chương trình ưu đãi lệ phí trước bạ trị giá 50 triệu đồng/xe cho khách hàng CR-V, Accord trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2017.

Mitsubishi với các mẫu xe phân phối tại Việt Nam đều được nhập khẩu nguyên chiếc cũng mạnh tay giảm giá bán, đồng thời áp dụng nhiều chương trình với mức ưu đãi cho khách hàng từ 30-50 triệu đồng tùy mẫu xe và áp dụng các chương trình quà tặng, phiếu mua xăng trị giá lên đến 10 triệu đồng cho khách mua xe. Hay khách hàng mua các mẫu Nissan X-Trail trong tháng 5 này cũng được giảm giá từ 49-85 triệu đồng.

Những chương trình ưu đãi, hạ giá bán mạnh trong thời gian gần đây khiến giá thành những chiếc xe phổ thông có thể giảm trung bình khoảng 50-100 triệu đồng so với 2-3 năm trước. Lý giải nguyên nhân, theo ông Lê Tôn Quý, Giám đốc Đại lý Nissan Kinh Đô cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến các hãng liên tục hạ giá thành xe, mà quan trọng nhất là áp lực cạnh tranh, nhất là sau khi Trường Hải giảm mạnh giá bán một số mẫu xe, buộc các hãng khác cũng phải cắt giảm lợi nhuận để bán được hàng.

Ngoài ra, một số mẫu xe đã bán được doanh số lớn cũng giúp giảm chi phí khấu hao dẫn đến giảm giá thành. Cùng với đó, những thông tin về việc thuế sẽ giảm sâu vào đầu năm 2018 cũng buộc các hãng xe phải giảm giá thành để cạnh tranh với các mẫu xe nhập được cho là có mức giá rất hấp dẫn vào năm tới.

Lượng tiêu thụ vẫn sụt giảm

Mặc giá xe liên tục giảm mạnh, tuy nhiên lượng tiêu thụ ô tô trên thị trường Việt Nam trong thời gian qua vẫn không có đột biến. Thậm chí từ tháng 4 trở đi, lượng tiêu thụ xe đã giảm đi trông thấy so với thời điểm cuối năm 2016, đầu 2017. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng lượng ô tô mà các thành viên VAMA bán ra trong tháng 4-2017 giảm tới 18% so với tháng 3-2017 và giảm tới 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt gần 22.000 xe, trong đó sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 16.453 xe, giảm 10% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 5.489 xe, giảm 35% so với tháng trước. Một số hãng xe có mức sụt giảm đáng kể trong tháng 4 có thể kể đến như Toyota với lượng bán ra tại Việt Nam chỉ đạt 4.096 xe, giảm 583 chiếc, tương đương 12% so với tháng trước. Hay Nissan trong tháng 4 giảm tới 88% doanh số với mẫu X-Trail so với tháng 3 (chỉ còn 70 chiếc so với 591 chiếc trong tháng 3). 

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sụt giảm doanh số bán hàng của các hãng là do hầu hết khách thực sự có nhu cầu mua xe đều đã mua vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua - thời điểm các hãng đều đã tung ra các chương trình khuyến mãi lớn. “Thời điểm từ tháng 3 trở về trước, lượng xe bán theo lô của chúng tôi rất lớn, dẫn đến doanh số tăng gấp nhiều lần so với thông thường. Còn trong tháng 4, nhu cầu khách hàng trở về bình thường, đương nhiên doanh số sụt giảm” - ông Lê Tôn Quý cho biết. 

Còn thời điểm này, có vẻ như “cơn lốc” giảm giá của các hãng xe lại đang đưa đến tác dụng ngược khi nhiều khách hàng cho rằng có thể mức giảm chưa tới… “đáy”. Anh Phạm Mạnh Hùng (Hà Nội) dù đã tiết kiệm được khoản tiền đủ để mua một chiếc xe gia đình, nhưng anh quyết định chờ đợi đến cuối năm nay hoặc đầu năm tới mới mua xe. “Có thể thời điểm Tết Âm lịch năm tới tôi mới mua, vì lúc đó giá thành có thể giảm sâu hơn nhờ thuế giảm, cùng với đó các hãng cũng sẽ có các chương trình khuyến mãi nhiều hơn” - anh Hùng nói.

Không chỉ khách hàng có tâm lý chờ đợi mà ngay cả các hãng nhập khẩu xe cũng “phanh” tốc độ nhập khẩu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại vào Việt Nam trong tháng 4-2017 chỉ có 6.962 chiếc, giảm 37,8% so với tháng 3. Đây là tháng lượng ô tô nhập khẩu rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.

Trong số này, có đến hơn một nửa là các mẫu xe nhập khẩu từ các nước ASEAN, cụ thể là Indonesia và Thái Lan. Lượng xe giá rẻ nhập khẩu cũng giảm mạnh khi giá trung bình khai báo hải quan của ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tăng lên mức 24.350 USD (gần 555 triệu đồng), tăng 8.000 USD (182 triệu đồng) so với tháng 3.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An - một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu ô tô cho biết, sở dĩ thời điểm cuối năm 2016 đầu 2017, lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu thay thế xe taxi của các hãng rất lớn nên lượng xe giá rẻ nhập khẩu tăng mạnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu thời điểm này để tránh việc sẽ bị áp giá nhập khẩu có khả năng tăng lên trong vài tháng tới.

“Sắp tới, hải quan sẽ siết chặt việc giá khai báo tính thuế, lúc này có thể mỗi chiếc xe sẽ phải tăng thêm mấy chục triệu đồng tiền thuế” - ông Nguyễn Tuấn cho biết. Cũng theo các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, từ nay đến cuối năm lượng tiêu thụ cũng như lượng xe lắp ráp, nhập khẩu sẽ giảm mạnh. Lượng ô tô nhập khẩu của các doanh nghiệp thời điểm này có thể đã “dự trữ” gần đủ cho nhu cầu tiêu thụ từ nay đến cuối năm, các hãng sẽ giảm nhập khẩu.