Xây căn hộ 150 triệu đồng tại Hà Nội: Phải loại bỏ tư duy "giá rẻ nên làm qua loa"

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, định hướng chung là xây nhà giá rẻ cho công nhân nhưng nên thực hiện theo phương thức thị trường.

Tại hội nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại công nhân lao động các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội năm 2017 diễn ra mới đây, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sẽ xây dựng chung cư với diện tích 30-50m2, giá thành chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2, đảm bảo chỉ khoảng 150 triệu đồng/căn hộ đi kèm có nhà trẻ, siêu thị… để phục vụ đời sống công nhân. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, việc xây dựng với mức giá như trên tại Hà Nội là khó khả thi. 

Xây căn hộ 150 triệu đồng tại Hà Nội: Phải loại bỏ tư duy "giá rẻ nên làm qua loa" ảnh 1Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng nhà giá rẻ tại Hà Nội hoàn toàn khả thi khi có cơ chế về quỹ đất và giá đất 

Người lao động mong mỏi

Nhiều ý kiến người lao động mong muốn thành phố Hà Nội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có chính sách để xây dựng nhà giá rẻ như mô hình đã được xây dựng ở tỉnh Bình Dương. Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, nhu cầu về nhà giá rẻ của công nhân tại các khu công nghiệp là rất lớn.

Chị Đinh Thu Thảo, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Nội Bài cho biết: “Chúng tôi thường đến từ các tỉnh xa, vì vậy đa số đều phải thuê nhà. Điều kiện sống vì vậy chưa thực sự đảm bảo khi phải ở trọ trong những căn hộ chật hẹp chỉ hơn chục mét vuông. Nhất là những người đã lập gia đình, có con nhỏ thì mong muốn có căn hộ riêng, đáp ứng được nhu cầu cơ bản là hết sức cần thiết”.

Hồ hởi đón nhận thông tin sẽ triển khai mô hình nhà ở giá rẻ cho công nhân ở Hà Nội, anh Trịnh Huy Thành, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh chia sẻ: “Khi biết thông tin tỉnh Bình Dương xây nhà giá 100 triệu đồng dành cho công nhân, rồi sau đó là TP.HCM cũng lên kế hoạch, chúng tôi cũng rất kỳ vọng việc Hà Nội triển khai mô hình này. Chính vì vậy, khi được biết Hà Nội sắp triển khai chúng tôi rất vui mừng”.

Trong khi người lao động mong mỏi sẽ có nhà giá rẻ 100-150 triệu đồng dành cho công nhân các khu công nghiệp, thì không ít ý kiến cho rằng, mô hình này rất khó triển khai tại Hà Nội. Phó Giám đốc một công ty bất động sản có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà giá rẻ tại TP.HCM chia sẻ, vướng mắc lớn nhất của Hà Nội khi xây dựng chính là chi phí giải phóng mặt bằng lớn. 

Cùng với đó, giá xây dựng của Hà Nội cao hơn, tiền vật tư, tiền nhân công tính theo đơn giá Nhà nước cũng rất cao dẫn đến giá căn hộ khó rẻ.

Có cơ chế thì hoàn toàn khả thi

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, điểm quan trọng để xây dựng nhà giá rẻ là vấn đề giá đất, giá hạ tầng. Nếu giá đất thấp thì giá thành của căn hộ cũng hạ xuống. “Để xây dựng nhà giá rẻ, cần giảm bớt tiền sử dụng đất, Nhà nước có thể lấy một phần hoặc không lấy. Tiếp nữa, cũng nên lựa chọn những vị trí có sẵn hạ tầng, không phải đầu tư nhiều”, TS Phạm Sỹ Liêm chia sẻ.

“Sẽ xây dựng chung cư với diện tích 30-50m2, giá thành chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2, đảm bảo chỉ khoảng 150 triệu đồng/căn hộ đi kèm có nhà trẻ, siêu thị… để phục vụ đời sống công nhân”.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Chuyên gia này cho rằng, việc xây dựng nhà giá rẻ cho công nhân gần các khu công nghiệp là hoàn toàn khả thi. “Nhà giá rẻ cho công nhân được xây gần các khu công nghiệp, công nhân có thể đi bộ, hay đi xe đạp để tới nơi làm việc. Với vị trí xây dựng như vậy, chắc chắn giá thành cũng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc xây dựng ở các khu trung tâm” - ông Phạm Sỹ Liêm nói. 

Liên quan tới mô hình xây dựng nhà giá rẻ, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với một số địa phương, để địa phương bố trí quỹ đất sạch. Tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã bàn bạc với UBND TP Hà Nội để thành phố bố trí đất gần các khu công nghiệp. Bước đầu, việc đầu tư xây nhà giá rẻ sẽ được thực hiện tại 1-2 khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của người lao động. 

Trước những băn khoăn về chất lượng nhà giá rẻ liệu có được đảm bảo, TS Phạm Sỹ Liêm đề xuất: “Chính sách là xây nhà giá rẻ cho công nhân nhưng nên thực hiện theo phương thức thị trường chứ không phải phương thức bao cấp. Không nên giao cho một doanh nghiệp làm rồi tốt xấu gì cũng có người dùng. Cần tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà thầu có năng lực.

Những nhà thầu yếu kém, có lịch sử xây dựng các công trình không đảm bảo chất lượng thì không cho tham gia. Mặt khác, phải có đội ngũ tư vấn giám sát chất lượng, thực hiện đầy đủ các thủ tục, tránh tư duy giá rẻ mà làm qua loa”.