Tập đoàn GFS đồng hành cũng quỹ VIFOTEC khơi dậy niềm đam mê khoa học, sáng tạo

ANTD.VN - Tối ngày 14/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ VIFOTEC long trọng tổ chức “Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam và Giải thưởng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO năm 2017”.

Giải  thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các nhà khoa học, các nhà công nghệ đã có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn, đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước...

Trải qua 23 lần tổ chức (1995-2017), các công trình được trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam đã hun đúc tư duy tìm tòi, sáng tạo theo hướng giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh bằng ứng dụng tự động hoá của các sản phẩm hàng hoá Việt Nam.

Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2017 thu hút 118 công trình tham dự đến từ 6 lĩnh vực khác nhau như: cơ khí - tự động hóa; công nghệ Vật liệu; Công nghệ Thông tin, Điện tử, Viễn thông; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

Đánh giá cao hàm lượng chất xám của các công trình đạt giải, sự lan toả rộng khắp của Giải thưởng với uy tín ngày càng cao, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng trao tặng Bằng khen cho 9 cá nhân là Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm của 4 công trình đoạt giải Nhất.

Trong suốt hành trình tham gia vào Hội đồng bảo trợ Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), ông Phạm Thành Công – Chủ tịch Tập đoàn GFS luôn tâm niệm: những đóng góp nhỏ của GFS sẽ làm bừng cháy cả cánh rừng sáng tạo của Việt Nam. Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ ở các nhà khoa học mà cả những cá nhân đam mê sáng tạo.

Ông Phạm Thành Công – Chủ tịch Tập đoàn GFS đề cao sự sáng tạo, niềm đam mê KHCN

“Tôi đam mê nghiên cứu khoa học và luôn có suy nghĩ mọi thứ đều hữu hạn. Bất động sản, lợi thế địa tô, vốn... rồi sẽ đến lúc cạn kiệt và cường độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Tuy nhiên, tri thức, tài nguyên chất xám, đổi mới công nghệ sáng tạo là vô tận. Trên tinh thần đó, Tập đoàn GFS sẽ đồng hành dài lâu các nhà khoa học, sáng tạo và tiếp tục thông qua Quỹ VIFOTEC để giúp đưa phong trào sáng tạo KHCN đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa” - Chủ tịch Tập đoàn GFS khẳng định.

Ông Phạm Thành Công – Chủ tịch Tập đoàn GFS (thứ 10, từ trái qua) trao tặng bằng khen cho các cá nhân là Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm của 15 công trình đoạt giải Ba.

Theo thông tin từ ban tổ chức, thông qua quỹ VIFOTEC, Tập đoàn GFS đã tài trợ hàng tỷ đồng hỗ trợ cho các tài năng khoa học công nghệ. Luôn nỗ lực sáng tạo để tạo ra các sản phẩm vượt trội, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội là tâm niệm của GFS. Với mỗi dự án, sản phẩm của GFS đều được nghiên cứu và triển khai trên cơ sở mục tiêu tạo ra sản phẩm có giá trị và thương hiệu trên thị trường, không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Trong lĩnh vực bất động sản với mong muốn nâng cao giá trị sống cho cộng đồng, đưa khoa học công nghệ cao vào cuộc sống luôn là tiêu chí hàng đầu trong việc thiết kế các dự án của GFS như: dự án Five Star Mỹ Đình, Five Star Garden, Five Star WestLake, Five Star Chu Văn An, Five Star Trường Chinh, Five Star Cầu Giấy...

Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học – nông nghiệp, Tập đoàn GFS đã thành lập Viện Công nghệ GFS – trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đây là điểm khác biệt, thể hiện quyết tâm, lấy mũi nhọn Khoa học - Công nghệ làm định hướng phát triển. GFS đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ cấu doanh thu từ Tập đoàn sẽ được điều chỉnh là 70% từ công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; 30% từ bất động sản và các hoạt động khác.

Trong tương lai GFS mong muốn sẽ kiến tạo nên một cộng đồng nông nghiệp nông thôn văn minh, nơi những nhà khoa học, những con người nhiệt thành, đam mê sáng tạo, ở bất cứ lứa tuổi nào, thành phần nào đều có thể cống hiến giá trị sáng tạo và lao động của mình cho sự phát triển của xã hội.