Yếu thế, người tiêu dùng khó đòi quyền lợi

ANTD.VN - Khi muốn đổi trả, bảo hành sản phẩm, hàng hóa do gặp phải khiếm khuyết, người tiêu dùng thường gặp rất nhiều khó khăn.

Hàng loạt vụ việc doanh nghiệp không thực hiện đúng nghĩa vụ với người tiêu dùng vừa được Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương đưa ra mới đây. Nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, chắc chắn người tiêu dùng khó đòi được quyền lợi chính đáng, dù Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp.

Yếu thế, người tiêu dùng khó đòi quyền lợi ảnh 1Cân nhắc khi giao kết mua các sản phẩm giá trị cao  (Ảnh minh họa)

“Mật ngọt” từ người bán hàng

Được giới thiệu về một thương hiệu mỹ phẩm khá nổi tiếng, chị V.T.H (Hà Nội) đã liên hệ với Công ty TNHH Deaura để được tư vấn. “Sau khi được tư vấn, chị H. được mời mua bộ mỹ phẩm trị giá 35 triệu đồng của Công ty TNHH Deaura với hình thức trả góp qua ngân hàng.

Nhưng sau khi mua hàng, chị H. nhận được nhiều thông tin trái chiều về sản phẩm và muốn đổi trả (người tiêu dùng chưa sử dụng sản phẩm) nhưng Công ty không đồng ý. Công ty này cũng không cung cấp thông tin đầy đủ về quy định đổi trả và nội dung hóa đơn bán hàng cũng không bao gồm quy định này” - thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết. Để đòi lại quyền lợi, chị V.T.H đã gửi đơn khiếu nại đến Cục Quản lý Cạnh tranh nhờ giải quyết. 

Tương tự, anh T.A cũng khiếu nại tới Cục Quản lý Cạnh tranh về việc mua bếp từ hiệu Kitchmate của Công ty TNHH Thiết bị nội thất cao cấp. Tại showroom, người tiêu dùng được tư vấn mua bếp từ của Đức trị giá 31,899 triệu đồng. Vị khách hàng này đã đặt cọc 10 triệu đồng và hẹn giao hàng sau 1 tháng.

Tuy nhiên, sau khi về nhà và tìm hiểu thêm về thương hiệu trên, khách hàng nhận thấy không có đủ căn cứ để khẳng định sản phẩm bếp từ này được sản xuất tại Đức. Người tiêu dùng đã liên hệ với công ty và yêu cầu hoàn lại tiền đặt cọc. Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH Thiết bị nội thất cao cấp đã từ chối và đưa ra phương án giải quyết là giảm giá bán, người tiêu dùng có thể mua bếp với giá 26 triệu đồng.

Nhờ có sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà hai trường hợp trên đều đòi được quyền lợi chính đáng của mình. Vụ việc được giải quyết một cách thỏa đáng. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy, người tiêu dùng vẫn ở thế yếu trong các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ nên khó đòi quyền lợi khi hàng hóa, dịch vụ không đúng với quảng cáo, giới thiệu.

Nghiên cứu kỹ trước khi ký hợp đồng

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Quản lý cấp cao Bộ phận quản lý người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam được đánh giá đứng thứ năm trên thế giới về mức độ lạc quan trong cuộc sống và họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Đáng chú ý, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng tham gia nhiều hơn các hoạt động mua hàng trực tuyến. 

Trên thực tế, những xung đột quyền lợi giữa người bán và người mua xuất hiện ở bất cứ quốc gia nào, không riêng gì Việt Nam. Và càng tiêu dùng nhiều thì các vụ việc xâm phạm quyền lợi càng diễn ra phổ biến hơn. Do đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng để tìm được sản phẩm ưng ý, đúng giá trị, xuất xứ cũng như phải minh bạch về các điều khoản đổi trả, khuyến mãi, bảo hành. Quy tắc này càng cần thiết hơn đối với những người thực hiện giao dịch mua bán trực tuyến, bởi người mua không được “sờ tận tay” sản phẩm cũng như khi mua những món hàng giá trị lớn.

Từng gặp rủi ro khi bán vé máy bay cho khách hàng do lỗi của hãng máy bay, chị Nguyễn Phương Uyên (chủ đại lý vé máy bay) chia sẻ: “Tôi đặt vé cho một đoàn khách đi nội địa, hệ thống báo thành công. Nhưng khi khách ra sân bay thì một số người trong đoàn phải ở lại vì không có vé do lỗi của hãng hàng không. Tôi đi lại vài tháng trời mới đòi lại được quyền lợi, nhưng rất mệt mỏi và mất uy tín với khách. Các doanh nghiệp lớn luôn có các hợp đồng mẫu sẵn có, điều khoản có lợi cho họ mà người mua không chú ý, cứ đặt bút ký là dễ chịu thiệt”.