Khách hàng có bị thiệt hại khi mua các dự án bất động sản bị thanh tra?

ANTD.VN - Nhiều khách hàng liên tục chất vấn chủ đầu tư khi dự án họ mua nằm trong danh sách do Bộ Tài chính chuyển Thanh tra Chính phủ tham khảo để thanh tra.

Không ít dự án bất động sản đã bị tác động khi có tên trong danh sách đề nghị thanh tra

Thông tin về việc 60 dự án bất động sản nguy cơ sẽ bị thanh tra, thậm chí tạm đình chỉ do có dấu hiệu vi phạm gây thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đã gây xôn xao dư luận thời gian qua. Theo các chuyên gia, việc thanh tra là cần thiết, song cũng cần thận trọng, tránh gây hoang mang, thiệt hại cho các chủ đầu tư.

Chỉ là danh sách tham khảo

Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi Thủ tướng Chính phủ và chuyển Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách 60 dự án đã chuyển mục đích sử dụng đầu tư tại các thành phố lớn trên cả nước để phục vụ công tác thanh tra đất đai theo kế hoạch năm 2017. 

Dù đây chỉ là văn bản mang tính chất tham khảo cho Thanh tra Chính phủ nhưng khi công bố, thông tin đã lập tức gây xôn xao dư luận. Một khách hàng mua nhà tại dự án Rivera Park, 69 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - một dự án có tên trong danh sách Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra cho biết, bà rất lo lắng vì đã xuống tiền tại dự án này.

“Tôi có gọi điện cho phía chủ đầu tư, họ cam kết khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng gì vì đây chỉ là danh sách tham khảo chứ không phải danh sách các dự án vi phạm. Dù sao thì gia đình tôi cũng vẫn lo vì vừa mới thanh toán khoản tiền không hề nhỏ, giờ đòi lại không được mà mua thì cũng lo vì không biết thanh tra xong kết quả sẽ như thế nào, sau này dự án có gặp rắc rối gì về vấn đề pháp lý không” - khách hàng này bày tỏ.

“Ngay cả trường hợp thanh tra có phát hiện sai sót thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ tài chính phát sinh chứ khách hàng sẽ không phải chịu thiệt hại gì. Giá bán cho khách hàng cũng không thể thay đổi vì giá này đã có trong hợp đồng và chủ đầu tư sẽ phải thực hiện đúng theo hợp đồng” 

Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản

Đại diện một doanh nghiệp có dự án nằm trong danh sách do Bộ Tài chính đưa ra cũng thừa nhận, những ngày qua doanh nghiệp gặp không ít xáo trộn vì khách hàng thắc mắc, phản ứng về những thông tin báo chí nêu.

“Bên phân phối cho biết, những ngày gần đây nhiều khách liên tục gọi điện hỏi về vấn đề dự án sắp bị thanh tra, họ lo lắng về việc liệu có được cấp sổ đỏ không, liệu dự án có bị đình chỉ thi công, ảnh hưởng đến tiến độ dự án không. Một số khách hàng đang trong quá trình tìm hiểu dự án đã quyết định không đặt cọc mà nghe ngóng thêm thông tin. Chúng tôi đang tính phải có văn bản thông tin chính thức để trấn an khách hàng” - vị đại diện doanh nghiệp cho biết.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra là công tác quản lý bình thường của Nhà nước. 60 dự án có trong danh sách là các dự án Bộ Tài chính trình Thanh tra Chính phủ tham khảo để lựa chọn thanh tra chứ chưa thể khẳng định là các dự án có sai phạm. Trong trường hợp này, mục đích chính của Bộ Tài chính là đề nghị thanh tra nhằm tránh thất thoát tài sản Nhà nước và xác định lại số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước. 

Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường bất động sản vốn rất nhạy cảm, do liên quan trực tiếp đến túi tiền của người dân thì lẽ ra cơ quan quản lý cần thận trọng khi đưa ra thông tin, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp. 

Người mua nhà sẽ không bị thiệt hại

Trước những tác động tiêu cực đến thị trường do văn bản của Bộ Tài chính công bố, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đã lên tiếng yêu cầu Bộ Tài chính giải thích về thông tin này. Đồng thời HOREA cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ nhằm đề xuất cho các chủ đầu tư được tiếp tục thi công dự án thay vì phải tạm dừng để phục vụ thanh tra như kiến nghị của Bộ Tài chính. 

“Trong trường hợp dự án bị thanh tra, kiểm tra thì Hiệp hội đề nghị vẫn cho chủ đầu tư tiếp tục thi công dự án nhưng với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Điều này giúp các doanh nghiệp hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA kiến nghị. 

Trả lời thắc mắc của HOREA, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, việc đề xuất danh sách hơn 60 dự án là Bộ Tài chính thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì và các bộ, ban, ngành rà soát Nghị định 46, Nghị định 59 và 189 chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó có vấn đề về chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

“Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư có dấu hiệu sai phạm pháp luật về đất đai, quyền sử dụng đất, đấu giá đất… Do vậy, chúng tôi đề nghị Thủ tướng giao cho Thanh tra Chính phủ tham khảo những đánh giá về 62 dự án bất động sản này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Về vấn đề tạm dừng thi công các dự án sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ này chỉ kiến nghị tạm thời dừng thi công các dự án nhà cao tầng đang triển khai xây dựng tại các thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền được giao như sử dụng đất không qua đấu giá đất. “Chỉ những dự án chưa đủ thủ tục và sai phạm thì mới dừng” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Còn đối với lo lắng của người mua nhà khi dự án bị thanh tra, theo các chuyên gia, quyền lợi người mua nhà sẽ không bị ảnh hưởng gì. “Ngay cả trường hợp thanh tra có phát hiện sai sót thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ tài chính phát sinh chứ khách hàng sẽ không phải chịu thiệt hại gì. Giá bán cho khách hàng cũng không thể thay đổi vì giá này đã có trong hợp đồng và chủ đầu tư sẽ phải thực hiện đúng theo hợp đồng” - ông Nguyễn Văn Đính nói.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Đính, việc thanh tra trong trường hợp này không chỉ nhắm đến sai phạm của doanh nghiệp mà là thanh tra cả quy trình chuyển đổi, định giá tài sản. Nếu phát hiện quá trình cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp có bỏ sót, có định giá thấp dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước thì cần xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan. “Phía cơ quan Nhà nước ai sai đâu người đó phải chịu, phải xác định rõ trách nhiệm của liên ngành, Sở Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Thuế...” - ông Nguyễn Văn Đính kiến nghị.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định người mua nhà không có lỗi khi họ mua nhà theo giá thị trường, chỉ nhà đầu tư mua không theo giá thị trường nhưng bán giá thị trường phải chịu trách nhiệm. 

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng khẳng định việc thanh tra để xem quy trình giao đất, xác định tiền sử dụng đất có sai gì không. Nếu không hợp lý sẽ sửa lại để mọi thứ rõ ràng, minh bạch, tránh thất thu ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp làm ăn. “Thanh tra sẽ làm rõ đâu là lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước, đâu là lỗi của doanh nghiệp. Như vậy, không phải kiến nghị này nhằm gây khó cho doanh nghiệp” - lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.