Cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn cám cảnh "gần nhà, xa ngõ"

ANTD.VN - Mặc dù đoạn đường nối ra đường Võ Chí Công đã thông tuyến, song hàng nghìn cư dân của khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không được sử dụng đoạn đường này mà phải đi vòng hơn chục kilomet ra đường Phạm Văn Đồng để ra ngoài khiến nhiều người bức xúc.

Cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn cám cảnh "gần nhà, xa ngõ" ảnh 1Khu đô thị Ngoại giao đoàn

Đoạn đường trên nằm trong Dự án Tây hồ Tây Hà Nội (dự án nằm sát khu Ngoại giao đoàn). Ở đầu đoạn đường (nơi tiếp giáp với khu Ngoại giao đoàn), chủ đầu tư dự án trên đã cho quây tôn kín nhằm ngăn không cho cư dân bên ngoài đi vào.

Thực tế khác xa quảng cáo

Trong đơn gửi Báo ANTĐ, một số cư dân sống tại Dự án Khu ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh, theo quảng cáo của các chủ đầu tư và quy hoạch đã được phê duyệt, khi bàn giao căn hộ, một số tuyến đường liên quan với khu đô thị này sẽ được hoàn thành như tuyến đường thông ra đường Võ Chí Công nên không ít khách hàng đã mua các căn hộ tại dự án này.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều tòa nhà chung cư được bàn giao và đưa vào sử dụng như No3 T8, No4 T1-T2, No2 T1-T2; No3 T1, No1T2, No1 T3, No3 T2 và No4 A với khoảng 2.000 cư dân sinh sống và con số này tiếp tục tăng  nhanh trong thời gian tới.

Tuy vậy, dù mới dọn về ở nhưng cư dân đã nhanh chóng thất vọng bởi hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối dự án với bên ngoài cũng như hạ tầng nội khu vẫn trong tình trạng dang dở, trong đó, vấn đề gây bức xúc nhất là đường giao thông. Do chỉ được sử dụng một tuyến đường độc đạo từ đường Phạm Văn Đồng vào, với mật độ xe đông đúc, gây mất an toàn giao thông nên khu Ngoại giao đoàn chẳng khác gì ốc đảo.

Đặc biệt là từ khi dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng được triển khai, khu vực lối ra duy nhất của khu Ngoại giao đoàn thường xuyên ùn tắc. Cũng vì lý do này, nhiều  căn hộ đã bàn giao không có dân đến ở, các tầng thương mại của các chủ đầu tư bỏ không và Trạm y tế của phường xây xong cũng chưa được đưa vào sử dụng vì không có lối vào, gây lãng phí không nhỏ về tiền bạc của người dân, chủ đầu tư và nhà nước.

Tiếp xúc với phóng viên ANTĐ, ông Cao Xuân Tùng ở nhà No3 T2 khu Ngoại giao đoàn kiến nghị: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng kết nối hạ tầng giữa Dự án khu Ngoại giao đoàn với khu Tây hồ Tây để cư dân dự án được đi trên con đường đã nối thông với đường Võ Chí Công (dù đoạn đường này mới chỉ hoàn thành một phần). Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần khẩn trương tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng và kết nối hạ tầng giao thông các tuyến như đường thông ra Xuân La, Nguyễn Văn Huyên… theo đúng quy hoạch”.

Cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn cám cảnh "gần nhà, xa ngõ" ảnh 2Đoạn đường đã bị quây tôn rào kín

Đường không thể là của riêng chủ đầu tư

Về vấn đề trên, theo đại diện Ban QLDA khu đô thị Ngoại giao đoàn, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Bắc Từ Liêm, đơn vị này đã chuẩn bị sẵn sàng kết nối hạ tầng và về nguyên tắc, các dự án cạnh nhau phải khớp nối hạ tầng với nhau mặc dù Dự án Tây hồ Tây nằm ngoài phạm vi đất của khu Ngoại giao đoàn. 

Trước kiến nghị của người dân, ngày 21-8 vừa qua, BQL Dự án khu Ngoại giao đoàn đã cùng một số đơn vị liên quan làm việc với chủ đầu tư Dự án Tây hồ Tây về nhiều nội dung, trong đó có đoạn đường khớp nối ra đường Võ Chí Công.

Theo chủ đầu tư Dự án Tây hồ Tây, đoạn đường đang sử dụng là đường tạm, chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng (chưa có hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng) nên không đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Do vậy, về lâu dài người dân khu Ngoại giao đoàn phải chờ chính quyền thực hiện công tác GPMB để thi công tuyến đường 60m.

Được biết, theo quy hoạch, đường nối đường Võ Chí Công với đường Phạm Văn Đồng khi hoàn thành sẽ giúp giao thông khu vực Tây Bắc Hà Nội trở nên thông suốt, khiến việc đi lại của người dân được thuận tiện, làm giảm áp lực giao thông của tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Ngoài tuyến đường 60m nối đường Phạm Văn Đồng và đường Võ Chí Công nêu trên, một tuyến đường quan trọng khác cũng sẽ được triển khai tại khu vực này là đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (nối từ Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Hoàng Tôn). Trong khi chờ các dự án trên hoàn thành, để đảm bảo việc đi lại của người dân, giảm ùn tắc giao thông tại khu vực, chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền cần làm việc với chủ đầu tư Dự án Tây hồ Tây nhanh chóng kết nối với các dự án lân cận. Bởi đường giao thông là đường chung, do Nhà nước đầu tư nên không thể thuộc sở hữu riêng của bất cứ chủ đầu tư nào.