Xót xa nhà tái định cư bị bỏ hoang 10 năm, chưa ở đã đề xuất đập bỏ

ANTD.VN - Được xây dựng cách đây hơn 10 năm nhưng vẫn bỏ không, 3 tòa nhà tái định cư (No2, No3, No4) gồm 150 căn hộ ở Khu đô thị Sài Đồng, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội hiện đã xuống cấp nghiêm trọng dù chưa qua một ngày sử dụng.

Các tòa nhà trên được xây dựng làm nhà tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng. Khi nghe thông tin đơn vị chủ đầu tư đề xuất có thể đập bỏ 3 dãy nhà này để xây dựng lại do đã bị hư hỏng khá nhiều, không ít người cảm thấy xót xa, tiếc nuối và cả giận dữ vì sự lãng phí lớn.

Địa thế đẹp vẫn thành… nhà hoang

Ba tòa nhà thuộc dự án nhà tái định cư được triển khai từ năm 2001-2006 do Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO3) làm chủ đầu tư, mỗi tòa cao 6 tầng, không có thang máy. Những tòa nhà này nằm ở ngay khu vực ngã tư thuộc Khu đô thị Sài Đồng với hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, xen kẽ giữa các khu nhà cao tầng khác với số lượng dân cư sinh sống khá đông đúc. Mặc dù nằm ở vị trí đẹp, giao thông thuận lợi nhưng hiện chưa có hộ dân nào thuộc diện tái định cư dọn về ở nên những khu nhà này chẳng khác nào nhà hoang, rác thải ngập ngụa, trở thành nơi trú ngụ của ruồi, muỗi, gián và chuột. 

Do khu vực tiểu cảnh xung quanh các tòa nhà cỏ dại mọc um tùm nên một số người dân tại khu vực đã dọn cỏ, xới đất tận dụng để trồng rau. Ở khu vực tầng 1 của một tòa nhà được dùng làm kho chứa thiết bị, vật liệu xây dựng. Cầu thang, sàn nhà ở các tầng bong tróc nham nhở, bụi phủ dầy. Trao đổi với chúng tôi, bà Vương Thị Thắng - người dân sống tại khu vực này cho biết, dù đã sống ở đây gần 10 năm,  từ khi 3 tòa nhà trên mới hoàn thành, song chưa khi nào bà thấy có người dân dọn về ở. Do nhà bỏ hoang, không có đơn vị nào quản lý, sửa chữa nên xuống cấp nhanh chóng.

Nay nghe tin mấy tòa nhà này có thể bị đập bỏ để xây mới, bà Vương Thị Thắng không khỏi xót xa. “Xây thì khó nhưng đập thì dễ. Có những người làm lụng tích cóp cả đời vẫn không có nổi chỗ chui ra chui vào, còn đằng này, nhà ở vị trí rất đẹp, xây khang trang xong rồi bỏ không, gây lãng phí rất lớn. Theo tôi, cơ quan chức năng cần kiểm tra, sửa chữa lại các khu nhà này chứ không nên đập đi xây mới,  tốn kém tiền của và công sức”, bà Vương Thị Thắng bức xúc bày tỏ. 

Còn theo ông Nguyễn Văn Đức, người sống tại khu chung cư ngay sau 3 dãy nhà trên, 3 dãy nhà có thiết kế chẳng khác gì nhà khu tập thể thời bao cấp nên khó có thể thu hút được người dân chuyển đến. “Chi phí xây dựng các khu nhà này lên tới hàng chục tỷ đồng, nay nếu phải đập bỏ thì cần xem xét làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan, tránh gây lãng phí tiền của Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ. 

Xót xa nhà tái định cư bị bỏ hoang 10 năm, chưa ở đã đề xuất đập bỏ ảnh 2Những khu nhà rác thải ngập ngụa, trở thành nơi cư trú của ruồi muỗi

Cần truy trách nhiệm

Theo quy định của pháp luật về tái định cư, cơ quan chức năng phải xây dựng nhà cho người dân rồi mới có thể di chuyển họ để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều nhà tái định cư bỏ không là do chúng không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân, chẳng hạn như người trong diện phải giải phóng mặt bằng ở quận Đống Đa nhưng lại bố trí tái định cư ở tận Long Biên nên họ không mặn mà với nhà tái định cư hoặc có nhận thì cũng không ở.

