Thấp thỏm sống trong nhà nghiêng, lún

ANTD.VN - Cách đây vài năm, cơ quan chức năng sau khi kiểm tra một số khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội đã xếp nhà G6A ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội ở mức D (nhà nguy hiểm, cần tháo dỡ khẩn cấp). Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại công trình này vẫn chưa được  cải tạo, sửa chữa.

Sau khi có kết quả khảo sát, tháng 4-2016 UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo phải di dời người dân nhà G6A ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng đã 1 năm trôi qua, hàng chục hộ dân vẫn sống trong khu nhà này. 

Thấp thỏm sống trong nhà nghiêng, lún ảnh 1Nhà G6A Thành Công

Hai đơn nguyên tách rời nhau đến nửa mét

Khảo sát tại khu nhà này sáng 20-4, chúng tôi thấy, nhà G6A Thành Công cao 5 tầng, gồm 2 đơn nguyên. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, đơn nguyên 1 và 2 đã bị sụt lún, tách ra làm đôi, có những điểm rộng khoảng nửa mét. Theo một số người dân sống tại khu vực, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún là do khu vực này trước đây là ao hồ.

Bên cạnh đó, do thời gian sử dụng khá lâu nên các hạng mục bên trong khu nhà này đã xuống cấp. Hầu hết tại các tầng đều có hiện tượng vữa bong tróc thành từng mảng, nhiều đoạn dầm trơ cả phần sắt thép đã bị hoen gỉ. Tại một số chỗ tường xuất hiện những vết nứt khá rộng. Ngoài ra, tình trạng cơi nới xây dựng trái phép của các hộ dân diễn ra khá phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Thu - người dân sống tại khu nhà này cho biết, năm trước, người dân đã được thông báo về phương án di dời khi xảy ra sự cố,  song di dời đi đâu, bố trí nơi tạm cư thế nào thì vẫn chưa có phương án cụ thể. “Nếu khu nhà này cải tạo, xây dựng lại thì hầu hết các hộ gia đình đều mong muốn sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ để đời sống, sinh hoạt của các hộ không bị xáo trộn. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn chính sách hỗ trợ tạm cư phải rõ ràng, tiền hỗ trợ mỗi hộ đi thuê nhà mỗi tháng, thời gian thi công công trình… nhằm tránh tình trạng dân đồng ý đi nhưng không biết khi nào mới được quay về” - bà Thu chia sẻ.

Thấp thỏm sống trong nhà nghiêng, lún ảnh 2 Khoảng cách giữa hai đơn nguyên khá rộng

Cũng theo bà Thu, hiện một số người sống trong nhà G6A vẫn tỏ ra hoài nghi về kết luận của cơ quan kiểm định xếp khu nhà vào loại D, bởi thông báo rất chung chung, còn căn cứ vào đâu để khẳng định nhà ở cấp độ D, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào thì không cơ quan nào nói rõ. Do vậy, một số hộ đã đề nghị kiểm tra, thẩm định lại trước sự chứng kiến của người dân. Trong trường hợp khu nhà bị nghiêng lún là có thật thì thay vì di dời toàn bộ các hộ gia đình,  trước mắt cơ quan chức năng cần triển khai các biện pháp xử lý chống lún…

Chưa có quỹ nhà tái định cư

Liên quan đến sự xuống cấp của nhà G6A, từ năm 2016, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND thành phố, UBND phường Thành Công đã thông tới người dân về kết quả khảo sát và mức độ nguy hiểm của công trình, đồng thời gắn biển thông báo ngay trước và sau khu nhà này với nội dung: “Nhà G6A Thành Công đã được cấp có thẩm quyền kiểm định đánh giá chất lượng hiện trạng nhà, các định mức độ nguy hiểm cấp D tại đơn nguyên 1 và 2, khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực đã không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể. Đề nghị các hộ dân đơn nguyên 1 và 2 chủ động tự tháo dỡ các phần cơi nới trái phép làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình và giảm tải tại các khu vực cơi nới”. 

Thấp thỏm sống trong nhà nghiêng, lún ảnh 3Thông báo nhà nguy hiểm cấp độ D treo ở ngay mặt tiền khu nhà

Theo ông Nguyễn Huy Toản, Chủ tịch UBND phường Thành Công, sau khi biết kết quả khảo sát, một số hộ dân đã đồng ý di dời nhưng hiện nay quỹ nhà tái định cư cho các hộ chưa có. Bên cạnh đó, một số gia đình cũng yêu cầu chính quyền, cơ quan liên quan thẩm định, đánh giá lại  hiện trạng khu nhà chính xác đang ở cấp độ nào để người dân nắm rõ.

Được biết, ngoài nhà G6A, hiện trên địa bàn phường Thành Công còn hàng chục khu tập thể khác cũng bị xuống cấp khá nghiêm trọng, cần được cải tạo, xây mới. Tuy vậy, việc triển khai các dự án cải tạo các khu chung cư cũ không hề đơn giản.

Nguyên nhân do sự không thống nhất về lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư. Một số hộ dân không muốn di dời khỏi chung cư cũ vì lo không được quay về, cuộc sống bị đảo lộn, mất chỗ kinh doanh… Trong khi đó, chủ đầu tư, doanh nghiệp lại thiếu mặn mà do lợi nhuận thấp.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân trọng các khu chung cư cũ nguy hiểm, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng ban hành những chính sách phù hợp, hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư, giải quyết hài hòa quyền lợi giữa các bên liên quan.