Loay hoay giải bài toán "đất chờ trường, trường chờ đất"

ANTD.VN - 10 trên tổng số 25 dự án xây trường học ở quận Nam Từ Liêm bị đề xuất thu hồi do chậm trễ trong triển khai dù đã được giao đất. Trong khi đó, huyện Sóc Sơn thiếu trầm trọng trường mầm non nên đã cấp phép thành lập cho trường xây trên đất nông nghiệp...

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt khiến cho hầu hết các quận, huyện của Hà Nội đều rơi vào tình trạng quá tải trường học. Yêu cầu xây mới trường học trong các khu đô thị đông dân cư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách là bắt buộc với đa số các dự án nhà ở muốn được cấp phép ở Hà Nội. Tuy nhiên, việc chậm trễ trong triển khai khiến người dân bức xúc.

Loay hoay giải bài toán "đất chờ trường, trường chờ đất" ảnh 1Khu đất dành xây trường mầm non số 1 Phùng Chí Kiên vẫn bỏ không

Mải xây nhà, “quên” xây trường học

Quận Nam Từ Liêm hiện có tới 25 dự án xây trường được thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, khảo sát mới nhất ngày 9-11, khu đất do Tổng Công ty Phát triển phát thanh truyền hình thông tin Emico là chủ đầu tư tại xã Mễ Trì, dành xây dựng trường mầm non Emico từ 10 năm nay vẫn là khu đất trống, chưa có dấu hiệu khởi công. 

Tại quận Cầu Giấy, khu vực tập trung các dự án “vàng” của Hà Nội, nhiều trường học cũng đang chờ được đầu tư xây dựng như trường mầm non tại khu chung cư số 1 Phùng Chí Kiên, trường Mầm non Global - khu đô thị Yên Hòa, trường phổ thông liên cấp - khu Đông Nam Trần Duy Hưng...

Nguyên nhân chậm triển khai chủ yếu do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng... Nhận định về tình trạng này, ông Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP Hà Nội cho rằng, nhà để bán xây rất nhanh nhưng trường thì lại quây tôn để đấy, cố tình trì hoãn, chây ì, chậm tiến độ chờ thời cơ để chuyển đổi mục đích hay bán lại. Điều này đang gây bức xúc cho người dân địa phương khi tình trạng phát triển nóng dân số đang diễn ra ở hầu hết các quận, huyện Hà Nội khiến trường lớp quá tải.

Bên cạnh các dự án chậm trễ, cũng có dự án trường học đã hoạt động nhưng lại chưa hoàn thành thủ tục. Điển hình là dự án xây trường Mầm non Sơn Ca, huyện Sóc Sơn thuộc Công ty Phạm Gia. Đại diện doanh nghiệp này chia sẻ, trường đã được cấp phép thành lập tuy nhiên lại chưa được cấp phép xây dựng bởi được xây trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.

Về dự án này, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, huyện rất cần bổ sung nhiều trường mầm non bởi mới đáp ứng được hơn 60% nhu cầu trẻ ra lớp. Toàn huyện mới chỉ có 4 trường mầm non ngoài công lập cùng với nhiều nhóm trẻ gia đình. 

Về khó khăn trong việc hợp thức trường Mầm non Sơn Ca, ông Lê Hữu Mạnh cho biết, huyện Sóc Sơn không có quy hoạch về trường học mà chỉ có quy hoạch chung, không chỉ rõ vị trí xây trường. Trường Mầm non Sơn Ca vướng mắc khi làm thủ tục do xây trên vị trí quy hoạch là lô đất công cộng chứ không phải lô đất xây trường học. Huyện đã 2 lần báo cáo các sở, ngành liên quan nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục. 

Cần giải pháp mạnh 

Đánh giá về vướng mắc của dự án xây trường Mầm non Sơn Ca, ông Trần Thế Cương cho rằng, dù rất chia sẻ với chủ đầu tư có trách nhiệm, nhưng rõ ràng dự án không được thực hiện đúng quy trình. Ông Trần Thế Cương nhận định chủ đầu tư khi đã hoạt động kinh doanh thì phải chấp hành đúng quy định pháp luật, tránh tạo tiền lệ không tốt. 

Theo ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng trường học sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, UBND quận Nam Từ Liêm đã phối hợp với các sở, ngành, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của 25 dự án trên địa bàn quận. 

Kết quả giám sát cho thấy, một số dự án bị chậm triển khai do nhiều yếu tố khách quan. Để chấm dứt tình trạng đất để không kéo dài trong khi dân thiếu trường cho con em đi học, UBND quận đã phối hợp với các sở, ngành báo cáo thành phố thu hồi 10 dự án xây trường như dự án trường tiểu học, THCS Mỹ Đình, trường Mầm non Cầu Diễn, THCS Cầu Diễn, trường Mầm non Mễ Trì, trường Mầm non Phú Đô, trường Mầm non Mỹ Đình 2, trường tiểu học, THCS Xuân Phương... Trong 10 dự án này đã có trên 50% dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư bằng ngân sách của quận để triển khai xây dựng.

Đây cũng là đề xuất của UBND quận Cầu Giấy. Quận này cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học trong các khu đô thị, dự án nhà ở thì UBND TP cần có quy định về thời hạn bắt buộc đối với các chủ đầu tư dự án trường học. Nếu dự án triển khai quá chậm do lỗi chủ quan của nhà đầu tư thì cần thu hồi để giao cho nhà đầu tư khác hoặc dành đất để đầu tư xây trường công.