Sau vụ Khaisilk: Xuất hiện mầm mống khủng hoảng kinh doanh?

ANTD.VN - Chia sẻ tại "Diễn đàn doanh nghiệp 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi" diễn ra chiều nay (7-12), ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, Việt Nam đã xuất hiện mầm mống khủng hoảng kinh doanh.

Doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách thích ứng với nền kinh tế đang biến đổi

Theo ông Phan Đức Hiếu, những mầm mống khủng hoảng này bắt nguồn từ khủng hoảng quản trị doanh nghiệp như câu chuyện "lụa Tàu" (vụ khăn lụa Khaisilk "đội lốt" hàng Việt- PV) vừa rồi. 

"Cuộc điều tra khủng hoảng quản trị doanh nghiệp cho thấy Việt Nam đang ở mức rất thấp. Về định hướng khách hàng, Việt Nam đang đứng ở vị trí 113/128 quốc gia, quan trọng là nhu cầu của khách hàng, chứ không cần sản phẩm ngon, rẻ, đẹp.. Đây là những kỹ năng đang rất thiếu.

Về khả năng hấp thụ công nghệ, Việt Nam đang xếp thứ 93/128 quốc gia; Chất lượng các nhà cung cấp, số lượng cũng ít, chất lượng cũng yếu; Phát minh sáng chế Việt Nam xếp thứ 91/128 quốc gia. Khả năng sáng tạo các sản phẩm mới của Việt Nam đang kém xa các nước khác trên thế giới.

Việt Nam muốn gia nhập vị trí cao hơn trên thế giới thì không thể mãi xin xỏ các doanh nghiệp nước ngoài liên kết"- ông Phan Đức Hiếu thẳng thắn nói.

Theo Phó viện trưởng CIEM, với xuất phát điểm không cao như trên, để thích ứng với kinh tế thế giới, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải quên đi thói quen kinh doanh cảm tính. Để cạnh tranh không thể có cách nào khác phải nâng cao năng lực của mình bằng hoặc hơn đối thủ. Đây là điều mà các doanh nghiệp tư nhân phải làm để tồn tại.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Sơn – Viện kinh tế và chính trị thế giới cho biết, kinh tế thế giới đang có những biến đổi lớn như: sự kiện Brexit, Mỹ rời khỏi TPP, hay "cuộc chiến thương mại" Mỹ- Trung Quốc... Những diễn biến này chắc chắn tác động tới Việt Nam và buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách thích ứng. 

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam cần tránh bị lợi dụng khi Việt Nam tham gia vào các hiệp ước FTA cả song phương hay đa phương. Sự kiện nghi vấn nhôm và thép của Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ là một ví dụ.

"Nhiều nghi vấn được đặt ra là doanh nghiệp Việt hay doanh nghiệp của Trung Quốc được lợi nếu TPP trở thành hiện thực. Điều này cũng nhắc nhở các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý nếu việc bại lộ không chỉ có các doanh nghiệp vi phạm bị phạt và các doanh nghiệp khác có thể bị trừng phạt lây"- ông Bùi Ngọc Sơn khuyến cáo.