“Nhà tái định cư là nhà dành cho những hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nên việc cấp nhà tái định cư cho người có đất bị thu hồi cũng phải quản lý về chất lượng theo đúng quy định. Theo Điều 40, Luật Nhà ở năm 2014 quy định về chất lượng nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở và công trình xây dựng trong dự án chỉ được nghiệm thu nếu đáp ứng yêu cầu về thiết kế, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Chủ đầu tư dự án không được thay đổi thiết kế diện tích nhà ở và công trình phụ trợ (nếu có) để phục vụ tái định cư sau khi cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt phương án bố trí tái định cư”, luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích.

Việc bố trí nhà ở cho người được tái định cư chỉ được thực hiện sau khi nhà ở đã được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng. Luật cũng quy định rõ, các tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở để phục vụ tái định cư gồm: Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng xây dựng - chuyển giao để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư; Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra công tác quản lý chất lượng nhà ở để phục vụ tái định cư trên địa bàn.  

Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan khi thực hiện dự án (chủ đầu tư, đơn vị thi công, thiết kế…). Khi công trình kém chất lượng, không hiệu quả, hư hỏng thì các cá nhân, đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới, tùy theo mức độ phải bồi thường. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Để có thông tin nhiều chiều về các khu nhà tái định cư xuống cấp ở Khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, phóng viên Báo ANTĐ đã liên hệ với đại diện đơn vị chủ đầu tư là Công ty HANCO3 thì bị từ chối với lý do lãnh đạo đi công tác. Còn tại Xí nghiệp quản lý nhà trực thuộc đơn vị này có trụ sở tại một trong 3 tòa nhà tái định cư trên và UBND quận Long Biên, chúng tôi lại nhận được câu trả lời: “Không có thẩm quyền quản lý”. Có lẽ đây cũng là lý do khiến câu hỏi: “Ba dãy nhà tái định cư tại Khu đô thị Sài Đồng xây xong rồi bỏ hoang đến bao giờ?” chưa có hồi âm.

Gây lãng phí lớn, khó chấp nhận

Xót xa nhà tái định cư bị bỏ hoang 10 năm, chưa ở đã đề xuất đập bỏ ảnh 3Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

- PV: Ông đánh giá thế nào trước thông tin ba khu nhà tái định cư tại Khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội đang có đề xuất đập bỏ dù dân chưa về ở ngày nào?

- Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Việc xây dựng các khu nhà tái định cư là nhằm phục vụ di dân mở đường giải phóng mặt bằng các dự án. Việc kiến nghị dỡ bỏ hàng trăm căn hộ tái định cư không có người ở trong khi nhà ở đang là nhu cầu cấp thiết của nhiều gia đình, đặc biệt là những hộ có thu nhập thấp, những công chức sống bằng lương ngân sách sẽ gây lãng phí lớn, là điều khó chấp nhận được.

- Theo ông, vì sao người dân không mấy mặn mà với các khu nhà tái định cư, dù những căn hộ này rộng rãi, khang trang hơn nơi họ đang sống?

- Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Ai cũng biết, mục đích tốt đẹp của công tác tái định cư là để người dân ở những khu phải giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án của Nhà nước được đến ở tại những khu nhà mới với chất lượng tốt hơn so với nơi họ đang sống. Tuy vậy, trên thực tế, không ít khu nhà tái định cư xây dựng xong không có dân đến ở hoặc xuống cấp trầm trọng chỉ sau một vài năm đưa vào sử dụng. Nguyên nhân một phần do tiến độ các dự án bị chậm, bên cạnh đó nhiều hộ dân không muốn chuyển về do chất lượng nhà tái định cư thấp, lại thường ở những khu vực xa trung tâm, hạ tầng thiếu, lại xa trường học, bệnh viện… Trong khi đó, người dân không chỉ cần có nơi ở mà còn cần có công ăn việc làm, có nguồn thu để sống.

- Vậy theo ông, có nên đập bỏ những khu nhà tái định cư đã xuống cấp để xây dựng lại?

- Nhà tái định cư chủ yếu được xây dựng bằng tiền từ ngân sách Nhà nước cấp. Tuy vậy, so với các khu nhà ở thương mại, chất lượng nhà tái định cư thấp hơn hẳn. Không ít người đã đặt câu hỏi, tại sao những khu tập thể cũ được xây dựng với công nghệ cũ, đã tồn tại từ 30-40 năm nhưng vẫn sử dụng được, còn nhà tái định cư chưa sử dụng hoặc mới sử dụng vài năm đã xuống cấp nghiêm trọng? Điều này cho thấy sự thiếu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý nhà tái định cư của các đơn vị liên quan.

