Khổ như dân phố cổ lo nhà sập

ANTD.VN - Tối 1-7, ban công tầng 2 của ngôi nhà 3 tầng ở địa chỉ số 20 phố Bát Sứ, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội bất ngờ bị sụt, gãy treo nghiêng tòa nhà kéo theo nhiều đồ đạc bị rơi xuống đường.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, tại tầng 2 ngôi nhà không có người ở nên đã không xảy ra thiệt hại về người, nhưng sự việc đã khiến người dân sống quanh khu vực vô cùng hoang mang, lo lắng. Đáng nói đây chỉ là một ví dụ trong một số vụ nhà xuống cấp bị sụt, sập đổ tại khu vực phố cổ Hà Nội diễn ra thời gian qua.

Khổ như dân phố cổ lo nhà sập ảnh 1Ngôi nhà số 20 phố Bát Sứ có ban công bị sụt, gãy và nhà số 23 Bát Sứ cũng bị xuống cấp khá nghiêm trọng

Nhếch nhác và xuống cấp

Sau sự cố, phần ban công tầng 2 (dài 5,3m, rộng 1,8m, phía trên có mái tôn, quây vách nhôm kính, gia chủ sử dụng làm diện tích phụ) bị gãy gập, không bị đổ xuống đất mà treo lơ lửng trên tường và bị nghiêng khoảng 60 độ.

Nhận được tin báo của người dân, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời, sử dụng cột chống thép để ngăn lan can không bị đổ sập xuống. Nguyên nhân dẫn đến sự cố trên là do ngôi nhà được xây dựng đã khá lâu, hiện đã quá cũ, bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi nhà số 20 Bát Sứ có 3 hộ dân sinh sống, là một trong những ngôi nhà nguy hiểm, có nguy cơ bị sập đổ rất cao, đã nằm trong danh sách cảnh báo của UBND phường Hàng Bồ nhiều năm nay. 

Có mặt tại khu vực trên sáng 2-7, chúng tôi chứng kiến toàn bộ khu vực nguy hiểm của ngôi nhà đã được che phủ bạt và đơn vị thi công đang tiến hành tháo dỡ ban công, thu dọn gạch vữa, phế thải xây dựng.

Quan sát từ bên ngoài ngôi nhà 3 tầng điều dễ nhận thấy là sự nhếch nhác với nhiều đoạn tường bị bong tróc từng mảng cùng những vết nứt rộng. Bên cạnh đó, hệ thống cửa, ban công đã bị gỉ sét, cong vênh cùng nhiều hạng mục khác đã xuống cấp trầm trọng. Ngay mặt tiền ngôi nhà này là một cột điện với hệ thống dây điện, cáp… chằng chịt, dày đặc.

Khảo sát một số ngôi nhà khác trong khu vực, chúng tôi cũng thấy những cảnh tương tự. Do có tuổi đời khá cao, sức chứa thường xuyên quá tải lại không được cải tạo, nâng cấp nên hầu hết những ngôi này đều lem nhem, nhếch nhác do bị chắp vá, cơi nới, làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Tại ngôi nhà số 23 Bát Sứ, trên tầng 2, nhiều mảng tường đã trơ gạch, rêu mốc phủ đầy nhưng dưới tầng 1 hoạt động kinh doanh, buôn bán vẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Cách đó không xa, tại ngôi nhà số 6 Bát Sứ, tầng 1 và tầng 2 thuộc sở hữu của 2 hộ khác nhau. Do nhà xuống cấp, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt nên hộ ở tầng 2 hiện đã chuyển đi nơi khác, nhà bỏ không, còn dưới tầng 1, người dân vẫn sinh sống bình thường.

Những ngôi nhà thuộc diện “nguy hiểm”

Liên quan đến sự cố sập ban công nhà số 20 phố Bát Sứ, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ cho biết, sau khi sự việc xảy ra, UBND phường đã báo cáo UBND quận, cùng đại diện các phòng chức năng của quận và CAQ Hoàn Kiếm ra quân, cấm đường, hỗ trợ người dân di dời nguyên vật liệu đồng thời liên hệ với gia đình đề nghị mở cửa, kiểm tra, di chuyển, thu dọn đồ đạc trong nhà.

Ngay trong sáng 2-7, UBND phường cũng đã họp với đại diện các phòng, ban liên quan và hộ gia đình có ban công bị nứt gãy.

Gia đình này đã cam kết xin tự tháo dỡ phần công trình bị hư hỏng. Dự kiến sau khi chủ gia đình khắc phục xong sự cố, UBND phường sẽ phối hợp với Thanh tra xây dựng quận lập biên bản ghi nhận hiện trạng. UBND phường cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nếu gia đình có nhu cầu cải tạo, nâng cấp công trình nhằm khắc phục triệt để sự cố đảm bảo sự an toàn của các công trình liền kề và những hộ gia đình còn lại trong số nhà.

Thời gian qua, với quyết tâm của UBND phường và quận, cùng với sự hợp tác, đồng thuận của người dân, tại số 4 Hàng Bút đã di dời được 8 hộ dân, ở khu vực chùa Thái Cam và đình Tân Khai di dời được 16 hộ ra khỏi nhà nguy hiểm.

UBND phường cũng đã vận động 2 gia đình ở số 42 phố Hàng Bồ tự bỏ kinh phí cải tạo, gia cố trần nhà, thay thế bằng những vật liệu nhẹ. Ở nhà số 40 phố Thuốc Bắc, phần diện tích thuộc sở hữu công đã được cải tạo, phần sở hữu tư nhân xen kẽ đằng sau đang chờ giấy phép, toàn bộ phần công trình nguy hiểm trên tầng 2 đã được phá dỡ.

“Đối với việc quản lý nhà xuống cấp trong khu vực phố cổ, khó khăn lớn nhất là do trong cùng một số nhà, sở hữu công tư xen kẽ nhau theo kiểu cài răng lược. Có những ngôi nhà trần của nhà này lại là sàn nhà của hộ khác nên việc sửa chữa, cải tạo khá khó khăn, phức tạp, nhất là khi không có sự đồng thuận giữa các hộ. Bên cạnh đó, chức năng quản lý các khu nhà này thuộc nhiều đơn vị như UBND phường, UBND quận, Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà”, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm.

“Hiện trên địa bàn phường có khoảng 30 ngôi nhà xuống cấp, nguy hiểm nằm trong khu vực phố cổ như nhà số 6 và số 23 phố Bát Sứ, nhà số 1 và số 10 phố Lò Rèn, nhà số 57 Lãn Ông, nhà số 40 phố Thuốc Bắc… Một số gia đình có điều kiện đã chủ động di dời đến chỗ ở mới. Số hộ còn lại do kinh tế khó khăn nên vẫn buộc phải bám trụ dù biết nguy hiểm đến tính mạng”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh (Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ)