Trước "làn sóng" mã độc WannaCry: "Lo ngại nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa"

ANTD.VN - Ông Triệu Trần Đức- Tổng giám đốc Công ty CP An ninh an toàn thông tin CMC (InfoSec) cho biết, có khoảng 1.000 máy tính tại Việt Nam đã nhiễm mã độc WannaCry trong những ngày qua.

Ông Triệu Trần Đức giới thiệu về phần mềm chống mã độc tống tiền

Liên quan đến vụ mã độc WannaCry tấn công, tống tiền, những ngày qua tại Việt Nam đã có một số thống kê về số lượng máy tính bị ảnh hưởng. 

Theo Bkav, con số máy bị nhiễm WannaCry lên tới khoảng 1.900 máy tính. Trong khi đó, CMC lại đưa ra thống kê khoảng gần 1.000 máy bị nhiễm.

Ông Triệu Trần Đức cho biết, một số cơ quan quản lý thậm chí còn khẳng định mã độc WannaCry không có ở Việt Nam, hoặc chỉ một vài máy nhiễm. "Tuy nhiên, chúng tôi được biết thế giới có khoảng 300.000 máy tính bị nhiễm WannaCry, Việt Nam nằm trong top 20 nước bị tấn công nhiều nhất, nên số máy tính bị nhiễm vào khoảng 1.000 máy".

Các chuyên gia an ninh mạng cũng cho hay, mã độc WannaCry chỉ mất khoảng 3 giây để tấn công một máy. Ngay sau khi phát hiện cuộc tấn công này, Microsoft Việt Nam đã đến hỗ trợ các khách hàng lớn như các bộ, ngành để vá lỗi, nhằm hạn chế lây lan.

"Doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị tổn thương nhất, dễ bị nhiễm mã độc nhất vì họ thường xuyên giao dịch với đối tác trong và ngoài nước qua email. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa không đầu tư cho an toàn thông tin"- ông Triệu Trần Đức nói.

Ngày 19-5, CMC đã cho ra mắt phần mềm chống mã hóa dữ liệu mang tên CMC CryptoShield, có khả năng chống mọi loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền người dùng (Ransomware).

Điểm đặc biệt của CMC CryptoShield là khả năng phòng chống mọi dạng mã độc mã hóa dữ liệu nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống trí tuệ nhân tạo được tích hợp trong CMC CryptoShield có thể nhận biết tất cả các vi mã hóa dữ liệu và tiến hành ngăn chặn mà không cần nhận dạng loại mã độc của Ransomware.

Ransomware bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ từ đầu năm 2016. Phương thức tấn công này đại diện cho một thế hệ công cụ hoàn toàn mới của tin tặc nhằm thực hiện mục tiêu trục lợi trực tiếp từ người sử dụng máy tính.

Các tập tin bị mã hóa bởi Ransomware đã được chứng minh là không thể bị giải mã trừ khi tin tặc cung cấp cho nạn nhân mã khóa. Với sự phát triển vượt bậc của tiền ảo ẩn danh trong những năm vừa qua, nổi bật nhất là BitCoin, tin tặc có cách để nhận được tiền chuộc mà về cơ bản là không thể bị truy ra dấu vết.

Ông Vũ Lâm Bằng - Phụ trách Nghiên cứu Phát triển sản phẩm của CMC chia sẻ: “CMC CryptoShield đảm bảo rằng tất cả các dữ liệu của người dùng sẽ được đưa vào một vùng an toàn và bất khả xâm phạm vào thời điểm ngay trước khi bị mã hóa”.

Theo báo cáo của FBI, doanh thu năm 2016 của tội phạm mạng thu được từ tiền chuộc mã hóa ước đạt hơn 1 tỷ USD, cao gấp 40 lần so với đầu năm 2015. Nạn nhân thông thường chỉ có 48 tiếng để trả tiền chuộc trước khi bị mất hoàn toàn dữ liệu.

Mã độc WannaCry tấn công toàn cầu trong những ngày qua đã chứng minh bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị tống tiền.