Ám ảnh và nhọc nhằn đời lái tàu

ANTD.VN - Tôi cứ nghĩ, lái xe lửa đơn giản hơn ô tô gấp trăm lần. Bởi lái ô tô còn phải liên tục đánh vô lăng, nhìn ngang nhìn dọc để tránh phương tiện khác. Còn lái tàu thì cứ đường mình mình đi, chỉ có vỏn vẹn hai thao tác: tăng tốc khi rời bến và đạp phanh lúc về ga. Thế nhưng, khi ngồi trò chuyện với  những lái xe của Phân xưởng vận dụng đầu máy Hà Nội mới hay, nghề lái tàu còn áp lực hơn các nghề khác cả nghìn lần.

Ám ảnh và nhọc nhằn đời lái tàu ảnh 1

Ngặt nghèo như tuyển phi công

Đến tận bây giờ vụ tai nạn đường sắt xảy ra ngày 24-5-2018 với tàu SE19 tại Trường Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa vẫn chưa thôi ám ảnh những lái xe của cả phân xưởng. Sau vụ tai nạn, chiếc đầu máy móp méo đã được kéo về Hà Nội và nằm ngay trên đường ray chỉ cách văn phòng của các lái tàu độ 50m. Nó nằm đó để đợi đưa vào sửa chữa, nhưng hàng ngày mỗi lần đi qua nhìn vào khoang lái bẹp rúm sau cú đâm khủng khiếp, các lái tàu lại lấy đó làm bài học cho riêng mình.

Anh Nguyễn Cảnh Dương, Đội lái máy 4, Phân xưởng vận dụng đầu máy Hà Nội bùi ngùi bảo: “Hai đồng nghiệp tử nạn, thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Tai nạn là điều không ai muốn, nhưng chúng tôi chỉ ước, giá như mỗi người dân chỉ cần có ý thức tham gia giao thông một chút thôi thì cuộc sống này cũng đã hạnh phúc rồi”.

Anh Dương là “kiện tướng lái tàu” có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với cái khoang cabin chật hẹp lúc nào cũng rầm rầm tiếng động cơ vào hôi rình mùi dầu máy Diezel. “Nghề lái tàu coi vậy mà vất vả lắm, bởi để khuất phục một khối máy móc nặng hàng trăm tấn thì đòi hỏi người điều khiển phải cực kỳ dày dạn kinh nghiệm” - anh Dương nói.

Thông thường, nếu muốn theo nghề lái tàu, một học viên phải trải qua 3 năm học tập tại trường Cao đẳng nghề Đường sắt. Quãng thời gian đó họ sẽ phải học đủ các khoa mục từ thông tin tín hiệu, sửa chữa máy móc cho tới lý thuyết vận hành đầu máy, toa xe. Thế nhưng,  sau khi ra trường, với những kiến thức đó  thì không thể lái tàu được. Sau công đoạn “dùi mài kinh sử”, lúc này họ sẽ bước tiếp vào giai đoạn mới cũng gian nan không kém, đó là đi làm lái phụ 1.

Thông thường, thời gian để một lái phụ có thể lành nghề là 3 năm. Sau 3 năm, họ sẽ phải trải qua một kỳ thi sát hạch vô cùng nghặt nghèo của ngành đường sắt. Nếu may mắn lọt qua kỳ thi này thì lái phụ sẽ được cấp bằng lái tàu chính thức và bắt đầu làm lái chính. Nếu không, con đường duy nhất là tiếp tục 3 năm nữa làm lái phụ 2 hoặc chuyển công tác khác. Anh Dương cười: “Những ai hoàn thành xong thêm 3 năm lái phụ 2 thì hầu như đều đã “thành tinh” cả rồi. Với 10 năm vừa học vừa làm như vậy thì tôi chưa thấy ai không đỗ kỳ thi cấp bằng lái tàu cả. Điều này cho thấy, muốn trở thành một lái tàu sẽ vất vả và gian nan hơn việc lái ô tô như thế nào”.

