Thị trường bán lẻ sắp hết chỗ cho doanh nghiệp nội

ANTD.VN - Trong khi các nhà bán lẻ trong nước chưa kịp có chiến lược nào đáng kể để cạnh tranh thì mới đây, một thương hiệu bán lẻ của nước láng giềng Trung Quốc cũng lấn sân sang Việt Nam. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam nằm trong nhóm 5 thị trường bán lẻ sôi động nhất châu Á và đứng thứ 28 trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Bởi thế, hàng loạt  “ông lớn” bán lẻ nước ngoài đã nhanh chân “xí phần” trong miếng bánh hấp dẫn này.

Thị trường bán lẻ sắp hết chỗ cho doanh nghiệp nội ảnh 1Hệ thống Metro đã được chủ sở hữu Thái Lan đổi tên và đang có kế hoạch gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ

Hàng ngoại tràn vào Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước hiện có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện ích. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dự báo tăng lên 140 tỷ USD vào năm 2020 với khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. 

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nhà bán lẻ nước ngoài sau hàng loạt thương vụ thâu tóm đình đám. Berli Jucker Plc (Thái Lan) đã mua chuỗi Metro Việt Nam và 24 cửa hàng FamilyMart. Tập đoàn Central Group (Thái Lan) sau khi mua một nửa siêu thị Nguyễn Kim hồi đầu năm 2015, cuối tháng 4-2016 đã tiếp tục mua lại hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ Aeon của Nhật Bản và Lottemart của Hàn Quốc cũng đang gia tăng ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam. 

Trong khi các nhà bán lẻ trong nước chưa kịp có chiến lược nào đáng kể nào để cạnh tranh thì mới đây, một thương hiệu bán lẻ của nước láng giềng Trung Quốc cũng lấn sân sang Việt Nam. Cụ thể, Miniso - một liên doanh của Nhật Bản và Trung Quốc đã quyết định mở hàng loạt chi nhánh tại các thành phố lớn.

Sự thâm nhập của các nhà bán lẻ ngoại không chỉ tạo ra áp lực rất lớn đối với ngành bán lẻ trong nước mà còn kéo theo cuộc đổ bộ của hàng ngoại. Các doanh nghiệp nước ngoài không những gia tăng tỷ lệ hàng nước họ mà còn xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng khép kín tại Việt Nam. Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương), nhiều siêu thị lớn đều khẳng định tỷ lệ hàng Việt bán trong hệ thống của mình lên tới 90-95%, nhưng một phần rất lớn trong số này chỉ là hàng do doanh nghiệp Việt Nam gia công hoặc là sản phẩm liên doanh.

Liên kết để tạo sức mạnh

Theo các chuyên gia, các nhà bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức do năng lực tài chính giới hạn, hoạt động chưa chuyên nghiệp, hạn chế về sức mua và các mối quan hệ có tính toàn cầu, cơ sở hạ tầng  yếu và thiếu. Hơn nữa, các nhà bán lẻ Việt Nam thường không đủ điều kiện và khả năng thực thi những chiến lược mang tính dài hạn, đặc biệt là tính liên kết không cao, “thói quen” mạnh ai nấy làm.

“Bán lẻ Việt Nam chưa có chiến lược đầy đủ, cả ở 3 cấp Nhà nước, ngành và doanh nghiệp. Vốn liếng quá nhỏ, vốn tự có của các hệ thống siêu thị nội chỉ đủ 15-20% nhu cầu kinh doanh; 60-70% các siêu thị nội phụ thuộc hầu hết vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao hơn các doanh nghiệp nước ngoài vay của công ty mẹ từ 4-5%” - ông Vũ Vinh Phú cho biết. 

Doanh nghiệp cần tự khắc phục những điểm yếu của mình, nhận thức một cách tự giác trong liên doanh, liên kết, hợp tác để cùng nhau phát triển, không làm ăn chộp giật

Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam cần phải tăng cường liên kết hỗ trợ nhau, giúp tiết kiệm được chi phí trung gian, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh so với doanh nghiệp ngoại vốn có các thế mạnh như thương hiệu nổi tiếng lâu đời, năng lực tài chính, bề dày kinh nghiệm và chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại khuyến nghị, các doanh nghiệp bán lẻ cần tận dụng, khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế như loại hình siêu thị chuyên doanh của các doanh nghiệp quy mô như Trần Anh, Thế giới di động, FPT… Cùng với đó, vấn đề liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng trên thị trường nội địa cũng là vấn đề hết sức cấp bách. “Nếu không có nền sản xuất nội địa tốt thì khó có cơ hội phát triển thị trường bán lẻ và đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại” - ông Lê Huy Khôi khẳng định.

Ngoài các chính sách đồng bộ của Nhà nước, theo ông Vũ Vinh Phú, điều quan trọng là doanh nghiệp cần tự khắc phục những điểm yếu của mình, nhận thức một cách tự giác trong liên doanh, liên kết, hợp tác để cùng nhau phát triển, không làm ăn chộp giật. Cùng với đó, phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, vận hành các siêu thị một cách chuyên nghiệp và có văn hóa, chấp nhận cạnh tranh và hợp tác, học tập những điểm mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài để tự hoàn thiện mình.