 Do vậy, để có giải pháp phù hợp đối với các khu nhà này, cơ quan chức năng cần sớm thành lập hội đồng kiểm tra độc lập nhằm đánh giá lại chất lượng thực tế của các dãy nhà, trên cơ sở đó có giải pháp xử lý phù hợp. Nếu chất lượng nhà còn tốt thì cần quy hoạch và cải tạo lại cho hợp lý. Nếu nhà đã quá xuống cấp phải đập bỏ thì cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại vị trí xây dựng khu tái định cư đã hợp lý chưa, người dân sống ở tái định cư sẽ sinh sống ra sao…

- Để tránh xảy ra những trường hợp tương tự, theo ông cần có giải pháp căn cơ nào?

- Có thể nói, sự bất hợp lý trong công tác quy hoạch các khu nhà tái định cư khiến nó không đạt được mục đích tốt đẹp như mong muốn. Trong khi đó, người dân khi chuyển đến nơi ở mới điều họ cần nhất không phải diện tích rộng mà là điều kiện sống. Điều này lý giải vì sao dân phố cổ vẫn chấp nhận ở nhà 10m2 nhưng không chuyển sang nhà tái định cư có diện tích lớn hơn nhiều lần. Do đó, giải pháp căn cơ là cần quy hoạch lại, xây dựng nhà tái định cư trong các khu đô thị để người dân được hưởng các dịch vụ, tiện ích từ các khu đô thị này. Bên cạnh đó, người dân các khu tái định cư cũng được tạo điều kiện về công ăn việc làm như trông trẻ, làm giúp việc, lao công, bảo vệ, bán hàng… tại các tòa chung cư thương mại. Ngoài ra, một điều rất quan trọng nữa là trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, cần tham vấn ý kiến người dân - những người sẽ chuyển đến sinh sống tại đó. Nếu không làm tốt những vấn đề trên, tình trạng nhà tái định cứ cứ xây xong rồi bỏ hoang sẽ tiếp tục tái diễn nhưng không ai chịu trách nhiệm - đây là câu chuyện nhức nhối về quản lý đô thị. 

Huệ Anh (Thực hiện)

Xây dựng nhà mà dân không ở tức là có vấn đề

Đối với 150 căn hộ tái định cư ở khu đô thị Sài Đồng và hàng nghìn căn hộ chung cư khác trên địa bàn thành phố đang bị bỏ hoang, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý. Ngoài ra, khi xây dựng nhà mà người dân không nhận, không đến ở tức là những khu nhà đó có vấn đề về quy hoạch, giá cả hoặc chất lượng, bởi nhu cầu nhà ở của người dân luôn bức thiết. Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhà tái định cư ở một số nơi trong thời gian qua không bảo đảm các yếu tố cần thiết về hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích đi kèm.... Không ít khu tái định cư được xây dựng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để tránh lãng phí tiền của Nhà nước, trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện theo quy định Luật Nhà ở, tiến hành đền bù bằng tiền thỏa đáng đồng thời đưa ra những phương án phù hợp với điều kiện của người dân”.

Bà Phạm Thị Phương (Khu tái định cư Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)

Tạo điều kiện cho người dân lựa chọn nơi ở phù hợp

Công tác quản lý ở một số khu tái định cư không gắn được trách nhiệm của đơn vị xây dựng với quản lý vận hành sau đầu tư khiến chất lượng nhà tái định cư không đảm bảo. Điều này xuất phát từ quan niệm là tái định cư nhà bao cấp, được Nhà nước chi tiền cho nên chủ đầu tư xây xong, không cần phải bán, chỉ bàn giao cho các công ty quản lý và phát triển nhà quản lý. Do vậy, các đơn vị này thường chọn xây nhà cách xa trung tâm thành phố, khi xây dựng cắt giảm chi phí đến mức tối đa khiến nhà chung cư chỉ đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp. 

Nhằm đảm bảo lợi ích của cả người dân và Nhà nước, thay vì ấn định nơi tái định cư, nên để người dân lựa chọn nơi ở phù hợp với điều kiện sinh hoạt của gia đình mình tại các dự án khác nhau do cơ quan chức năng đưa ra. Điều này cũng hạn chế được hiện tượng tiêu cực trong việc mua bán suất nhà tái định cư, đồng thời làm tăng tính cạnh tranh của loại hình nhà ở phục vụ tái định cư. Có như vậy chất lượng nhà tái định cư sẽ ngày càng được nâng lên, thu hút sự quan tâm của người dân trong diện phải giải phóng mặt bằng”.

Kỹ sư Nguyễn Đức Hoàng (Công ty Xây dựng Bạch Đằng)