Gian nan nghiệp lái

Sở dĩ việc tuyển chọn lái tàu của ngành đường sắt khắt khe như vậy bởi phía sau họ là cả cỗ máy  trị giá trăm tỷ đồng cùng hàng nghìn hành khách đang được giao phó tính mạng và sự an toàn. Để có được tấm bằng lái tàu đã gian khổ, nhưng khi chính thức điều khiển đoàn tàu, người lái còn phải tuân thủ những quy định cũng ngặt nghèo không kém về đảm bảo an toàn chạy tàu. 

Trước khi tàu chạy 2 giờ, lái chính và lái phụ đã phải có mặt để làm thủ tục nhận lệnh. Xong công đoạn này, họ sẽ phải thực hiện công tác kiểm tra tình trạng sức khỏe, kiểm tra nồng độ cồn. Nếu tất cả đều ổn thì tiếp đến là hoàn thành một bài kiểm tra trắc nghiệm giống như thi Luật ANGT đường bộ. “Cả cuộc đời lái tàu, chúng tôi lặp đi lặp lại các bài thi trắc ngiệm đó đến mức hàng trăm câu hỏi đều thuộc nằm lòng. Nhưng đừng tưởng như thế là dễ dàng vượt qua. Chỉ cần chủ quan, mất tập trung trong giây lát mà trả lời sai là lập tức máy tính sẽ đánh trượt. Điều đó cũng có nghĩa là hôm đó lái tàu sẽ bị tạm đình chỉ và người khác sẽ phải thay thế” - Anh Trần Đình Khương, cán bộ lái tàu của Đội lái máy 2, Phân xưởng vận dụng đầu máy Hà Nội cho biết.

Khi đã thực hiện xong các thủ tục bắt buộc như trên, lúc này lái tàu mới đủ điều kiện để ra nhận đầu máy từ xưởng bảo dưỡng. Công việc cuối cùng mà họ phải thực hiện trước khi cho đầu máy vào ga là chia nhau đi kiểm tra tình trạng vận hành của con tàu. Kiểm tra mức nhiên liệu, hệ thống điện, phanh, nước, các thông số kỹ thuật và cuối cùng là ký nhận bàn giao từ xưởng bảo dưỡng xong xuôi thì lúc này đoàn tàu đã thuộc trách nhiệm của tổ lái.

Một tổ lái máy hiện nay là 6 người chia làm 3 kíp, mỗi kíp 2 người. Anh Khương bảo: “Luật Lao động quy định làm 8 tiếng mỗi ngày thì mỗi kíp chúng tôi cũng ở trên đầu máy chừng ấy thời gian suốt quãng đường tàu chạy. Thế nhưng nếu cán bộ công sở sau giờ làm việc sẽ được về nhà thì cánh lái tàu lại chỉ được xuống toa khách nghỉ ngơi để kíp số 2 thay thế. Tiếng là được nghỉ, nhưng rút cuộc chúng tôi vẫn cứ đi theo đoàn tàu. Tới ga cuối, chúng tôi làm thủ tục nhận toa mới rồi lại quay ra. Công việc cứ đều đều như thế, thành ra làm nghề này chẳng mấy khi có thời gian ở nhà giúp đỡ vợ con bởi  chuyến đi này lại nối chuyến đi khác”.

Các đầu máy hiện nay đều trang bị máy tính kiểm soát sự tập trung của lái xe. Cứ 40 giây, nếu người lái không có thao tác nào trên bảng điều khiển là lập tức hệ thống cảnh báo sẽ phát tín hiệu báo động. 15h giây tiếp theo, nếu vẫn không nhận biết được sự can thiệp của lái tàu thì ngay lập tức hệ thống phanh khẩn cấp sẽ tự động kích hoạt và cả đoàn tàu sẽ bị dừng giữa đường. Đây là biện pháp an toàn bắt buộc của ngành đường sắt bởi nếu để một đoàn tàu nặng 600 tấn lao đi không kiểm soát thì hậu quả sẽ khôn lường. Vậy  nên trong suốt cuộc hành trình hầu như lái tàu luôn phải đảm bảo trong tình trạng tỉnh táo và mắt luôn nhìn về phía trước. 

