Ra mắt sàn giao dịch vay mượn tài chính không gặp mặt

ANTD.VN - Ngày 5-12, Công ty Cổ phần Vay Mượn ra mắt thử nghiệm VayMuon.vn - Sàn giao dịch vay tiêu dùng tín chấp không gặp mặt đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình ngang hàng như Uber trong lĩnh vực tài chính cá nhân.

Sàn giao dịch vay tiêu dùng tín chấp không gặp mặt bảo mật thông tin khách hàng

Sàn giao dịch này cho phép các cá nhân có nhu cầu vay nhanh các khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn có thể đăng ký Online thông qua điện thoại di động, được xét duyệt và giải ngân chỉ trong 4 giờ làm việc với lần vay đầu và 30 phút với các lần vay sau, không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ và đặc biệt không yêu cầu gặp mặt trực tiếp.

Khoản vay được giới thiệu đến các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi trên Ví điện tử VIMO.vn giải ngân và được VayMuon.vn đảm bảo an toàn 100% cả gốc và lãi.

Người vay chỉ cần cài ứng dụng “Vay Mượn” trên kho tải vào điện thoại, đăng ký và tải lên ảnh chụp một số giấy tờ là đã hoàn tất một yêu cầu.

VayMuon.vn tự động hoá quá trình thẩm định tín dụng khách hàng bằng việc thu thập và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mà không cần gặp mặt, vì vậy có thể ra quyết định phê duyệt và giải ngân nhanh hơn các hình thức tín dụng tiêu dùng truyền thống.

Những người có tiền nhàn rỗi chỉ cần tải ứng dụng “VayMuon – Nhà đầu tư”, đăng ký tài khoản rồi liên kết với Ví điện tử VIMO để trở thành nhà đầu tư. Khi có một khoản vay được phê duyệt, nhà đầu tư nhận được thông báo trên điện thoại để mở ứng dụng và chấp thuận cho vay, khi đó số tiền sẽ được chuyển từ Ví điện tử VIMO của nhà đầu tư sang tài khoản ngân hàng của người vay.

Khi đáo hạn, 100% gốc và lãi sẽ được tự động hoàn trả lại vào Ví điện tử VIMO của nhà đầu tư để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Bà Đào Thị Trang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vay Mượn cho hay, VayMuon.vn rất quan tâm đến yếu tố bảo mật để hạn chế rủi cho cho người vay và người cho vay.

Cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending) là một mô hình kinh tế chia sẻ nhân văn ra đời tại Anh năm 2005 và trở nên phổ biến tại Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 với các tên tuổi lớn như Lending Cub, Prosper…

Giống như Uber, trong 10 năm qua mô hình này đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới với gần 4.000 doanh nghiệp chỉ riêng tại Trung Quốc vào cuối năm 2015. Tuy nhiên mô hình này chưa xuất hiện tại Việt Nam do yêu cầu cao về ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý dữ liệu lớn và quản trị rủi ro. Hầu hết các dịch vụ tài chính hiện nay đều yêu cầu người vay gặp mặt ít nhất một lần và không kết nối với nhà đầu tư.