Buồn vui trên những nẻo đường

Mấy chục năm cầm lái các con tàu, anh Dương, anh Khương cũng chẳng nhớ nổi mình đã chạy bao nhiêu chuyến. Các anh bảo, công việc áp lực thật đấy, nhưng rồi làm mãi cũng thành quen. Ví dụ bây giờ xin nghỉ phép độ chục ngày lại thấy nhớ cái mùi dầu Diezel hôi rình trong khoang lái. Nhưng có một chuyện mà họ không bao giờ quen, ấy là các vụ tai nạn vẫn thỉnh thoảng xảy ra đâu đó trên các cung đường. Chỉ nghĩ đến thôi cũng đã sợ nổi da gà.

Tai nạn giao thông đường sắt trở thành nỗi ám ảnh thường trực với cánh lái tàu bởi hầu hết chúng rất tang thương và khủng khiếp. “Hầu hết vụ tai nạn nào chúng tôi nhìn thấy trước. Cứ hình dung, chúng tôi ngồi trên đầu máy có thể nhìn rõ cảnh một chiếc xe máy, ô tô, hoặc người đi bộ từ đường ngang chuẩn bị lao qua đường sắt. Mặc dù liên tục kéo còi và giật phanh khẩn cấp, nhưng để đoàn tàu dài 300m dừng lại được thì cũng phải mất 800m trượt trên đường ray. Và tai nạn cứ như một thước phim quay chậm trước mắt chúng tôi, khoảng cách cứ ngắn dần ngắn  dần và... Chúng tôi nhìn thấy trước hậu quả mà không cách gì ngăn lại được. Trong suốt quãng thời gian chứng kiến tai nạn diễn ra ấy, tuy ngắn ngủi nhưng là sự tra tấn thần kinh khủng khiếp. Mọi cơ bắp căng cứng, bàn tay bóp chặt cần phanh, các ngón chân bấm xuống sàn tàu trong một phản xạ vô thức. Kể lại thì như vậy, nhưng tôi tin không một ai muốn trải nghiệm sự kinh hoàng của chúng tôi khi đó” - anh Dương tâm sự.

Đến tận bây giờ anh Khương vẫn không thể quên ánh mắt một thanh niên đã tìm đến cái chết ở đoàn tàu của mình. Anh kể: “Khi tàu về đến gần Thường Tín thì phát hiện một thanh niên độ 30 tuổi từ dưới đường nhựa chui qua rào bảo vệ hành lang đường sắt lao lên đứng trên tà vẹt. Anh ta đứng thẳng, dang 2 tay, mắt nhìn về phía đoàn tàu, ý định tự sát. Tớ hét lên với lái chính đến lạc giọng: “có người...”. Cả đoàn tàu bị hãm đột ngột, các toa tàu rầm rầm thúc phía sau với những tiếng va chạm rợn người, nhưng không thể kịp nữa. Đến tận bây giờ, tớ vẫn không thể quên được ánh mắt của anh ta nhìn mình lúc đó”.

Cứ mỗi vụ tai nạn thì chính các lái tàu, trưởng tàu lại phải thu dọn hiện trường. Đây là công việc chẳng ai muốn làm, nhưng lúc này đoàn tàu và hành khách đang đặt dưới trách nhiệm của họ. Chỉ có tình yêu nghề mới giúp họ hoàn thành công việc trong những tình huống chẳng đặng đừng như thế.

Hầu hết vụ tai nạn nào chúng tôi nhìn thấy trước. Cứ hình dung, chúng tôi ngồi trên đầu máy có thể nhìn rõ cảnh một chiếc xe máy, ô tô, hoặc người đi bộ từ đường ngang chuẩn bị lao qua đường sắt. Mặc dù liên tục kéo còi và giật phanh khẩn cấp, nhưng để đoàn tàu dài 300m dừng lại được thì cũng phải mất 800m trượt trên đường ray. Và tai nạn cứ như một thước phim quay chậm trước mắt chúng tôi, khoảng cách cứ ngắn dần ngắn  dần và... 

Anh Nguyễn Cảnh Dương

(Đội lái máy 4, Phân xưởng vận dụng đầu máy Hà Nội)